Ngày 14/11/2015, Liên ngành Bộ Công an, Viện KSND tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 08 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma tuý” của Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, trong thực tiễn quá trình áp dụng Thông tư liên tịch số 08 và những văn bản hướng dẫn còn có những khó khăn, vướng mắc.
Trong thời gian gần đây có nhiều văn bản liên quan đến công tác giải quyết án ma tuý, cụ thể là quy định về các trường hợp phải giám định hàm lượng chất ma tuý nhưng còn có những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng.
Thông tư liên tịch số 08 quy định: “1.4…Bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma tuý trong các trường hợp sau:
a) Chất ma tuý, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma tuý ở thể rắn được hoà thành dung dịch;
b) Chất ma tuý, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma tuý ở thể lỏng đã được pha loãng;
c) Xái thuốc phiện;
d) Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;
Ngoài các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, và d tiết 1.4 Mục này, nếu có căn cứ và xét thấy cần thiết, Toà án trực tiếp trưng cầu giám định để đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật”.
Vừa qua, Toà án nhân dân tối cao có một số văn bản hướng dẫn việc thực hiện Thông tư liên tịch số 08; các văn bản đó có nội dung: Đối với các vụ án có kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền khẳng định là chế phẩm, hoặc chứa thành phần chất ma tuý mà không xác định rõ trọng lượng chất ma tuý; các vụ án thuộc trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 08 và Công văn 315 của TANDTC thì Toà án yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định hoặc căn cứ vào điểm c khoản 3 Điều 2 Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2014, các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các quy định pháp luật khác có liên quan trưng cầu giám định để xác định hàm lượng, trên cơ sở đó xác định trọng lượng chất ma tuý, làm căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Ngày 23/5/2016, Viện Khoa học hình sự Tổng cục Cảnh sát có văn bản số 387/C54(TT2) về việc trả lời kết luận giám định ma tuý. Để thống nhất từ ngữ dùng trong kết luận giám định ma tuý, Viện Khoa học hình sự hướng dẫn cụ thể:
1. Đối với các mẫu ma tuý gửi giám định ở thể rắn:
“Chất bột (tinh thể, viên nén…) trong (các) mẫu…gửi giám định (đều) có thành phần Heroine (MA, MDMA,…); (Tổng) Khối lượng…gam (kilôgam); Hàm lượng Heroine (MA, MDMA,…) (trung bình) là…%”.
2. Đối với các mẫu ma tuý gửi giám định ở thể lỏng:
“Chất lỏng trong (các) mẫu…gửi giám định (đều) có thành phần…(Heroine, Morphine,…); (Tổng) Thể tích…mililít (lít); Nồng độ (VD: Heroine, Morphine…) (trung bình) là…miligam/mililít (miligam/lít, gam/lít)…
Sau khi có Thông tư liên tịch số 08 và các văn bản nêu trên, việc giải quyết án ma tuý trên thực tiễn gặp khó khăn, vướng mắc, cụ thể:
Khi quyết định trưng cầu giám định, Cơ quan điều tra trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang giám định mẫu vật trong các vụ án ma tuý với nội dung yêu cầu giám định có phải là chất ma tuý không? loại chất ma tuý gì? có trọng lượng (khối lượng) là bao nhiêu gam? Nhưng trong kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự không kết luận theo nội dung yêu cầu giám định mà lại kết luận mẫu vật “…có thành phần chất ma tuý…”.
Như vậy, với những vụ án có Kết luận giám định “…có thành phần chất ma tuý…” thì Cơ quan điều tra có phải trưng cầu giám định hàm lượng chất ma tuý hay không? Thực tế đã có một số vụ án, bị can bị khởi tố về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý mà trong Kết luận giám định kết luận “…có thành phần chất ma tuý…” thì có phải giám định hàm lượng chất ma tuý hay không? Nếu phải giám định hàm lượng, trường hợp sau khi giám định quy đổi không đủ khối lượng để truy tố thì xử lý như thế nào?
Mong các đồng chí, đồng nghiệp cùng trao đổi để có thể tìm ra những giải pháp cụ thể giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi xử lý các vụ án ma túy.
Phan Thị Diễm Hạnh