ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -09:14 AM

Trao đổi bài viết “Trần Văn T” phạm tội gì?

 | 

Sau khi đọc bài viết “Trần Văn T phạm tội gì” của tác giả Vi Đức Ninh đăng trên  Trang tin điện tử ngành ngày 20/5/2015. Theo tác giả hiện nay có 2 quan điểm khác nhau về xác định tội danh của Trần Văn T là “Trộm cắp tài sản” và “Cướp giật tài sản”.

>>>Trần Văn T phạm tội gì?

Nội dung vụ án: Khoảng 13h ngày 10/5/2015, Trần Văn T đi xe máy đến cửa hàng của chị Nguyễn Thị H mục đích để mua điện thoại di động. T dựng xe ở ngoài rồi vào trong gặp chị H hỏi mua điện thoại di động SamSung. Chị H nói giá 3.500.000 đồng. T bảo chị H cho mượn điện thoại để điện cho người quen hỏi vay thêm tiền nhưng không liên lạc được nên trả lại điện thoại. Sau đó, T bảo chị H cho mượn để lắp vào điện thoại  để thử máy. Lúc này có 2 người khách đến cửa hạng hỏi mua diện thoại, chị H quay sang nói chuyện với những người khách này. Thấy chị H sở hở, T nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại di động của chị H nên cầm điện thoại đưa lên tai giả vờ gọi điện rồi đi ra ngoài lấy xe máy phóng đi. T đã bán chiếc điện thoại trên được 2.800.00 đồng và chi tiêu cá nhân hết.

Từ nội dung vụ án nêu trên,  tôi phân tích và có quan điểm như sau:

Trước hết, muốn buộc tội một người và xác định người đó phạm tội gì thì cần phân tích 4 yếu tố cấu thành tội phạm đó là chủ thể, khách thể, mặt chủ quan và mặt khách quan của tội phạm.

Trong vụ án này, T ban đầu không có ý thức chiếm đoạt tài sản, việc chị H đưa điện thoại cho T mượn là do sự thỏa thuận của 2 người nên cần được coi là giao dịch dân sự và thỏa mãn Điều 122 Bộ luật dân sự “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự”; giai đoạn này chưa phát sinh tội phạm. Giai đoạn tiếp theo, T vẫn đang quản lý điện thoại trong tay thì có hai người khách đến cửa hàng. Khi phát hiện thấy chị H đang bận giao dịch với hai người khách thì lúc này T mới nảy sinh ý định chiếm đoạt điện thoại. T đã thực hiện hành vi giả vờ đưa điện thoại lên tai gọi cho người khác sau đó đi ra ngoài rồi phóng xe máy đi. T đã chiếm đoạt được chiếc điện thoại di động của chị H.

Đặc trưng của tội trộm cắp tài sản thì người phạm tội phải thực hiện hành vi một cách lén lút đối với người có tài sản để tiếp cận tài sản rồi mới thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Người phạm tội thường có ý thức chiếm đoạt tài sản từ trước. Trong trường hợp này, T và chị H đã có quan hệ giao dịch dân sự trao và nhận tài sản cho nhau ngay thẳng và hợp pháp. T không thực hiện hành vi lén lút đối với chị H để chiếm đoạt tài sản. Hành vi của T chưa thỏa mãn về yếu tố cấu thành của tội “Trộm cắp tài sản”.

Tác giả đưa ra quan điểm thứ hai: T phạm tội “Cướp giật tài sản” với lập luận khi chị H sơ hở trong việc quản lý tài sản nên T thực hiện công khai đối với chủ sở hữu. Hành vi chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát đã thoả mãn các dấu hiệu của tội “Cướp giật tài sản”.

Về lý luận và thực tiễn, dấu hiệu đặc trưng của tội “Cướp giật tài sản” phải thỏa mãn yếu tố người phạm tội thực hiện hành vi lấy tài sản do chủ sở hữu đang quản lý rồi nhanh chóng tẩu thoát. Trường hợp này khi tài sản là chiếc điện thoại mà T đang có trong tay một cách ngay thẳng hợp pháp thì T mới nảy sinh ý thức chiếm đoạt. T không thực hiện hành vi giật tài sản nên cũng chưa thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội “Cướp giật tài sản”.

Tôi phân tích và đưa ra quan điểm thứ ba để mọi người cùng tham khảo:

Giai đoạn 1: Khi T hỏi mượn điện thoại và được chị H đưa điện thoại cho T, quan hệ này không làm phát sinh tội phạm.

Giai đoạn 2: Khi T có điện thoại trong tay, T cũng chưa nảy sinh ý thức chiếm đoạt điện thoại ngay, chỉ đến khi có hai người khách đến cửa hàng và thấy chị H có sơ hở  thì T nảy sinh chiếm đoạt chiếc điện thoại.

Giai đoạn 3: Khi có ý thức chiếm đoạt tài sản, T đã thể hiện hành vi gian dối của mình bằng cách đưa điện thoại lên tai trả vờ gọi cho người khác để chị H không chú ý đến. Sau đó, T đi ra rồi nổ xe máy phóng đi. Đây là một khoảng thời gian mà T thực hiện hành vi phạm tội một cách liên tục.

Khoản 1 Điều 140 Bộ luật hình sự quy định: “Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác....:

a- Mượn tài sản của người khác... bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó”.

Việc T đưa điện thoại lên giả vờ gọi điện xác định là hành vi gian dối đối với chị H sau đó bỏ trốn và chiếm đoạt tài sản. Hành vi phạm tội của T thỏa mãn các yếu tố cấu thành của tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 140 Bộ luật hình sự /.

Nguyễn Đình Điển-Phòng 10 VKSND tỉnh

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,809,635
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.226.186.109

    Thư viện ảnh