ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 25/11/2024 -02:45 AM

Trao đổi bài viết về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

 | 

Ngày 25/12/2014, tác giả Nguyễn Văn Tuyển-VKS Lục Ngạn có nêu vấn đề trao đổi nghiệp vụ về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" trên trang tin điện tử VKSND tỉnh Bắc Giang.

>>>Trao đổi nghiệp vụ về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”

Tóm tắt nội dung vụ việc: Ngày 22/6/2014, Nguyễn Văn A - sinh ngày 11/7/1998 trộm cắp 01 chiếc xe mô tô trị giá 7.800.000 đồng rồi mang đến nhờ Nguyễn Văn B - sinh năm 1993 bán hộ chiếc xe trên. A nói rõ cho B biết chiếc xe này là tài sản do trộm cắp mà có. Ngày 15/7/2014, B mang chiếc xe trên đến nhờ Phạm Văn C- sinh năm 1993 bán hộ. Khi nhờ C bán hộ chiếc xe, B nói với C chiếc xe này do người khác trộm cắp. C đồng ý và hứa sẽ tìm chỗ để tiêu thụ. Ngày hôm sau, B cùng C mang chiếc xe trên đến bán cho Trần Văn D - sinh năm 1995 với giá 3.000.000 đồng. Trước khi mua xe, D hỏi nguồn gốc chiếc xe trên thì B, C nói là xe trộm cắp nhưng D vẫn đồng ý mua. Một thời gian sau, D sử dụng chiếc xe máy trên để cướp giật tài sản thì bị bắt giữ.

Tác giả nêu 02 quan điểm:

+ Thứ nhất: Do Nguyễn Văn A chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản nên B, C, D là những người có hành vi tiêu thụ tài sản liên quan đến tội phạm do người phạm tội thực hiện cũng không phải là tội phạm. Vì vậy, B, C, D không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Thứ hai: Việc A không phải chịu trách nhiệm hình sự là do chính sách pháp luật hình sự, chứ hành vi của A đã hoàn thành tội trộm cắp tài sản. Do đó B, C, D vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.   

Sau khi nghiên cứu nội dung bài viết và quan điểm của tác giả, cá nhân tôi có ý kiến như sau:

Hành vi của B chưa cấu thành tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Bởi vì, theo Điều 250 BLHS quy định: "Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm".

 Theo Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có quy định: Tài sản do người khác phạm tội mà cólà tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội.

Do hành vi của A chưa cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự nên không thể coi A là người phạm tội. Vì vậy, hành vi của B không cấu thành tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

Hành vi của A đã vi phạm quy định của Bộ luật hình sự. Do A chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình, nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A nhưng hành vi của A là phạm pháp (vi phạm pháp luật). Mặt khác, B biết việc chiếc xe mô tô là do A trộm cắp mà có. A nhờ B bán hộ chiếc xe trên, B đồng ý và mang chiếc xe đến nhờ đến nhờ C bán hộ. Hành vi của B đã vi phạm quy định tại Điều 252 BLHS về tội "Chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp", bởi vì:

B không khuyên ngăn và tố cáo hành vi của A mà còn che giấu hành vi phạm pháp của A, nhận chiếc xe do A trộm cắp được mà có và đồng ý bán hộ. Hành vi phạm tội của B là cố ý, tác động xấu đến sự hình thành nhân cách của A, tạo điều kiện cho A tích cực phạm tội. Tội phạm hoàn thành kể từ khi B đồng ý bán hộ A chiếc xe mô tô trộm cắp mà có và nhận chiếc xe mô tô từ A.

Hành vi của C vi phạm quy định tại Điều 250 BLHS về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có". Khi B nhờ C bán hộ chiếc xe mô tô, B có nói với C là chiếc xe này là tài sản do người khác trộm cắp mà có. C đồng ý và hứa sẽ tìm chỗ để tiêu thụ. Sau đó B và C cùng bán chiếc xe cho D. Hành vi của C là tiêu thụ tài sản do B phạm tội mà có. C không phải là đồng phạm của B về hành vi "Chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp" bởi vì C phạm tội thông qua hành vi phạm tội của B. Hành vi của C khác của B ở chỗ C không biết xe mô tô do A trộm cắp có được và cũng không đồng ý với A tiêu thụ chiếc xe cho A, mà chỉ biết là chiếc xe B đang quản lý do trộm cắp mà có được.

Tương tự như C, hành vi của D cũng cấu thành tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" quy định tại Điều 250 BLHS. Trước khi mua xe, D hỏi nguồn gốc chiếc xe trên thì B, C nói là xe trộm cắp nhưng D vẫn mua.

Trong vụ án trên còn nhiều quan điểm tranh luận, tôi mong được sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp và độc giả./.

Lương Văn Tuấn- VKS Hiệp Hòa

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,446,918
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.138.32.53

    Thư viện ảnh