ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 11/01/2025 -21:06 PM

Trao đổi bài viết “Tội hay không tội? khoản 1 hay khoản 2?”

 | 

Qua nghiên cứu bài viết “Tội hay không tội? khoản 1 hay khoản 2” của tác giả Vũ Văn Thành - Viện KSND huyện Hiệp Hòa đăng ngày 20/01/2015 trên Trang tin điện tử ngành Kiểm sát Bắc Giang, chúng tôi có một số ý kiến trao đổi như sau:

>>> Tội hay không tội? khoản 1 hay khoản 2?

* Đối với trường hợp 1:

- Nội dung vụ án:Ngày 17/3/2014,  Nguyễn Đình L, sinh năm 1980 có hành vi trộm cắp 01 chiếc điện thoại Nokia 1200, trị giá 310.000 đồng. Về nhân thân và tiền án, tiền sự của đối tượng L như sau:

- Bản án số 05 ngày 08/4/2003 xử phạt 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, trị giá tài sản trộm cắp là 4.000.000 đồng (thời hạn tù tính từ ngày 12/11/2002).

- Quyết định số 16 ngày 12/10/2006, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn H xử phạt hành chính 1.000.000 đồng về hành vi trộm cắp tài sản.

- Bản án 05 ngày 22/01/2007 xử phạt 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, giá trị tài sản trộm cắp là 340.000 đồng (thực hiện hành vi phạm tội ngày 30/10/2006).

- Bản án số 34 ngày 30/6/2008 xử phạt 18 tháng tù về tội trộm cắp tài sản, trị giá tài sản trộm cắp là 245.000 đồng (thực hiện hành vi phạm tội ngày 16/1/2008).

- Bản án số 29 ngày 25/5/2010 xử phạt 48 tháng tù về tội đánh bạc  (thực hiện hành vi phạm tội ngày 16/01/2010).

Bài viết có hai quan điểm khác nhau về xử lý vụ án:

Quan điểm thứ nhất: L không phạm tội vì theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội thì L đã được xóa án tích về tội trộm cắp tài sản và chỉ còn tiền án về tội đánh bạc vì vậy L không có tình tiết “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Quan điểm thứ hai: L phạm tội trộm cắp tài sản, vì tuy số tiền chưa đủ 2.000.000 đồng nhưng L đã có tiền án về tội trộm cắp tài sản và chưa được xóa án tích. Thời điểm hiện tại, L có 2 tiền án trong đó có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản (bản án số 05/2003/HSST và bản án 29/2010/HSST).

Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, tức là hành vi trộm cắp tài sản ngày 17/3/2014 của L đã phạm tội“Trộm cắp tài sản”quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS với tình tiết định tội “đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng tất cả các tiền án của L đều chưa được xóa án theo quy định tại các Điều 64, 65, 66 BLHS  và Nghị quyết 33/2009; Thời điểm xóa án của các bản án này được tính từ ngày L chấp hành xong bản án số 29 ngày 25/5/2010 theo quy định tại khoản 2 Điều 67 BLHS (Nếu chưa được xoá án tích mà phạm tội mới, thì thời hạn để xoá án tích cũ tính từ ngày chấp hành xong bản án mới”). Các tiền án của L được xác định như sau:

- Bản án số 05 ngày 08/4/2003 chưa được xóa án tích (vì theo tác giả bài viết, bản án này được xác định là tiền án và không thuộc trường hợp được đương nhiên xóa án tích theo quy định của Nghị quyết 33/2009);

- Bản án số 05 ngày 22/01/2007 xét xử L về tội “Trộm cắp tài sản” là đúng và cũng chưa được xóa án tích theo Nghị quyết 33, bởi hai lý do: Thứ nhất, bản án số 05 ngày 08/4/2003 chưa được xóa án tích; Thứ hai, ngày 12/10/2006, L đã bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn H xử phạt hành chính 1.000.000 đồng về hành vi “Trộm cắp tài sản” và chưa hết thời hạn được coi là “chưa bị xử lý hành chính” thì ngày 30/10/2006, L lại có hành vi trộm cắp tài sản. Như vậy, lần này L bị kết án với tình tiết định tội là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

- Tương tự như vậy, bản án số 34 ngày 30/6/2008 chưa được xóa án tích vì bản án số 05 ngày 22/01/2007 chưa được xóa án tích như đã phân tích. Còn bản án số 29 ngày 25/5/2010 rõ ràng là chưa được xóa án tích theo khẳng định của tác giả bài viết.

* Đối với trường hợp 2:

Nội dung vụ án:Ngày 15/4/2014, Hoàng Đức H, sinh năm 1970 có hành vi trộm cắp xe máy trị giá 20.000.000 đồng. H có các tiền án, tiền sự như sau:

- Bản án số 25/2006/HSST ngày 05/5/2006 xử phạt 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản (trị giá tài sản trộm cắp là 216.000 đồng) thời hạn tù tính từ ngày 20/1/2006, đã chấp hành xong phần án phí.

- Bản án số 02/2008/HSST ngày 21/1/2008 xử phạt 24 tháng về tội trộm cắp tài sản (trị giá tài sản trộm cắp là 324.000 đồng) thời hạn tù tính từ ngày 7/11/2008, đã chấp hành xong phần án phí.

 - Bản án số 33/2010/HSST ngày 08/6/2010 xử phạt 36 tháng tù về tội trộm cắp tài sản (trị giá 4.800.000 đồng), chấp hành xong hình phạt tù ngày 15/02/2013, chưa chấp hành phần án phí.

- Tháng 01/2005, bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã T xử phạt hành chính 200.000 đồng về hành vi trộm cắp tài sản.

- Tháng 6/2005, bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H xử phạt hành chính 200.000 đồng về hành vi trộm cắp tài sản.

Bài viết có hai quan điểm khác nhau về xử lý vụ án:

Quan điểm thứ nhất:  Truy tố H theo Khoản 1 Điều 138. Vì, theo Nghị quyết số 33/2009 của Quốc hội thì xác định 2 bản án số 25/2006, số 02/2008 đều là nhân thân “những trường hợp trộm cắp dưới 2.000.000 đồng kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thì đương nhiên được xóa án tích”. Bản án số 33/2010 là tiền án. Vì vậy, lần phạm tội này của H chỉ là “tái phạm” và áp dụng là tình tiết tăng nặng theo điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự.

Quan điểm thứ 2: Truy tố H theo điểm c khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự với tình tiết định khung “Tái phạm nguy hiểm”. Vì, theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội “trừ khi có yếu tố định tội khác” thì xác định các bản án số 25/2006, số 02/2008 và bản án số 33/2010 đều là tiền án (tức là bản án số 25/2006 và bản án 02/2008 không thuộc trường hợp được xóa án tích theo Nghị quyết số 33 của Quốc hội).

Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai.Hành vi phạm tội ngày 15/4/2014 của H phải bị truy tố theo điểm c Khoản 2 Điều 138 BLHS, bởi lẽ: Theo điểm c.1 khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 33của Quốc hội quy định “Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện một trong các hành vi sau đây, trừ trường hợp có yếu tố định tội khác:

c.1. Hành vi quy định tại khoản 1 các điều 137, 138, 139, 278 và 280 của Bộ luật hình sự mà tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới hai triệu đồng....”.  

Như vậy, bản án số 25/2006/HSST ngày 05/5/2006 chưa được xóa án tích vì căn cứ để kết tội H là “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản”; bản án số 02/2008/HSST ngày 21/01/2008 cũng chưa được xóa án tích vì căn cứ để kết tội đối với H lần này là đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”; bản án số 33/2010/HSST ngày 08/6/2010 đương nhiên là chưa được xóa án tích theo quy định của BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Và trong lần kết án này, H đã bị kết án với tình tiết tăng nặng “tái phạm” quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 48 BLHS. Do đó,  lần phạm tội ngày 15/4/2014 của H thuộc trường hợp “tái phạm nguy hiểm”.

Chúng tôi mong nhận được sự phản hồi, trao đổi của các đồng nghiệp./.

Hà Thị Hiên – VKSND huyện Lạng Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,071,267
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.228.254

    Thư viện ảnh