ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -10:08 AM

Trao đổi bài viết: “Cổ Văn T có phạm tội hay không?”

 | 

Ngày 20/01/2015, Trang thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đăng bài viết “Cổ Văn T có phạm tội hay không?” của tác giả Đặng Thị Hiền -Viện KSND huyện Lục Ngạn. Tác giả đưa ra một vụ án giữ xe mô tô để đòi nợ và từ đó nêu ra 03 quan điểm xử lý khác nhau.

>>>Cổ Văn T có phạm tội hay không?

Qua nghiên cứu nội dung vụ việc và các quan điểm của tác giả nêu ra, chúng tôi có quan điểm xử lý khác với cả 3 quan điểm mà tác giả bài viết đã nêu. Cụ thể như sau:

- Về quan điểm thứ nhất: Cổ Văn T giữ xe của anh Nguyễn Văn N là nhằm mục đích để đòi nợ anh N, do đó chỉ là quan hệ dân sự, không cấu thành tội phạm. Quan điểm của chúng tôi: Việc T cố tình giữ xe của anh N để đòi nợ là đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản là chiếc xe mô tô của anh N, do đó hành vi của T có dấu hiệu phạm tội hình sự. Trên thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp chủ nợ đòi tiền, ép con nợ bằng cách giữ tài sản là ti vi, xe mô tô, xe ô tô…sau đó đã bị xử lý về các tội chiếm đoạt tài sản…

- Về quan điểm thứ hai: Cổ Văn T đã có hành vi dùng vũ lực (xô sát với anh N) nhằm mục đích chiếm giữ chiếc xe mô tô của anh N để buộc trả nợ tức là có ý thức chiếm đoạt chiếc xe. Khi đang giằng co thì Y là anh trai T chạy đến dùng cào gỗ đánh anh N làm anh N bỏ chạy nên T đã lấy được xe. Do đó, Cổ Văn T đã phạm tội cướp tài sản. Quan điểm của chúng tôi: Hành vi dùng vũ lực của T đối với anh N không làm cho anh N lâm vào “tình trạng không thể chống cự được”, việc anh N phải buông tay khỏi chiếc xe mô tô của mình và bỏ chạy là do bị Y đánh, vì không có căn cứ chứng minh Y đồng phạm với T nên hành vi của Cổ Văn T không đảm bảo mặt khách quan của tội cướp tài sản.

- Về quan điểm thứ ba: Cổ Văn T dùng vũ lực nhằm chiếm giữ chiếc xe của anh N tức là có ý thức chiếm đoạt chiếc xe. Do hành vi của Y độc lập với của T nên hành vi của T có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Quan điểm của chúng tôi: Cổ Văn T không có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần làm cho anh N phải giao tài sản, do đó hành vi của Cổ Văn T không đảm bảo đặc trưng cơ bản của mặt khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản.

Từ phân tích, lập luận nêu trên thì quan điểm xử lý Cổ Văn T của chúng tôi như sau: Cổ Văn T có ý định chiếm giữ chiếc xe của anh N để buộc anh N trả nợ, tức là có ý thức chiếm đoạt tài sản. T không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực, không uy hiếp anh N mà đã thông báo với anh N về việc mình sẽ giữ xe để buộc anh N trả nợ, tức là T đã có ý định công nhiên chiếm đoạt tài sản của anh N,  sau khi T dùng tay dắt xe thì anh N dùng tay giữ xe của mình nên hai bên giằng co, xô sát với nhau nhưng không làm cho anh N lâm vào tình trạng không thể chống cự được do đó hành vi của T chưa chuyển hóa thành tội cướp tài sản. Việc T lấy được xe là có yếu tố anh trai T là Cổ Văn Y đánh anh N nên anh N mới phải bỏ chạy, phải buông tay khỏi tài sản của mình, lợi dụng việc anh N không thể làm gì để bảo vệ chiếc xe được nữa nên T đã lấy được xe đem về nhà. Do đó, hành vi của T thỏa mãn mặt khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 137 Bộ luật hình sự.

Vậy xin trao đổi bài viết của tác giả Đặng Thị Hiền, đồng thời mong muốn các độc giả, đồng nghiệp trao đổi thêm.

Đặng Bá Hưng – Viện KSND huyện Sơn Động

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,414,552
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.141.2.191

    Thư viện ảnh