Trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 thì khiếu nại, tố cáo được quy định tại chương XXXV (từ Điều 325- Đến Điều 339). Qua hơn 10 năm thực hiện đã bộc lộ những tồn tại, vướng mắc cần phải được hoàn thiện, sửa đổi bổ sung mới đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Khiếu nại, tố cáo là quyền của công dân được quy định tại Điều 30 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Còn tại Điều 325 BLTTHS qui định: “Người có quyền khiếu nại: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
Quyền của công dân được Hiến pháp 1992, 2013 qui định mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo nhưng quyền này được bó hẹp trong BLTTHS 2003 và qui định chưa cụ thể. Theo tôi thấy cần bổ sung hoàn thiện một số điều luật cụ thể sau đây:
1- Về chủ thể của người khiếu nại:
Theo điểm a, tiểu mục 1.1, mục 1 phần 2 Thông tư liên tịch số 02/TTLT /2005/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTP ngày 10/8/2001 của Viện KSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ tư pháp thì người khiếu nại phải đủ các điều kiện, có quyền, lợi ích chịu tác động trực tiếp bởi quyết định, hành vi tố tụng mà mình khiếu nại.
Nhưng tại Điều 325 BLTTHS 2003 không qui định rõ những chủ thể sau có quyền khiếu nại, ví dụ như: Trường hợp Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bị can, gia lênh tạm giam được Viện kiểm sát phê chuẩn thì những người bị tác động gián tiếp (như cha, mẹ, con, vợ hoặc chồng) tuy không trực tiếp là người bị áp dụng các quyết định tố tụng trên nhưng là người bị tác động đến quyền và lợi ích hợp pháp như danh dự gia đình, hoặc ảnh hưởng vật chất trong trường hợp bị can là người lao động duy nhất trong gia đình. Do vậy theo tôi chủ thể của khiếu nại cần qui định mở rộng hơn ngoài người bị khởi tố, bắt giam nên bổ sung thêm những người chịu tác động gián tiếp (cha, mẹ, con, vợ hoặc chồng).
2- Đối tượng của khiếu nại:
Theo qui định của BLTTHS 2003 thì đối tượng khiếu nại là quyết định, hành vi. Đối với quyết định thì đã rõ còn hành vi trong tố tụng thì rất khó nhận biết. Do vậy theo tôi cần qui định cụ thể hành vi như thế nào là đối tượng của khiếu nại, tố cáo.
3- Về thời hiệu giải quyết:
Cần qui định cụ thể khiếu nại, tố cáo trong các giai đoạn tố tụng “điều tra, truy tố, xét xử”. Trong thực tế hiện nay, việc khiếu nại, tố cáo kéo dài từ khi khởi tố vụ án cho đến khi xét xử song có trường hợp Tòa án xét xử xong nhưng khiếu nại vẫn chưa được giải quyết. Do vậy chỉ cần qui định giải quyết khiếu nại tố cáo trong giai đoạn điều tra, truy tố còn trong giai đoạn xét xử thì được giải quyết tại Tòa án (khi xét xử công khai).
4- Về thời hạn giải quyết:
Trong BLTTHS hiện hành qui định thời gian giải quyết 3 ngày là quá ngắn (Điều 333) vì lẽ: Đối với những vụ án đơn giản rõ ràng thì không gặp khó khăn nhưng đối với những vụ án phức tạp thì mới có khiếu nại tố cáo nhưng qui định chỉ có 3 ngày là không thể thực hiện được. Do vậy cần qui định đến 7 ngày mới phù hợp.
5- Về sử dụng từ ngữ và giải thích từ ngữ:
Trong BLTTHS 2003 dùng từ “Cơ quan, tổ chức, cá nhân" có quyền khiếu nại (Điều 325); Công dân (Điều 334) có quyền tố cáo; trong khi đó Điều 30 Hiến pháp năm 2013 qui định “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo”. Do vậy cần có sự thông nhất trong sử dụng từ ngữ giữa Hiến pháp và BLTTHS.
Về giải thích từ ngữ trong BLTTHS qui định “có căn cứ” thì việc nhận biết có căn cứ hay không đối với người khiếu nại, tố cáo hiện nay thường là do cảm nhận của họ. Do vậy cần giải thích rõ căn cứ như thê nào mới được cho là có căn cứ để Cơ quan tố tụng mới xem xét giải quyết.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo từ việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật trong lĩnh vực này và xác định giải quyết khiếu nại, tố cáo là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Chính vì vậy cấp cơ sở cần hết sức coi trọng và làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi trách nhiệm của mình. Làm tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo một mặt để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, một mặt sẽ góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Trên đây là một số ý kiến về những bất cập trong BLTTHS 2003 qui định về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo để bạn đọc cùng trao đổi./.
Vi Xuân Vượng