ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -18:36 PM

Một số kinh nghiệm trong việc tổ chức phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm

 | 

Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/01/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao về nội dung tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Kiểm sát viên tại các phiên tòa dân sự, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng văn bản hướng dẫn các đơn vị  phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức các phiên tòa xét xử vụ án dân sự rút kinh nghiệm, trong đó đưa ra các hình thức tổ chức, phương pháp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đạt hiệu quả, chất lượng cao; đồng thời đặt ra chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị.

Trong hơn một năm qua (từ ngày 01/12/2012 đến ngày 31/5/2014), Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Giang (cấp tỉnh và cấp huyện) đã phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức được 39 phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm theo nhiều hình thức tổ chức khác nhau như: Viện kiểm sát và Tòa án cùng tiến hành rút kinh nghiệm cho Thẩm phán, Thư ký và Hội thẩm nhân dân về kỹ năng xét xử; cho Kiểm sát viên về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự; mời Lãnh đạo Viện tỉnh và Phòng nghiệp vụ tham dự để rút kinh nghiệm, tự rút kinh nghiệm trong Lãnh đạo, Kiểm sát viên và cán bộ trong toàn đơn vị... nhằm học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, của những người tham gia tố tụng khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Nhìn chung, Kiểm sát viên tham gia kiểm sát việc tuân theo pháp luật và kiểm sát xét xử tại phiên tòa dân sự thể hiện được tư thế, tác phong của người cán bộ kiểm sát, thể hiện tốt vai trò của Viện kiểm sát trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhất là trong kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác trong suốt quá trình giải quyết vụ án, từ khi thụ lý đến trước thời điểm nghị án; đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Thông qua quá trình kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự tại các phiên tòa dân sự, Kiểm sát viên đã phát hiện được 1 số vi phạm của Tòa án như: Vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử; trình tự xét hỏi chưa đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự; Chủ tọa phiên tòa không yêu cầu thư ký phiên tòa thông báo những người có mặt theo giấy triệu tập; Khi đương sự có yêu cầu hoãn phiên tòa, HĐXX vào nghị án và quyết định hoãn phiên tòa nhưng không hỏi ý kiến của Viện kiểm sát; không đề nghị Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát tại phiên tòa...

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức các phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm ở các đơn vị vẫn còn một số hạn chế như: nhiều đơn vị chưa chủ động, mạnh dạn phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp lựa chọn những vụ án có quan hệ tranh chấp mang tính chất phức tạp, có nội dung phong phú, có Luật sư tham gia bào chữa...; Kiểm sát viên làm công tác này đều trẻ, chưa có kinh nghiệm; khi thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng tại phiên tòa còn chưa chú ý đến phần thủ tục bắt đầu phiên tòa (Thư ký có đọc nội quy phiên tòa không? Hội đồng xét xử có giải thích cách xưng hô tại phiên tòa cho đương sự không? ...); một số ít Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa còn lúng túng, việc hỏi và phát biểu ý kiến đôi lúc chưa mang tính thuyết phục cao; Nhiều vụ án, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát hiện được 1 số vi phạm của HĐXX nhưng khi Kiểm sát viên trình bày Bản phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát không cập nhật, bổ sung vào phần kiến nghị những vi phạm của Tòa án đã phát hiện được tại phiên tòa và yêu cầu sửa chữa, khắc phục; Bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa chưa cụ thể, sáng tạo cho phù hợp với từng vụ án cụ thể...

Một phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án dân sự

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm, theo tôi khi tổ chức cần lưu ý một số điểm sau:

Thứ nhất: Về hình thức tổ chức: Cần đưa ra nhiều hình thức tổ chức rút kinh nghiệm để lựa chọn như: Tổ chức theo hình thức mời Lãnh đạo Viện tỉnh, Lãnh đạo, Kiểm sát viên Phòng nghiệp vụ; mời Lãnh đạo Viện tỉnh, Lãnh đạo, Kiểm sát viên Phòng nghiệp vụ và một số Viện kiểm sát cấp huyện dự; có thể mở theo hình thức mời Lãnh đạo Viện tỉnh và đại diện Phòng nghiệp vụ; mở theo hình thức tự rút kinh nghiệm trong nội bộ cơ quan...

Thứ hai: Về việc lựa chọn phiên tòa để rút kinh nghiệm: Việc lựa chọn phiên tòa cũng phải được chú trọng, phải chọn vụ án mà quan hệ pháp luật tranh chấp mang tính chất phổ biến, có nhiều người tham gia tố tụng, có nhiều quan hệ pháp luật cần giải quyết (như vụ án "Tranh chấp hôn nhân và gia đình có giải quyết về quan hệ hôn nhân, giải quyết vấn đề con chung, chia tài sản chung, nợ chung, có người có quyền lợi nghĩa vụ có yêu cầu độc lập...), chú ý đến các vụ án đương sự có mời Luật sư bảo vệ; Vụ án phải xét xử được (thường là những vụ án mà các đương sự đều có yêu cầu giải quyết; hoặc vụ án đã hoãn nhiều lần...), có thể dự kiến nhiều vụ án cùng xét xử trong một ngày để hoãn phiên tòa này thì vẫn xét xử được vụ án khác (tránh việc mời Lãnh đạo, Kiểm sát viên đến dự lại phải hoãn phiên tòa do vắng mặt đương sự). Có thể phối hợp với Tòa án để tranh thủ những phiên tòa mà Tòa án rút kinh nghiệm về kỹ năng xét xử cho Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký...

Thứ ba: Đối với chuẩn bị của Kiểm sát viên:Kiểm sát viên được phân công nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị đề cương hỏi và dự kiến những tình huống phát sinh tại phiên tòa. Báo cáo Lãnh đạo Viện về nội dung vụ án, những vi phạm (nếu có) trong quá trình giải quyết vụ án, báo cáo nhận định về hướng giải quyết vụ án của Tòa án và nêu quan điểm của mình về hướng giải quyết vụ án... Lãnh đạo đơn vị cho ý kiến chỉ đạo để Kiểm sát viên bổ sung, hoàn thiện những tài liệu, văn bản cần thiết để chuẩn bị tham gia phiên tòa. Sau khi xét xử nếu Tòa án có quan điểm trái với quan điểm Lãnh đạo Viện đã duyệt thì phải xem xét kiến nghị, kháng nghị theo thẩm quyền.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải chú ý đến mọi hoạt động tố tụng của HĐXX và của những người tham gia tố tụng khác, nếu phát hiện có gì thay đổi cần kiểm tra lại và đưa ra hướng giải quyết ngay sau khi kết thúc phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, tránh trường hợp kết thúc phần tranh luận Kiểm sát viên mới có kiến nghị hoãn phiên tòa do vi phạm...

Phải theo dõi chặt chẽ việc hỏi và tranh luận tại phiên tòa, cập nhật và phân tích thông tin để xem những vấn đề còn chưa được làm rõ khi nghiên cứu hồ sơ, những vấn đề mới phát sinh... để làm cơ sở vững chắc cho các hoạt động tiếp theo thuộc chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát.

Chú ý chỉ hỏi đương sự những vấn đề còn chưa rõ, không hỏi lại câu hỏi của HĐXX đã hỏi và tập trung hỏi những vấn đề làm rõ chứng cứ còn có mâu thuẫn, những vấn đề mới phát sinh tại phiên tòa...

Riêng đối với phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên cần tập trung hỏi sâu về nội dung vụ án, các chứng cứ cần thiết để làm sáng tỏ những vấn đề đương sự kháng cáo, những vấn đề Viện kiểm sát kháng nghị và những vi phạm thiếu sót khác của Tòa án làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự.

Thứ tư: Đối với việc tổ chức họp rút kinh nghiệm sau khi kết thúc phiên tòa:Sau khi kết thúc phiên tòa, đơn vị cần tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, cán bộ, Kiểm sát viên tham dự phiên tòa dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện; Kiểm sát viên tham gia phiên tòa tự nhận xét về quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và rút kinh nghiệm cho bản thân; những người tham dự phiên tòa đều phải có ý kiến nhận xét, đóng góp. Đồng thời có thể nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự để Lãnh đạo Viện kịp thời giải đáp. Trong trường hợp có thể, mời cả Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân tiến hành xét xử vụ án đó tham dự họp rút kinh nghiệm.

Trên đây là một số kinh nghiệm trong việc tổ chức các phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm xin được trao đổi cùng đồng nghiệp, rất mong các đồng nghiệp cùng chia sẻ kinh nghiệm để việc tổ chức các phiên tòa dân sự rút kinh nghiệm ngày càng đạt hiệu quả cao./.

Nguyễn Thị Huệ Anh

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,799,614
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.188.218.219

    Thư viện ảnh