.

Thứ sáu, 17/05/2024 -18:32 PM

Một số biện pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng công tác kháng nghị dân sự phúc thẩm của Viện kiểm sát

 | 

Trong những năm qua, công tác kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định dân sự của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang đã có những hiệu quả nhất định. Viện kiểm sát các cấp đã chú trọng nghiên cứu, kiểm sát các bản án, quyết định sơ thẩm và đã kịp thời phát hiện vi phạm để kháng nghị phúc thẩm. Chất lượng kháng nghị đã từng bước được nâng lên, số lượng kháng nghị cũng tăng một cách đáng kể, nhiều kháng nghị phúc thẩm được Viện kiểm sát cấp phúc thẩm bảo vệ, tỷ lệ kháng nghị được Toà án chấp nhận nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, số lượng kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát đối với các bản án, quyết định còn ít, chất lượng kháng nghị chưa cao, trong khi số án sơ thẩm phải sửa, huỷ án thông qua kháng cáo chiếm tỷ lệ còn cao. Nhiều kháng nghị chưa thực sự trở thành khuôn mẫu cho hoạt động giải quyết án dân sự cũng như việc xác định vi phạm trong việc áp dụng pháp luật của Toà án. Nguyên nhân một phần do các quy định của pháp luật còn bất cập. Song, chủ yếu do tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực pháp luật và phát hiện vi phạm của cán bộ, Kiểm sát viên còn chưa cao; sự phối kết hợp giữa Viện kiểm sát các cấp trong công tác kháng nghị phúc thẩm chưa chặt chẽ; số bản án, quyết định sơ thẩm gửi cho cấp phúc thẩm chưa đầy đủ, kịp thời. Khi phát hiện vi phạm việc đề xuất kháng nghị xử lý các vi phạm ở một số đơn vị cấp huyện còn  ngại va chạm giữa Viện kiểm sát đối với ngành Toà án. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự cần phải thực hiện tốt những biện pháp sau:

Cần phải nhận thức đúng và đầy đủ vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác kháng nghị phúc thẩm là nhằm khắc phục những vi phạm của bản án, quyết định sơ thẩm để bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất. Mặt khác, cần phải nắm vững thẩm quyền của Viện kiểm sát về hoạt động kháng nghị. Cần phải hiểu tính độc lập về quyền kháng nghị của Viện kiểm sát và quyền kháng cáo của đương sự trong Bộ luật tố tụng dân sự. Mặc dù kháng cáo, kháng nghị đều làm phát sinh thủ tục xét xử phúc thẩm nhưng không lệ thuộc vào nhau. Viện kiểm sát kháng nghị nhằm bảo vệ tính đúng đắn của pháp luật, quyền và lợi ích chính đáng của đương sự, mang tính khách quan của cơ quan bảo vệ pháp luật, còn quyền kháng cáo của đương sự là vì lợi ích của người kháng cáo.

 Phải thực hiện tốt công tác kiểm sát bản án, quyết định của Toà án trên cơ sở nắm chắc pháp luật về tố tụng và nội dung cũng như các dạng vi phạm làm căn cứ kháng nghị theo thẩm quyền. Việc phát hiện các vi phạm của bản án, quyết định sơ thẩm phải chính xác, kịp thời. Do vậy, Viện kiểm sát 2 cấp tỉnh và huyện cần phải coi công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự là tiêu chí hàng đầu để đánh giá kết quả hoạt động của công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự của Toà án.

 Phải đảm bảo tính bí mật trong nghiệp vụ trước khi thực hiện việc kháng nghị, tránh tình trạng Thẩm phán khi thấy Viện kiểm sát rút hồ sơ nghiên cứu thường kéo dài thời gian mục đích để bổ sung, chỉnh sửa nội dung hồ sơ nhằm vô hiệu hoá kháng nghị của Viện kiểm sát. Để thực hiện được yêu cầu này, Viện kiểm sát cần phải xây dựng được mối quan hệ phối hợp với Toà án để thực hiện tốt việc chuyển bản án, quyết định, hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đúng thời hạn theo quy định, bảo đảm cho mọi vi phạm đều được phát hiện và xử lý kịp thời. Ngoài ra, qua công tác kiểm sát phát hiện bản án, quyết định có vi phạm cần đóng dấu công văn đến và lưu giữ bản án, quyết định của Toà án gửi làm căn cứ kháng nghị, tránh tình trạng Toà án lạm dụng Điều 240 Bộ luật tố tụng dân sự để đính chính, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định.

Ngoài việc kiểm sát các bản án, quyết định cần phải thông qua nhiều nguồn thông tin khác nhau để phát hiện vi phạm của bản án, quyết định như: Kiểm sát viên tham gia phiên toà, qua đơn khiếu nại của đương sự; đơn kiến nghị của cơ quan, tổ chức khác; qua các phương tiện thông tin đại chúng. Khi nhận được thông tin về những vi phạm của bản án, quyết định qua các nguồn trên, Viện kiểm sát phải thực hiện thẩm quyền được quy định tại khoản 4, Điều 85, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi để yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng đảm bảo cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm.

 Khi xây dựng quyết định kháng nghị, cần phải cô đọng, đầy đủ, xúc tích. Lập luận phải vững chắc và việc viện dẫn căn cứ pháp luật phải chính xác, tránh tình trạng viện dẫn các căn cứ pháp luật không chính xác hoặc đã hết hiệu lực pháp luật. Kháng nghị phải đảm bảo tính có căn cứ và hợp pháp. Nêu được những vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật tố tụng hoặc có sai lầm nghiêm trọng của Toà án trong việc áp dụng pháp luật nội dung. Kháng nghị phải thực hiện theo đúng mẫu quy định. Nội dung kháng nghị phải phản ánh được nội dung vụ án, phân tích, làm rõ căn cứ kháng nghị đối với các bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; quyết định của bản án hoặc quyết định sơ thẩm không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án hoặc có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Mặt khác, phải phân tích làm rõ vi phạm của bản án, quyết định sơ thẩm, đối chiếu với các quy định cụ thể của điều luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Ngoài ra, phải nêu rõ vi phạm và nội dung kháng nghị. Đối với vi phạm cụ thể, rõ ràng, nghiêm trọng thì phải kiên quyết kháng nghị và đảm bảo việc kháng nghị kịp thời, tránh tình trạng hết thời hạn kháng nghị mà vi phạm không được xử lý. Phải khắc phục triệt để tâm lý nể nang, do dự, sợ ảnh hưởng đến mối quan hệ với Toà án dẫn đến không thực hiện được thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm, để các vi phạm tương tự của Toà án tiếp tục xảy ra.

Viện kiểm sát cấp sơ thẩm phải mở sổ theo dõi phát hiện vi phạm và lập phiếu kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm. Phiếu kiểm sát do Kiểm sát viên tham gia xét xử sơ thẩm hoặc do lãnh đạo phân công lập, trong đó nêu rõ ý kiến đề xuất của Kiểm sát viên; ý kiến của lãnh đạo đơn vị. Trong hời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày nhận được bản án trong trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên toà.

Đối với phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát tỉnh, thường xuyên tổng hợp, ra thông báo rút kinh nghiệm về những thiếu sót hạn chế của từng kháng nghị, kể cả những kháng nghị có chất lượng tốt; thực hiện công tác biên soạn kháng nghị, tổng hợp, tích luỹ các dạng vi phạm để Viện kiểm sát 2 cấp cùng tham khảo, học tập, rút kinh nghiệm chung trong công tác phát hiện và xử lý các vi phạm.

Trên đây là một số biện pháp cơ bản để nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm dân sự  của Viện kiểm sát, nhằm đảm bảo cho việc ra các bản án, quyết định của Tòa án có căn cứ và đúng pháp luật.

Nguyễn Đức Sơn

                             

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,922,031
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.142.53.216

    Thư viện ảnh