Trong những năm qua các tranh chấp về hợp đồng vay tài sản tăng nhanh về số lượng với tính chất phức tạp, nhiều vụ vay nợ có số lượng tiền lớn. Do tính chất phức tạp của loại kiện này nên các tranh chấp phát sinh cũng rất đa dạng về chủng loại, phong phú về hình thức. Có vụ án tranh chấp phần nợ gốc và lãi, có vụ chỉ tranh chấp số tiền gốc hoặc chỉ về tính lãi; có trường hợp không tranh chấp về tài sản cho vay, lãi, mà chỉ tranh chấp về phương thức thanh toán nợ. Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do chủ thể cho vay thường lợi dụng sự kém hiểu biết về pháp luật của người vay hoặc lợi dụng những khó khăn về đời sống, sơ hở trong khi lập văn bản chứng từ; lợi dụng sự trượt giá của đồng tiền hay tài sản vay nợ, hoặc lợi dụng nhu cầu khó khăn về vốn trong sản xuất kinh doanh của người vay để ép họ phải chịu mức lãi suất cao hay những điều kiện thanh toán bất lợi cho họ. Do đó phát sinh mâu thuẫn về phương thức thanh toán, thời hạn thanh toán, lãi suất phải trả.
Trong thời gian qua, việc giải quyết các vụ kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản của Tòa án 2 cấp (tỉnh và huyện) còn nhiều vi phạm, đặc biệt là giải quyết sai về lãi suất làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, nhất là đối với những hợp đồng vay tài sản có giá trị lớn, nhưng công tác phát hiện vi phạm để kháng nghị của Viện kiểm sát còn hạn chế. Trước thực trạng nêu trên, cần phải hiểu và áp dụng đúng các quy định của pháp luật về hợp đồng vay tài sản để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm sát đối với loại việc này, đảm bảo việc ra các bản án, quyết định của Toà án có căn cứ và đúng pháp luật.
Về phương pháp chung: Đối với loại việc này khi nghiên cứu hồ sơ cần lưu ý trong mọi trường hợp các giấy tờ, biên nhận nợ đều phải là giấy tờ gốc, tránh trường hợp người vay hoặc người cho vay viết thêm, phô tô lại bỏ bớt các nội dung vay nợ về số nợ gốc, lãi, mức lãi, việc thanh toán nợ…nhằm mục đích có lợi cho mình. Đối với các hợp đồng vay nợ tuy có giấy tờ vay nợ nhưng bên vay chối nợ, cần thận trọng xác minh, đối chiếu với các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ kiện để xác định tính xác thực của các giấy tờ vay nợ đó làm căn cứ giải quyết vụ án.
Về giải quyết lãi suất: Về nguyên tắc, tiền lãi chỉ được tính trên số nợ gốc. Song, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01 TANDTC- VKSNDTC- BTP- BTC/TTLT ngày 19/6/1997 của Toà án nhân dân tối cao- Viện kiểm sát nhân dân tối cao- Bộ tư pháp- Bộ tài chính hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản, các bên có thể thoả thuận về việc nhập lãi vào nợ gốc để tính lãi của thời hạn vay tiếp theo. Tuy nhiên, để tránh tình trạng bên cho vay có thể lợi dụng sự thoả thuận này để thu lợi trái pháp luật, thì Toà án chỉ chấp nhận việc nhập lãi vào gốc một lần đối với loại vay có kỳ hạn giữa các bên ở ngoài tổ chức ngân hàng, tín dụng tại thời điểm đến hạn trả nợ mà người vay không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình.
Về mức lãi suất: Theo quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật dân sự quy định thì mức lãi suất do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bảndo Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Mức lãi suất cơ bản hiện nay theo Quyết định số 2868/QĐ- NHNH ngày 29/11/2010 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, quy định về mức lãi cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm, tức 0,75%/ tháng. Trường hợp không xác định rõlãi suất hoặc cótranh chấp về lãi suất:Nếu các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ theo quy định tại khoản 2, Điều 476, Bộ luật dân sự. Thời điểm trả nợ là thời điểm Tòa án sơ thẩm xét xử tuyên buộc người vay phải có nghĩa vụ trả nợ.
Đối với hợp đồng vay tài sản không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thỏa thuận theo quy định tại khoản 4, Điều 474, Bộ luật dân sự. Trường hợp các bên không thỏa thuận về việc trả lãi khi quá hạn thì theo quy định tại khoản 2, Điều 305, Bộ luật dân sự thì bên vay vẫn phải trả lãi quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm trả nợ.
Đối với hợp đồng vay tài sản có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ theo quy địnhu tại khoản 5, Điều 474, Bộ luật dân sự. Lưu ý, hiện nay khi giải quyết lãi suất quá hạn nhiều trường hợp Tòa án vẫn buộc bên vay phải trả theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm xét xử x 150% là không đúng với tinh thần và nội dung của điều luật quy định.
Đối với hợp đồng vay tài sản mà đối tượng vay nợ là ngoại tệ: Theo Điều 22 Pháp lệnh ngoại hối số 28//2005/PLUBTVQH 11 ngày 13/12/2005 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội và Điều 29 Nghị Định số 160/2006/NĐ- CP ngày 28/12/2006 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh ngoại hối quy định: "Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối". Do vậy, khi kiểm sát giải quyết các vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản có đối tượng là ngoại tệ, cần lưu ý cần phải xác định quan hệ vay nợ của các bên đương sự là giao dịch trái pháp luật. Tòa án phải xử hợp đồng vay tài sản vô hiệu và áp dụng quy định tại Điều 137 Bộ luật dân sự để giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu. Nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng mà các bên đã trả tiền lãi cho nhau thì cần phải xác định đó là số tiền thu lợi bất chính từ giao dịch trái pháp luật và vận dụng hướng dẫn tại Công văn số 81/2012/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân tối cao về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ để tịch thu số tiền lãi sung công quỹ Nhà nước.
Trên đây là một số phương pháp, kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết các vụ án về tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Tác giả chia sẻ cùng với đồng nghiệp để chất lượng công tác kiểm sát đối với loại án này được nâng cao trong thời gian tới.
Nguyễn Đức Sơn