ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 23/01/2025 -09:26 AM

Một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về thi hành hình sự

 | 

Thông qua thực tiễn công tác kiểm sát thi hành án hình sự, Viện KSND tỉnh Bắc Giang thấy có một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định của pháp luật về thi hành án hình sự, cụ thể như sau:

1. Người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn:

Tại khoản 4 Điều 23 Luật Thi hành án hình sự quy định:“4... Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định truy nã…”.

Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao (Thông tư liên tịch số 13) quy định: 1. Việc truy nã phải nhanh chóng, kịp thời…”.

Tại khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 13 quy định: 1. Cơ quan có thẩm quyền chỉ được ra quyết định truy nã khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Có đủ căn cứ xác định đối tượng quy định tại Điều 2 của Thông tư này đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả; b) Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn”.

Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 39/2021/TT-BCA ngày 12/4/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định: “1. Việc ra quyết định truy nã, quyết định đình nã phải kịp thời...”.

Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể nào về thời gian yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự (THAHS) Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã và thời hạn Cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh phải ra quyết định truy nã. Do đó, có trường hợp 04 đến 05 tháng sau khi tiến hành xác minh, không biết người chấp hành án ở đâu, Cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh mới ra quyết định truy nã, nhưng Viện kiểm sát không có cơ sở để ban hành kiến nghị vì Cơ quan THAHS cho rằng phải có thời gian tiến hành các biện pháp xác minh; nếu việc truy bắt không có kết quả thì mới ra quyết định truy nã.

2. Thời gian bắt buộc chữa bệnh

Tại khoản 3 Điều 49 Bộ luật Hình sự quy định:“Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù” chỉ quy định đối với người đang chấp hành hình phạt tù.

Tuy nhiên, tại điểm a mục 6 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn Điều 66 và Điều 106 Bộ luật Hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định“Thời gian đã chấp hành án phạt tù là thời gian người đó bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù trong cơ sở giam giữ hoặc thời gian người đó bị bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” và tại mục 3 Phần I Hướng dẫn số 88/HD-HĐTVĐX ngày 02/8/2024 của Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2024 quy định “Thời gian bị áp dụng bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử cũng được tính vào thời gian đã chấp hành án”.

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, đề nghị Liên ngành tư pháp Trung ương cần sớm nghiên cứu, ban hành văn bản hướng dẫn nhằm thống nhất thực hiện trong thực tiễn./.

Chu Ngọc Linh- VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,256,378
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.116.87.144

    Thư viện ảnh