ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ năm, 21/11/2024 -19:22 PM

Một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác thi hành án dân sự

 | 

Kiểm sát thi hành án dân sự là một trong các khâu công tác kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND), nhằm bảo đảm cho các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật được thi hành đúng pháp luật; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị xã hội ở địa phương.

Thông qua công tác kiểm sát thi hành án dân sự, nhận thấy trong quá trình áp dụng các quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn có  liên quan đến việc thi hành án dân sự còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:

1. Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm

Tại Điều 12 Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết số 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng quy định: “Số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm...”.

Trên thực tế hiện nay có một số vụ án quá trình điều tra Cơ quan điều tra thu giữ xe ô tô là phương tiện bị cáo sử dụng thực hiện hành vi phạm tội nhưng đang được thế chấp vay tiền tại ngân hàng. Do đó, bản án của Tòa án quyết định giao cho chiếc xe ô tô đó cho Cơ quan thi hành án dân sự để xử lý, bán đấu giá tài sản để đảm bảo việc thu hồi khoản nợ cho ngân hàng theo hợp đồng đã ký kết; nếu sau khi xử lý thu hồi nợ còn dư thì số tiền còn dư đó bị tịch thu sung quỹ nhà nước. Tuy nhiên, quá trình xử lý tài sản gặp nhiều khó khăn như: Khi thế chấp xe ô tô để vay tiền là xe mới, có giá trị cao nhưng qua thời gian sử dụng thì giá trị tài sản đã bị giảm đi đáng kể (do khấu hao tài sản, hao mòn tự nhiên, lỗi thời...) Khi tổ chức bán đấu giá, hoặc không có người mua hoặc sau nhiều lần giảm giá mới bán được, nên số tiền thu được không đáng kể hoặc chỉ đủ cho chi phí xử lý tài sản.

2. Giao dịch tài sản trước khi bản án có hiệu lực pháp luật

Tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ quy định giao dịch về tài sản kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mới xác định là tẩu tán tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự.

Quá trình tổ chức thi hành án thấy có một số trường hợp đương sự lợi dụng kẽ hở của pháp luật nêu trên để tẩu tán tài sản. Ví dụ: Bản án dân sự sơ thẩm số 11/2023/DS-ST ngày 30/3/2023 do TAND huyện X xét xử, quyết định: Chấp nhận khởi kiện của chị Ngô Thị L; buộc vợ chồng anh Nguyễn Văn A và chị Trần Thị B phải thanh toán trả nợ cho chị Ngô Thị L số tiền 300.000.000 đồng và lãi suất chậm thi hành án. Sau khi xét xử sơ thẩm, anh Nguyễn Văn A và chị Trần Thị B có đơn kháng cáo theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị Ngô Thị L. Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 08/8/2023, anh Nguyễn Văn A và chị Trần Thị B đã rút toàn bộ đơn kháng cáo.

Quá trình xác minh điều kiện thi hành án xác định anh Nguyễn Văn A và chị Trần Thị B có tài sản duy nhất là 01 mảnh đất diện tích 342m2 tại xã Y, huyện X, nhưng ngày 20/7/2023 anh Nguyễn Văn A và chị Trần Thị B đã  lập hợp đồng công chứng tặng cho con trai là Nguyễn Văn D, đến ngày 04/8/2023 mảnh đất trên hoàn tất việc sang tên tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, trước thời điểm bản án có hiệu lực 4 ngày.

Như vậy, có thể thấy việc ông A, bà B kháng cáo bản án sơ thẩm là có dấu hiệu lợi dụng việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án nhằm có điều kiện chuyển giao quyền về tài sản cho con trai, né tránh việc thi hành án, nhưng Cơ quan thi hành án dân sự không có căn cứ xử lý vì việc chuyển quyền về tài sản đã hoàn thành trước thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật.

Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn công tác thi hành án dân sự tại địa phương./.

Vũ Văn Thành- Phòng 8, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,407,349
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.129.247.250

    Thư viện ảnh