ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 10/09/2024 -18:54 PM

Bàn về kiểm sát biên bản khám nghiệm hiện trường, xác định hiện trường và kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc trong tố tụng hình sự

 | 

Hiện nay áp dụng Thông tư số 119/2021/TT-BCA ngày 08/12/2021 của Bộ Công an quy định về biểu mẫu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự (Thông tư số 119/2021), lực lượng Công an đang sử dụng 03 biểu mẫu là: Biên bản khám nghiệm hiện trường (M163); Biên bản xác định hiện trường (M161); Biên bản kiểm tra xác định nơi xảy ra vụ việc (M162) để lần lượt ghi nhận 03 hoạt động đó là khám nghiệm hiện trường, xác định hiện trường và kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc. Biên bản khám nghiệm hiện trường, xác định hiện trường và kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc có căn cứ pháp lý và giá trị chứng minh khác nhau, đòi hỏi Kiểm sát viên phải đặt ra những yêu cầu cụ thể để phòng ngừa vi phạm, bảo vệ được giá trị chứng minh của mỗi loại biên bản, đảm bảo hoạt động điều tra được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

1. Về căn cứ pháp lý của hoạt động khám nghiệm hiện trường, xác định hiện trường và kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc:

Hoạt động khám nghiệm hiện trường là hoạt động điều tra quy định tại Điều 201 Bộ luật TTHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS), theo đó quy định Điều tra viên chủ trì tiến hành khám nghiệm nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm; Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường; khi khám nghiệm hiện trường phải có người chứng kiến; khi khám nghiệm hiện trường phải tiến hành chụp ảnh, vẽ sơ đồ, mô tả hiện trường, đo đạc, dựng mô hình; xem xét tại chỗ và thu lượm dấu vết của tội phạm, tài liệu, đồ vật có liên quan đến vụ án; ghi rõ kết quả khám nghiệm vào biên bản; biên bản khám nghiệm hiện trường được lập theo quy định tại Điều 178 BLTTHS. Hiện nay lực lượng Công an sử dụng mẫu Biên bản khám nghiệm hiện trường (M163) theo Thông tư số 119/2021 cơ bản đảm bảo quy định tại Điều 178 BLTTHS, tuy nhiên mẫu biên bản này không có phần ghi thành phần “người tham gia” khám nghiệm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 201 BLTTHS thì bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể được tham gia hoạt động khám nghiệm; người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm. Hoạt động khám nghiệm hiện trường thường được áp dụng với các vụ việc có người bị giết, nghi bị giết, chết dưới nước, chết do treo cổ, chết do độc tố, do hơi độc, do điện giật, chết do tai nạn giao thông, chết do tai nạn lao động và các trường hợp chết khác chưa xác định được nguyên nhân, các vụ gây thương tích, các vụ có dấu hiệu xâm hại tình dục…Đối với các vụ tai nạn giao thông mà có các dấu hiệu về hậu quả gồm: có người chết tại hiện trường, chết trên đường đi cấp cứu, đang cấp cứu mà chết; có người bị thương dập, nát, đứt, rời tay, chân, bị mù hai mắt; vỡ nền sọ; có từ 03 người trở lên bị thương gãy tay, chân trở lên hoặc có căn cứ thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì lực lượng Công an sử dụng mẫu M163 nêu trên. Ngược lại, nếu không có dấu hiệu về hậu quả trên, lực lượng công an sử dụng mẫu M05 ban hành kèm theo Thông tư số 63/2020/TT- BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng cảnh sát giao thông để ghi nhận hoạt động khám nghiệm hiện trường.

Hoạt động xác định hiện trường không được quy định trong BLTTHS, các văn bản hướng dẫn luật và quy chế phối hợp liên ngành. Căn cứ mẫu Biên bản xác định hiện trường (M161) theo Thông tư số 119/2021 thì hoạt động xác định hiện trường không quy định người “chủ trì” như khám nghiệm hiện trường; biên bản xác định hiện trường có thành phần Kiểm sát viên, người chứng kiến, người tham dự; có phần mô tả hiện trường, mô tả dấu vết, tài liệu và mẫu vật thu thập được tương tự như mẫu Biên bản khám nghiệm hiện trường (M163). Thực tiễn hoạt động xác định hiện trường do Cơ quan điều tra tiến hành, chiếm đa số không có Kiểm sát viên tham gia, thường được sử dụng đối với vụ việc truy xét, vụ việc xảy ra đã lâu mà các dấu vết của vụ việc đã không còn tại hiện trường, vụ việc do Đội CSGT tiến hành khám nghiệm hiện trường, do Công an cấp xã kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc trước khi chuyển đến Cơ quan điều tra hoặc đối với các vụ việc mà xác định hiện trường phụ thuộc vào lời khai, dữ liệu điện tử và tài liệu chứng cứ khác.

Hoạt động kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc không được quy định trong BLTTHS nhưng được quy định tại điểm b khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của liên ngành trung ương quy định phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 của liên ngành trung ương (Thông tư liên tịch số 01/2017), cụ thể Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường. Căn cứ mẫu Biên bản kiểm tra xác định nơi xảy ra vụ việc (M162) theo Thông tư số 119/2021 thì thành phần tham gia không xác định người chủ trì, không có thành phần Kiểm sát viên; biên bản xác định hiện trường có người chứng kiến, người tham dự; có phần mô tả nơi xảy ra sự việc, mô tả tài liệu, đồ vật thu được như Biên bản khám nghiệm hiện trường (M163). Theo quy định trên thì hoạt động kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc do Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an tiến hành xác minh sơ bộ ban đầu đối với những tố giác, tin báo không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017 là: “tố giác, tin báo về hành vi phạm tội quả tang; tố giác, tin báo về hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm; tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc rõ người bị tố giác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, có căn cứ và cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn”.

Qua các phân tích trên, hoạt động khám nghiệm hiện trường được quy định chặt chẽ tại BLTTHS và các văn bản hướng dẫn liên quan trong khi không có quy định về hoạt động xác định hiện trường. Hoạt động kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc được quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2017 nhưng không quy định cụ thể người chủ trì, trình tự, thủ tục tiến hành.

2. Về giá trị chứng cứ của các biên bản khám nghiệm hiện trường, xác định hiện trường và kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc:

Do căn cứ pháp lý của các hoạt động trên khác nhau mà quan điểm về giá trị chứng cứ của các biên bản ghi nhận các hoạt động này cũng khác nhau. Đối với biên bản khám nghiệm hiện trường được lập đúng quy định tại các Điều 178, 201 BLTTHS cần xác định là nguồn chứng cứ trong TTHS. Đối với biên bản xác định hiện trường, biên bản kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, có quan điểm cho rằng các biên bản này không được thu thập theo trình tự, thủ tục BLTTHS quy định. Khoản 2 Điều 87 BLTTHS về nguồn chứng cứ quy định: “Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”; khoản 1 Điều 88 BLTTHS về thu thập chứng cứ quy định “Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật này”, vì vậy các biên bản này không phải là nguồn chứng cứ. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, căn cứ Điều 102 BLTTHS quy định: “Những tình tiết được ghi trong biên bản về hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử được lập theo quy định của Bộ luật này có thể được coi là chứng cứ” thì các biên bản trên nếu được lập đảm bảo quy định tại các Điều 133, 178 BLTTHS về biên bản, biên bản điều tra có giá trị chứng minh và là nguồn chứng cứ. Tuy nhiên, qua thực tiễn kiểm sát nhận thấy căn cứ đặt ra yêu cầu xác định lại hiện trường chưa được xác định cụ thể; việc xác định người chủ trì, việc có mặt của Kiểm sát viên, sự tham gia của người chứng kiến, người bị buộc tội, người bị hại, người liên quan, nhà chuyên môn khi xác định hiện trường, kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc và trách nhiệm của mỗi thành phần khi tham gia không được quy định dẫn đến việc xác định giá trị chứng cứ của biên bản ghi nhận các hoạt động này gặp khó khăn.

3. Về trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với hoạt động khám nghiệm hiện trường, xác định hiện trường và kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc:

Việc xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện kiểm sát đối với từng hoạt động nêu trên có ý nghĩa quan trọng. Đối với hoạt động khám nghiệm hiện trường, trách nhiệm của Viện kiểm sát được quy định rõ: theo Điều 201 BLTTHS, Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cụ thể của Kiểm sát viên được quy định cụ thể tại các Điều từ 26 đến 31 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành kèm Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao) và Điều 9 Quy chế phối hợp liên ngành số 02/QCPH-CA-VKS-TA ngày 29/3/2024 của liên ngành tư pháp tỉnh Bắc Giang.

Đối với hoạt động xác định hiện trường, kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc không có quy định Kiểm sát viên trực tiếp có mặt khi tiến hành các hoạt động này, tuy nhiên với nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, tác giả cho rằng Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát đối với hoạt động này thông qua kiểm sát, đánh giá chứng cứ đối với các biên bản. Trường hợp có căn cứ xác định nội dung trong biên bản có giá trị chứng minh thì sử dụng để làm rõ sự thật khách quan, trường hợp xác định có vi phạm, thiếu sót thì yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh, hoạt động điều tra theo quy định để làm căn cứ giải quyết vụ việc, vụ án đúng pháp luật.

Ví dụ 1: Vụ án Đ.L.Q và N.D.T sử dụng xe mô tô áp sát cướp giật điện thoại của người bị hại đang đi xe mô tô cùng chiều rồi nhanh chóng tẩu thoát, xe mô tô của bị hại không bị đổ, người bị hại chỉ bị chiếm đoạt tài sản mà không bị thương tích, hiện trường không để lại dấu vết, vật chứng gì. Khi nhận được nguồn tin, Công an xã đã lập biên bản xác định nơi xảy ra vụ việc. Đây là tin báo về tội phạm rất nghiêm trọng nhưng Công an huyện không tiến hành khám nghiệm hiện trường mà Công an xã lại lập biên bản xác định nơi xảy ra vụ việc là vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2017. Để khắc phục, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên thực hiện các biện pháp gồm: Xác định lại hiện trường; cho thực nghiệm điều tra; cho đối tượng chỉ vị trí thực hiện hành vi phạm tội… Vì vậy, mặc dù Cơ quan điều tra có vi phạm nhưng đã được khắc phục, vi phạm đó không ảnh hưởng đến kết quả điều tra vụ án.

Ví dụ 2: Vụ vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ xảy ra xảy ra tại đường tỉnh 298 do không có dấu hiệu hậu quả quy định tại điểm a khoản 7 Điều 7 Thông tư số 63/2020/TT-BCA nên lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm phương tiện, tiến hành trưng cầu giám định cơ chế hình thành dấu vết, trưng cầu giám định pháp y (các quyết định trưng cầu do Phó trưởng Công an huyện ký). Trường hợp này, mặc dù các biên bản hoạt động điều tra và kết luận giám định không vi phạm quy định tại Thông tư số 63/2020/TT-BCA nhưng không đảm bảo theo quy định của BLTTHS. Do đó, sau khi Cơ quan điều tra thụ lý giải quyết nguồn tin, Kiểm sát viên đặt ra các yêu cầu xác định lại hiện trường, khám nghiệm lại phương tiện, thực hiện trưng cầu giám định theo đúng trình tự của BLTTHS.

Rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý của các đồng nghiệp./.

Nguyễn Thị Thùy và Ngô Tuấn Hùng- Viện KSND huyện Hiệp Hoà

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:29,276,013
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:44.192.49.72

    Thư viện ảnh