Nội dung vụ việc: Tại Bản án sơ thẩm số 19/2011/HSST ngày 16/6/2011 của Tòa án nhân dân huyện Y, xử phạt Lăng Quốc B 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 01 năm 03 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm về tội “Trộm cắp tài sản” và chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự sơ thẩm; Bản án sơ thẩm trên bị Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị. Tại Bản án phúc thẩm số 159/2011/HSPT ngày 07/9/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh G, xử phạt Lăng Quốc B 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 01 năm 02 tháng 28 ngày tính từ ngày tuyên án sơ thẩm và không phải chịu tiền án phí hình sự phúc thẩm.
Qua xác minh, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y cho biết: Không nhận được Bản án sơ thẩm số 19/2011/HSST ngày 16/6/2011 của Tòa án nhân dân huyện Y và Bản án phúc thẩm số 159/2011/HSPT ngày 07/9/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh G. Tòa án nhân nhân dân huyện Y cho biết do thời gian đã lâu hiện không tìm thấy sổ chuyển Bản án năm 2011 sang Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y nên không xác định được có chuyển Bản án số 19/2011/HSST ngày 16/6/2011 cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y hay chưa. Tòa án nhân dân tỉnh G cho biết đã chuyển Bản án cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y và Tòa nhân nhân dân huyện Y nhưng do thời gian đã lâu nên không còn tài liệu gì liên quan đến việc giao nhận Bản án số 159/2011/HSPT ngày 07/9/2011.
Quan điểm thứ nhất: Lăng Quốc B chưa được xóa án tích, vì theo hướng dẫn tại phần 7 mục I của Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao và Công văn số 154B/TANDTC-PC ngày 11/8/2023 của Tòa án nhân dân tối cao về trả lời kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương có giải thích: “… Các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì”. Nội dung giải đáp tại Công văn này cũng đã loại trừ trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án dẫn đến việc chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án thì vẫn xác định là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Do Lăng Quốc B chưa thi hành số tiền 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm nên không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 Bộ luật hình sự.
Quan điểm thứ hai: Lăng Quốc B đã được xóa án tích vì theo tài liệu trao đổi một số vướng mắc trong áp dụng Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội (Câu 33) đã giải đáp: “Cần phân biệt đối với phần án phí và trách nhiệm dân sự đã có quyết định thi hành mà bị cáo không chấp hành thì không tính xóa án tích. Trong trường hợp lỗi của cơ quan nhà nước không ra quyết định thi hành án phí và các khoản phải nộp hoặc người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành án nếu hết thời hiệu không có lỗi của bị án thì xác định cho bị án được đương nhiên xóa án tích”. Do vậy, trường hợp này xác định là lỗi của cơ quan Nhà nước không ra quyết định thi hành án đối với khoản tiền án phí và không có lỗi của Lăng Quốc B nên xác định Lăng Quốc B đương nhiên được xóa án tích.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.
Nguyễn Thị Nhung- VKSND huyện Yên Thế