Việc xác định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là một bước quan trọng quá trình kiểm sát giải quyết vụ án hành chính. Xác định chính xác việc khởi kiện còn thời hiệu hay không sẽ rút ngắn thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án và bước đầu định hướng được quan điểm giải quyết vụ án sẽ đề xuất. Mặc dù việc xác định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính tuy đã được quy định tại Luật tố tụng hành chính 2015 nhưng trên thực tế vẫn còn các trường hợp vướng mắc khi xác định thời hiệu khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì cơ quan, tổ chức, cá nhân mất quyền khởi kiện. Thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với từng trường hợp được quy định như sau:
- 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
- 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước.
- Từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 05 ngày.
Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự được quy định như sau:
- 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
- 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại.
Thực tế quy định về xác định chính xác ngày tháng năm “biết được quyết định hành chính” còn chưa rõ ràng. Vì biết được nhưng không khởi kiện, không có văn bản thể hiện ngày tháng năm biết được quyết định hành chính nên khi giải quyết Tòa án sẽ phụ thuộc vào lời khai của người khởi kiện là “biết được” ngày tháng năm nào làm căn cứ xác định thời hiệu khởi kiện, đây là vấn đề không chặt chẽ và là nguyên nhân phát sinh các khiếu kiện hành chính.
Trước đó Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP ngày 29/7/2011 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết số 02/2011) hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTHC (văn bản hướng dẫn thi hành Luật TTHC năm 2010 và đã hết hiệu lực pháp luật) để xác định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính về xác định trường hợp “nhận được” hoặc “biết được quyết định hành chính” Điều 12 Nghị quyết trên quy định: “Với quyết định hành chính, nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tác động trực tiếp và là đối tượng được nhận quyết định hành chính thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày họ nhận được quyết định đó; nếu không phải là đối tượng bị tác động trực tiếp và không phải là đối tượng được nhận và thực tế là họ không nhận được quyết định hành chính thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là kể từ ngày họ biết được quyết định hành chính đó”. Vấn đề đặt ra là “biết được” quyết định hành chính là biết được tên của quyết định hành chính hay biết được nội dung của quyết định hành chính? Vì nếu không phải là đối tượng được nhận quyết định hành chính và thực tế không nhận được quyết định hành chính nên có thể thời điểm cơ quan, tổ chức, cá nhân biết được tên của quyết định hành chính và biết được nội dung của quyết định hành chính đó là hai thời điểm khác nhau.
Khoản 2 Điều 116 Luật TTHC năm 2015 quy định thời điểm tính thời hiệu khởi kiện đối với quyết định hành chính được tính “từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính”.
Khoản 3 Điều 116 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Trường hợp đương sự khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu giải quyết khiếu nại là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quyết định giải quyết khiếu nại lần hai; và là 01 năm kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật mà cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền không giải quyết và không có văn bản trả lời khiếu nại”. Có thể thấy, điều khoản này mới chỉ quy định về cách xác định thời điểm tính thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính trong trường hợp có quyết định giải quyết khiếu nại và không giải quyết khiếu nại mà chưa đề cập về cách xác định thời điểm tính thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính trong trường hợp người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại ra quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại.
Bên cạnh đó quy định về thời hiệu khởi kiện còn mâu thuẫn với quy định pháp luật khác có liên quan. Khi giải quyết vụ án dân sự, Tòa án xác định có quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật thì theo yêu cầu của đương sự Tòa án xem xét hủy bỏ quyết định đó (Điều 34 BLTTDS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019). Theo Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 6/01/2014, hướng dẫn thi hành Điều 32a của BLTTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011, tại Điều 5 quy định “Tòa án không áp dụng thời hiệu quy định trong pháp luật tố tụng hành chính khi xem xét yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật”. Do đó, khi xem xét yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật, Tòa án cũng không xem xét về thời hiệu, trong trường hợp này cùng là quyết định hành chính (chẳng hạn quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) nhưng nếu đương sự yêu cầu hủy quyết định đó trong vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất thì Tòa án xem xét giải quyết mà không cần tính đến yếu tố thời hiệu. Nhưng nếu khởi kiện thành vụ án hành chính độc lập thì Tòa án lại không thể thụ lý, nếu đã thụ lý thì phải đình chỉ vì không còn thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 116 LTTHC năm 2015. Nguyên nhân của bất cập này là do trong công tác xây dựng pháp luật, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn tồn tại, gây khó khăn cho việc áp dụng pháp luật, dẫn đến tình trạng không bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và thiếu tính ổn định của hệ thống pháp luật.
Qúa trình nghiên cứu và tham khảo các tài liệu về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính, tác giả thấy như sau:
Việc thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đã hết đồng nghĩa với việc người khởi kiện đã mất quyền khởi kiện, tuy nhiên trường hợp này lại không phải trường hợp “người khởi kiện không có quyền khởi kiện” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 123 quy định về Trả lại đơn khởi kiện. Do đó nên quy định thời hiệu khởi kiện đã hết là một trong những trường hợp trả lại đơn khởi kiện để không phải thụ lý đối với trường hợp “thời hiệu khởi kiện đã hết” sau đó mới đình chỉ giải quyết vụ án, làm mất thời gian, công sức và tạo áp lực khối lượng công việc cho cơ quan Tòa án và Viện kiểm sát.. Việc quy định này sẽ tạo ra sự thống nhất trong các căn cứ trả lại đơn khởi kiện, đồng thời cũng đảm bảo tính khoa học và hạn chế lãng phí khi áp dụng quy định của LTTHC năm 2015.
Cần thống nhất cách hiểu về trường hợp “tính từ ngày biết được”, tác giả cho rằng “biết được” được hiểu là nhận thức được sự tồn tại của quyết định hành chính đó, bởi nếu cho rằng “biết được” là phải biết cụ thể số, ngày tháng năm, nội dung của quyết định hành chính sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong việc xác minh, thu thập chứng cứ cũng như góp phần tạo tâm thế chủ quan cho đối tượng không bị ảnh hưởng trực tiếp, không được nhận quyết định hành chính.
Cần rà soát và thống nhất hướng dẫn các quy định còn chồng chéo gây khó khăn, vướng mắc giữa Bộ luật Tố dụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính.
Trên đây là một số quan điểm trao đổi về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính. Rất mong nhận được sự trao đổi của các đồng chí để làm rõ hơn cách xác định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính./.
Lương Bích Hảo- VKSND huyện Lạng Giang