Sau khi bài viết trao đổi nghiệp vụ của tác giả Nguyễn Hải Anh (đơn vị Văn phòng tổng hợp VKSND tỉnh) được đăng trên Trang tin điện tử của Viện KSND tỉnh Bắc Giang ngày 19/11/2023, Ban Biên tập trang tin nhận được ý kiến phản hồi của các tác giả Nguyễn Tiến Đạt, Hà Đăng Chương thuộc đơn vị VKSND huyện Tân Yên và Nguyễn Đức Cường thuộc đơn vị Phòng 2 VKSND tỉnh, theo đó các tác giả đều đồng tình với quan điểm thứ nhất là hành vi của các đối tượng A, B, C đã phạm cả hai tội “Trộm cắp tài sản”và “Hủy hoại tài sản”, đây cũng là quan điểm của tác giả Hải Anh.
Cả ba tác giả trên đều có chung lập luận: Mặc dù mục đích của A, B, C đến Công ty D là để trộm cắp tài sản nhưng vì muốn lấy được tài sản thì phải cậy phá két sắt, do đó các đối tượng đã chuẩn bị tô vít, xà beng, kìm cộng lực để phá két sắt nhằm lấy tài sản trong két. Tuy mục đích chính của A, B, C không phải là hủy hoại tài sản nhưng hành vi khách quan cố ý dùng xà beng, kìm cộng lực cậy phá làm hư hỏng hoàn toàn két sắt, các đối tượng phải nhận thức rõ được hậu quả của hành vi này (đây là hành vi khách quan của tội Hủy hoại tài sản). Bằng hành vi khách quan của các đối tượng đã thể hiện rõ hai mục đích đó là phải cậy phá két sắt thì mới lấy được tài sản bên trong két. Tội Trộm cắp tài sản và tội Hủy hoại tài sản là hai tội độc lập, được quy định tại hai điều luật khác nhau, hậu quả là yếu tố bắt buộc đối với cả hai tội đều đã đáp ứng đủ, các đối tượng đã thực hiện hai hành vi có cấu thành riêng biệt, vì vậy, các đối tượng phạm cả hai tội Trộm cắp tài sản và Hủy hoại tài sản.
Tác giả Hà Đăng Chương, Nguyễn Đức Cường còn phân tích, viện dẫn thêm:
- Tại văn bản hướng dẫn nghiệp vụ số 233/TANDTC-PC ngày 01/10/2019 của TANDTC có nội dung hướng dẫn: Trường hợp người thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó, hành vi trước là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về nhiều tội tương ứng với từng hành vi, nếu mỗi hành vi đều có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Trong vụ việc cụ thể ở đây A, B, C đã thực hiện nhiều hành vi (chuỗi hành vi) một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian, trong đó hành vi trước (cậy phá két, hủy hoại tài sản) là tiền đề, điều kiện để thực hiện hành vi sau (trộm cắp tài sản) của Công ty D, hậu quả 02 chiếc két bị hủy hoại không thể sử dụng được, thiệt hại là 6.950.000 đồng đã đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại tài sản” và số tiền các đối tượng đã trộm cắp được là 31.000.000 đồng đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”. Do vậy, các đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội “Hủy hoại tài sản” và “Trộm cắp tài sản”./.
Ban biên tập