ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 04/12/2024 -00:51 AM

Trao đổi về việc xác định lỗi hỗn hợp trong các vụ việc vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

 | 

Thuật ngữ “lỗi hỗn hợp” tuy ít được đề cập đến trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng được Kiểm sát viên thường sử dụng khi xem xét xử lý các vụ vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có hậu quả đến mức xem xét trách nhiệm hình sự. Một phần là bởi vì các vụ va chạm giao thông xảy ra do lỗi hỗn hợp có số lượng lớn, thường xuyên gặp phải, phần khác là vì những vụ va chạm như vậy thường tồn tại những khó khăn vướng mắc trong việc đánh giá lỗi, phải trao đổi cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định xử lý. Trong nhiều trường hợp, việc đánh giá lỗi và mức độ lỗi không chính xác dẫn đến xử lý vụ việc không đúng, làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, có trường hợp quyết định hình phạt, trách nhiệm dân sự không đảm bảo căn cứ dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài, huỷ án, trả hồ sơ để điều tra bổ sung…Vì vậy, những câu hỏi mà kiểm sát viên thường đặt ra đó là “vụ việc này có thuộc trường hợp lỗi hỗn hợp hay không?”, “mức độ lỗi của các bên như thế nào”; “đâu là thước đo cho việc xác định mức độ lỗi”…cần được nghiên cứu trên cơ sở khoa học và thực tiễn.

1. Thế nào là vụ vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có lỗi hỗn hợp?

Trước hết, “lỗi” là một trong ba thành phần cấu tạo nên mặt chủ quan của tội phạm (bên cạnh động cơ, mục đích) luôn được đặt ra xem xét khi giải quyết các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Lỗi là thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và hậu quả nguy hiểm cho xã hội dưới hình thức lỗi cố ý hoặc vô ý. Trong các vụ vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì “lỗi” thuộc về trường hợp là vô ý theo quy định tại Điều 11 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS).

Khái niệm “lỗi hỗn hợp”, theo tác giả, là trường hợp mà người, phương tiện tham gia giao thông va chạm với người, phương tiện khác mà cả hai bên đều không tuân thủ đúng và đầy đủ các quy tắc tham gia giao thông đường bộ (hai bên đều có lỗi).

Ví dụ 1: A điều khiển xe mô tô đi trên đường liên huyện, đoạn đường không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ qua đường. Khi quan sát thấy B đi bộ qua đường ở phía trước khoảng 10m, do không làm chủ tốc độ, xe mô tô do A điều khiển đã va chạm với B làm B bị chết.

Trong ví dụ trên, A có lỗi là điều khiển xe không làm chủ tốc độ (vi phạm khoản 4 Điều 11 Luật giao thông đường bộ, quy định: Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ… đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ qua đường… bảo đảm an toàn). Tuy nhiên, cũng cần xác định vụ việc thuộc lỗi hỗn hợp vì B cũng có lỗi (vi phạm khoản 3 Điều 32 Luật giao thông đường bộ, quy định: Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường).

Tuy nhiên, thực tiễn xảy ra không ít trường hợp nhầm lẫn giữa “lỗi hỗn hợp” với “lỗi hoàn toàn” hoặc “sự kiện bất ngờ”.

Ví dụ 2: A điều khiển xe ô tô đi trên đường cao tốc có dải phân cách cứng. Khi quan sát thấy B là công nhân đi bộ ngang qua đường cao tốc cách khoảng 20m, do điều khiển xe đi ở tốc độ cao, A không kịp xử lý nên xe ô tô va chạm với B làm B bị chết. 

Trong ví dụ trên, gia đình nạn nhân cho rằng A có lỗi nhưng cần xác định vụ việc thuộc sự kiện bất ngờ đối với A vì đường cao tốc cấm người đi bộ qua đường và A không thể thấy trước, không buộc phải thấy trước B qua đường.

2. Nguyên tắc xác định mức độ lỗi hỗn hợp  

 Nguyên tắc xác định nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý được đề cập tại Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 của Liên ngành tư pháp trung ương. Tại khoản 1 Điều 3 Thông tư quy định “1. Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy tắc giao thông đường bộ và hành vi này phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả về tính mạng, sức khỏe và tài sản”. Việc xác định “nguyên nhân trực tiếp” trước hết dựa trên mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả đó là: Hành vi trái pháp luật phải xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian; giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả phải có mối quan hệ nội tại, tất yếu, hành vi trái pháp luật phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả; hậu quả xảy ra là hiện thực hoá khả năng thực tế của hành vi. Nếu không có mối quan hệ nhân quả thì hành vi không cấu thành tội phạm.

Tuy vậy, các vụ việc có “lỗi hỗn hợp” đều có đặc điểm đó là “có từ hai hành vi nguy hiểm cho xã hội đồng thời trực tiếp gây nên hậu quả nguy hiểm cho xã hội” (Giáo trình luật hình sự Việt Nam- Đại học Kiểm sát Hà Nội. NXB Chính trị quốc gia sự thật 2020, trang 112).  Nói cách khác, nguyên nhân nào trong đó cũng là nguyên nhân trực tiếp vì mỗi hành vi đều chứa đựng mối quan hệ nhân quả với hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Khi đó, nếu chỉ xác định nguyên nhân trực tiếp, sẽ không đảm bảo để xử lý vụ việc đúng đắn.

Ví dụ 3: A điều khiển xe mô tô đi trên đường thì thấy phía trước cùng chiều có xe ô tô và phía trước ngược chiều có nhiều xe mô tô đi đến nhưng A vẫn điều khiển xe vượt lên xe ô tô đi phía trước cùng chiều. Khi vượt lên đến ngang với sườn xe ô tô thì va chạm với xe mô tô của B đi ngược chiều (B lấn sang phần đường của A). Hậu quả B bị chết.

Ví dụ 4: A đang điều khiển xe ô tô trên đường liên huyện thì muốn quay đầu. Khi thấy có biển giao nhau với đường nhánh liên xã, A điều khiển xe đi vào đường nhánh khoảng 7m thì lùi xe để quay đầu, có bật xin nhan. Khi đuôi xe của A lùi ra đường liên huyện 3m thì lúc này B điều khiển xe trên đường liên huyện đi đến. Do không làm chủ tốc độ, xe của B va chạm vào đuôi xe ô tô. Hậu quả B bị chết.

Ở ví dụ 3, A có lỗi khi vượt xe không đảm bảo an toàn, B có lỗi khi điều khiển xe không đúng phần đường. Ở ví dụ 4, A có lỗi khi chuyển hướng xe không đảm bảo an toàn, B có lỗi khi không làm chủ tốc độ khi đi qua  nơi đường bộ giao nhau. Trong cả hai ví dụ trên hành vi của mỗi bên đều là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn. Và trong hai ví dụ trên, việc vận dụng nguyên tắc theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 09 nêu trên để giải quyết là chưa đủ đảm bảo căn cứ thuyết phục.

3. Giải pháp để xác định chính xác mức độ lỗi hỗn hợp và giải quyết đúng đắn các vụ vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có lỗi hỗn hợp

Khi đã xác định được nguyên nhân trực tiếp, cần xác định được trong các nguyên nhân trực tiếp đó, đâu là nguyên nhân chính. Từ đó, nếu nguyên nhân chính thuộc về bên nào thì xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định và ngược lại. Phương pháp xác định “nguyên nhân chính” cần căn cứ quy định tại Điều 9 Luật giao thông đường bộ và Thông tư số 54/2019/TT- BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ”.

Tại khoản 1 Điều 9 Luật giao thông đường bộ quy định “1. Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ”.Các quy tắc trên được nêu theo thứ tự ưu tiên, và vì vậy việc xác định mức độ vi phạm các quy tắc trên được hiểu theo thứ tự ưu tiên. Nói cách khác mức độ lỗi của người đi sai làn đường, phần đường cao hơn mức độ lỗi của người không chấp hành đúng hệ thống báo hiệu đường bộ.

Ví dụ 5: A đang điều khiển đi trên đường thuộc khu vực đông dân cư thì thấy B điều khiển xe sang đường, hướng đi chếch chéo từ bên phải sang bên trái đường theo chiều đi của A. Do không làm chủ tốc độ, xe mô tô do A điều khiển va chạm với xe mô tô do B điều khiển, hậu quả làm B chết. Kết luận giám định xác định điểm va chạm giữa hai phương tiện ở giữa hai vết xước trên mặt đường, không xác định được thuộc làn đường bên phải hay trái theo chiều đi của A.

Trong ví dụ trên, sơ bộ đánh giá A có lỗi khi điều khiển xe trong khu vực đông dân cư mà không làm chủ tốc độ (vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 31/2019/TT- BGTVT) còn B có lỗi khi điều khiển xe chuyển hướng sang đường không đảm bảo an toàn (vi phạm Điều 15 Luật giao thông đường bộ -  Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo rẽ). Do kết luận giám định không chứng minh được A đi phần đường nên có ý kiến cho rằng cả A và B đều có lỗi ngang nhau. Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ vụ việc thì có căn cứ xác định mặc dù không có căn cứ chứng minh A đi sai phần đường nhưng có căn cứ chứng minh A điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình (vi phạm khoản 1 Điều 9 luật giao thông đường bộ). Như vậy, cần xác định nguyên nhân chính để xảy ra vụ va chạm thuộc lỗi của A để xử lý theo quy định.

Ví dụ 6: A điều khiển xe mô tô chở C ngồi phía sau (cả hai đều không đội mũ bảo hiểm). Tại đường giao nhau, A điều khiển xe mô tô từ trong đường nhánh chuyển hướng không có tín hiệu đèn báo trước xin chuyển hướng, A thấy có xe ô tô đang lưu thông từ đường chính đến nhưng vẫn cố tình tăng ga cho xe sang đường. Do B điều khiển xe ô tô đến đoạn đường giao nhau không chú ý quan sát, không nhường đường cho xe đi đến từ bên phải đã đâm va vào bánh sau bên phải của xe mô tô gây tai nạn. Hậu quả: làm C ngã đập đầu xuống đường chết tại chỗ. Trong vụ việc này xác định hai bên A và B cùng có lỗi, trong đó lỗi của A không chú ý quan sát, không đội mũ bảo hiểm, không có tín hiệu báo hướng rẽ, lỗi của B không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, hậu quả C ngồi sau xe A tử vong. Tuy nhiên, cũng cần phải đánh giá để xác định A có lỗi chuyển hướng xe không có tín hiệu báo rẽ, không nhường đường tại nơi giao nhau là nguyên nhân chính, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới vụ tai nạn giao thông.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả trong việc đánh giá lỗi trong các vụ việc tai nạn giao thông. Việc xác định đúng đắn mức độ lỗi theo phương pháp trên sẽ giúp cho Kiểm sát viên nói riêng, người tiến hành tố tụng nói chung xác định, đánh giá mức độ lỗi một cách chính xác để tìm ra nguyên nhân chính của vụ va chạm, từ đó giải quyết vụ việc đảm bảo có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý của các đồng nghiệp./.

Nguyễn Hồng Hạnh- VKSND huyện Hiệp Hòa

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,546,250
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.221.102.0

    Thư viện ảnh