ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -23:50 PM

Vướng mắc trên thực tiễn khi xử lý hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”

 | 

Trong năm 2022, Viện KSND thành phố Bắc Giang thụ lý giải quyết một số vụ án “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Từ thực tiễn xử lý tội phạm này trong thời gian qua thấy còn có những khó khăn, vướng mắc về nhận thức và áp dụng pháp luật.

- Về văn bản hướng dẫn áp dụng: Các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn sử dụng Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Thông tư liên tịch số 08/2015 ngày 14/11/2015 của Liên ngành Trung ương nhưng đều là hướng dẫn các quy định về tội phạm ma túy được quy định trong BLHS năm 1999. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 89 ngày 30/6/2020 Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, trong đó có một số nội dung hướng dẫn về nhóm tội ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của Toà án nhân dân tối cao giải đáp và hướng dẫn một số vướng mắc trong xét xử (mục 7 phần I); Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng ban hành văn bản Giải đáp về những khó khăn vướng mắc về nhóm tội phạm ma túy. Các văn bản này đã giải đáp một số vướng mắc nhưng chưa triệt để so với thực tiễn nên khi áp dụng vẫn còn vướng mắc.

Tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 255 BLHS năm 2015: “1. Người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm…”.

Thông tư liên tịch số 17/2007 hướng dẫn về dấu hiệu hành vi khách quan của tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” như sau:

- Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;

- Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.

Ngoài ra, người thực hiện một trong các hành vi sau theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy:

+ Đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;

+ Cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;

+ Chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác);

+ Chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;

+ Tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ.

Có thể thấy, hành vi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác cũng là một dấu hiệu hành vi khách quan của tội “Sử dụng trái phép chất ma túy” được quy định tại Điều 199 BLHS năm 1999, đã bị bãi bỏ. Theo Thông tư liên tịch 17/2007, “Sử dụng trái phép chất ma túy” là hành vi tự mình hoặc nhờ người khác đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể mình dưới bất kỳ hình thức nào (như hút, hít, uống, tiêm, chích…) nhằm thỏa mãn nhu cầu sử dụng chất ma túy. Tuy nhiên, dấu hiệu đặc trưng của tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì hành vi “đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác” cần thêm điều kiện thực hiện “theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác”.

BLHS hiện hành bãi bỏ xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Như vậy, nếu một người sử dụng trái phép chất ma túy mà không có các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ hay tổ chức sử dụng trái phép thì không bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.

- Về hành vi chỉ huy, phân công, điều hành việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

Dấu hiệu chỉ huy, phân công, điều hành là hành vi khách quan bắt buộc phải có trong cấu thành tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Trong thực tiễn giải quyết, việc chứng minh yếu tố này gặp nhiều khó khăn, đa số các vụ án đều được phát hiện, bắt quả tang khi các đối tượng tập trung đông người sử dụng chất ma túy (đang sử dụng hoặc vừa sử dụng ma túy xong). Vì vậy chỉ xử lý hình sự khi đã làm rõ người khởi xướng, việc rủ nhau góp tiền, bàn bạc mua ma túy, tìm địa điểm, rủ thêm người sử dụng ma túy...

- Về cách hiểu “người khác” quy định trong điều luật:Hiện có quan điểm khác nhau về vấn đề này. Yếu tố “người khác” được hiểu là cá nhân này với cá nhân khác nên có nhiều vụ án chỉ cần các đối tượng cùng thực hiện hành vi bố trí, sắp xếp con người, phương tiện, dụng cụ hoặc cung cấp chất ma túy để người khác sử dụng hoặc cùng nhau sử dụng ma túy (hành vi tổ chức cho nhau sử dụng ma túy) vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.Quan điểm khác cho rằng yếu tố “người khác” phải là người không thuộc nhóm người thực hiện hành vi phạm tội (khác với chủ thể của hành vi phạm tội) tức là “người hưởng thụ”.

Từ một số vướng mắc nêu trên, đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thay thế Thông tư liên tịch số 17/2007 để có căn cứ áp dụng pháp luật một cách đầy đủ và thống nhất./.

Đặng Minh Hà- VKSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,803,382
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.21.46.129

    Thư viện ảnh