.

Thứ sáu, 19/04/2024 -08:17 AM

Giải pháp nâng cao chất lượng phối hợp giữa CQĐT- VKS - Thanh tra trong thực hiện Thông tư số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018 về phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết KNKT được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra

 | 

Trước đây, quan hệ phối hợp công tác giữa Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát - Thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố nhìn chung đã được thực hiện nhưng chưa chặt chẽ, thường xuyên, mang tính chất vụ việc, đạt hiệu quả chưa cao. Ngày 18/10/2018, Liên ngành Viện KSND tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP về phối hợp trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra (gọi tắt là Thông tư số 03/2018).

Thông tư số 03/2018 đã quy định cụ thể, chặt chẽ về trình tự, thủ tục, trách nhiệm phối hợp giữa Viện kiểm sát - Cơ quan điều tra - Cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra. Từng Ngành đã quán triệt, triển khai thực hiện Thông tư số 03/2018 theo chức năng, nhiệm vụ của Ngành; đồng thời, từng đơn vị phân công lãnh đạo phụ trách, cán bộ làm đầu mối tiếp nhận thông tin từ Cơ quan thanh tra cùng cấp, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong thực hiện trao đổi thông tin, chuyển và tiếp nhận hồ sơ vụ việc để giải quyết theo các quy định Thông tư số 03/2018 và các quy định pháp luật có liên quan. Qua đó, mối quan hệ phối hợp ngày càng được chặt chẽ hơn, một số thông tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố được trao đổi, thống nhất giải quyết từ cấp lãnh đạo đến Điều tra viên - Thanh tra viên - Kiểm sát viên; thông qua các kết luận do Thanh tra cung cấp, cơ quan có thẩm quyền đã kịp thời phát hiện những vụ, việc vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự để thụ lý giải quyết theo trình tự quy định. Do vậy, công tác tiếp nhận, thụ lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm từng bước được nâng lên, có hiệu quả.

Trong thời điểm từ ngày 10/12/2018 đến ngày 10/6/2022, Cơ quan Thanh tra 02 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện) tỉnh Bắc Giang đã tiến hành thanh tra tổng số 4.242 cuộc, trong đó 525 cuộc thanh tra hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội tại 1.473 đơn vị; 3.717 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 8.181 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện sai phạm với tổng số tiền 162.534 triệu đồng, hơn 201,9 ha đất, trong đó: yêu cầu thu hồi về ngân sách nhà nước 74.767 triệu đồng; chuyển Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền 17 vụ việc. Cơ quan điều tra đã thụ lý giải quyết kiến nghị khởi tố của Thanh tra 16 vụ việc, trong đó: Cơ quan điều tra đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự 10 vụ việc; ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự 03 vụ việc (lý do: hành vi không cấu thành tội phạm 02vụ, không có sự việc phạm tội xảy ra 01 vụ); còn 03 vụ việc đang xử lý (trong đó có 01 vụ việc đang tạm đình chỉ chờ cung cấp tài liệu).

Thực tiễn cho thấy, Thông tư 03/2018 đã quy định khá đầy đủ về cơ chế phối hợp giữa Cơ quan thanh tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra phát hiện trong quá trình thanh tra theo chức năng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm giúp cho các cơ quan này thực hiện việc phối hợp với nhau theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm tạo sự thống nhất, đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm nguyên tắc và xử lý có hiệu quả những vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Cơ chế phối hợp này cũng ràng buộc trách nhiệm của mỗi cơ quan, đòi hỏi Cơ quan thanh tra khi tiến hành thanh tra phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc phát hiện vi phạm (nếu có) của đối tượng thanh tra; có trách nhiệm thu thập tài liệu, làm rõ dấu hiệu vi phạm trong từng vụ việc và có quan điểm về các vi phạm, thiếu sót đó, góp phần xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Thực hiện cơ chế phối hợp nêu trên, trong thời gian qua, đã có nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm được các Cơ quan thanh tra chuyển cho Cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra; đã xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự đối với 26 đối tượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, làm trái công vụ, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền14.398.110.000 đồng và 11.877m2 đất; qua điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã thu hồi được 11.963.512.700 đồng và 11.877m2 đất.

Quá trình thực hiện Thông tư số 03/2018, liên ngành Công an - Viện kiểm sát - Thanh tra hai cấp (cấp tỉnh và cấp huyện) tỉnh Bắc Giang thường xuyên nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy cùng cấp; tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả Thông tư 03/2018 và các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự về phối hợp trao đổi các vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Giữa Cơ quan Thanh tra và Viện KSND hai cấp tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện tốt Chương trình phối hợp số 74/CTr-VKS-TTr, ngày 22/4/2016 giữa Viện KSND và Thanh tra tỉnh Bắc Giang; các vụ việc có vướng mắc về quan điểm xác định có dấu hiệu tội phạm hay không đều được trao đổi trước khi kiến nghị khởi tố, chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, ngày 16/7/2020, Viện KSND tỉnh Bắc Giang đã chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Công Thương, Sở Lao động thương binh và xã hội, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế, Bảo hiểm xã hội và Ngân hàng nhà nước tỉnh Bắc Giang ký Quy chế phối hợp số 02/LN-QCPH về việc phát hiện, cung cấp, tiếp nhận và giải quyết nguồn tin tội phạm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Để thực hiện có hiệu quả Thông tư số 03/2018 và các Quy chế phối hợp trên, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hai cấp đã tổ chức phân công cán bộ nghiệp vụ làm đầu mối phối hợp để tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra cùng cấp và các cơ quan chức năng chuyển đến; Cơ quan thanh tra hai cấp đều chủ động phối hợp với Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra cùng cấp để nắm bắt tình hình, trao đổi, cung cấp thông tin về dấu hiệu, hành vi tham nhũng và có các biện pháp nâng cao chất lượng, nghiệp vụ về công tác phát hiện, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Vì vậy, chất lượng các kiến nghị khởi tố của cơ quan Thanh tra chuyển đến Cơ quan điều tra được nâng lên, các vụ việc kiến nghị khởi tố được cơ quan điều tra xử lý, ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự đạt tỷ lệ cao (10/13 vụ việc đã có quyết định giải quyết xong, chiếm tỷ lệ 77%). 

Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát - Cơ quan Thanh tra còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc như:

Công tác phối hợp giữa Cơ quan thanh tra với Cơ quan điều tra, Viện KSND cùng cấp trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2018 còn có việc chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ; chất lượng công tác thanh tra có việc còn hạn chế, kết quả chưa cao. Do đó, số vụ việc được phát hiện có dấu hiệu tội phạm nói chung và có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực nói riêng của Cơ quan thanh tra chưa nhiều.

Cơ quan thanh tra có vai trò quan trọng trong phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng thực tế cho thấy cơ chế phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chưa tương xứng với tính chất và hoạt động của Cơ quan thanh tra, chưa tạo sự chủ động, ràng buộc trách nhiệm cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của Cơ quan thanh tra trong khi thực hiện nhiệm vụ của ngành và thực hiện công tác phối hợp; chưa có chế tài xử lý trách nhiệm khi cơ quan Thanh tra không chuyển tin cho Cơ quan tố tụng nên không kịp thời xử lý các hành vi có dấu hiệu tội phạm.

Công tác xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu đối với tố giác, tin báo về tội phạm do Cơ quan thanh tra chuyển đến còn gặp nhiều khó khăn do sự việc xảy ra trong thời gian dài, qua nhiều thời kỳ; sổ sách, chứng từ thu, chi mặc dù đã được Cơ quan thanh tra yêu cầu cung cấp nhưng người được yêu cầu không xuất trình được hoặc xuất trình không đầy đủ, cố tình không xuất trình… gây khó khăn cho công tác xác minh, thu thập chứng cứ dẫn đến việc phải kéo dài thời hạn xác minh, giải quyết.

Việc giải quyết của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đối với các vụ việc do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố còn để kéo dài, giải quyết chưa triệt để; nhiều vụ việc còn có quan điểm khác nhau giữa Cơ quan thanh tra và các cơ quan tố tụng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là: Trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức còn có mặt hạn chế; nhiều vụ việc có khó khăn trong xác định hành vi vi phạm pháp luật hành chính và hành vi vi phạm pháp luật hình sự; Thanh tra viên chưa được tập huấn chuyên sâu về cấu thành cơ bản xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm; tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm về tham nhũng, chức vụ trong tình hình mới nói riêng trong khi ý thức, trách nhiệm và nhận thức của người đứng đầu ở một số ngành đối với công tác phối hợp, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng còn chưa cao; mặt khác sự gắn kết giữa các phòng, ban chức năng của các cơ quan phối hợp chưa thật sự chặt chẽ; việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện Quy định chưa được tiến hành thường xuyên.

Lĩnh vực thanh tra là lĩnh vực rộng, liên quan đến nhiều văn bản pháp luật, hơn nữa văn bản pháp luật lại thường xuyên có sự thay đổi làm ảnh hưởng không nhỏ tới nhận định, đánh giá các sai phạm; một số cơ quan quản lý nhà nước khi tự kiểm tra, thanh tra nội bộ phát hiện vi phạm, vụ việc có dấu hiệu tội phạm tại đơn vị mình nhưng thường xử lý nội bộ, cho người vi phạm tự khắc phục hậu quả nên khi Cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra phát hiện ra nhưng hồ sơ, chứng từ không còn nguyên vẹn để cung cấp; người vi phạm cố tình chậm hoặc không cung cấp gây khó khăn công tác thanh tra, kết luận rõ hành vi cũng như cung cấp tài liệu cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Các vụ việc Cơ quan thanh tra kiến nghị thường là những vụ việc khó, phức tạp; liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề, có nhiều quy định của pháp luật điều chỉnh như tài chính, ngân hàng, đất đai… . Chủ thể của các loại tội phạm tham nhũng, chức vụ đều là người có chức vụ, có trình độ chuyên môn do đó việc đấu tranh với loại tội phạm này cũng còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, tình hình tội phạm ngày càng gia tăng về số lượng, diễn biến phức tạp và thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, trong khi đội ngũ Thanh tra viên còn thiếu, chưa được bồi dưỡng thường xuyên, kinh nghiệm còn hạn chế; các quy định của pháp luật về quyền hạn của Cơ quan thanh tra trong yêu cầu cung cấp tài liệu, áp dụng các biện pháp phòng ngừa còn hạn chế… nên việc phát hiện ra hành vi có dấu hiệu tội phạm chưa nhiều, việc ngăn chặn hành vi vi phạm chưa kịp thời.

Để thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra - Viện kiểm sát  - Thanh tra trong thực hiện Thông tư số 03/2018, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là: Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát với Cơ quan thanh tra và với các Cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc, có dấu hiệu tội phạm nói chung và các vụ việc vi phạm liên quan đến tham nhũng, chức vụ, tiêu cực nói riêng theo Thông tư số 03/2018.

Hai là: Lãnh đạo các Cơ quan phối hợp cần quan tâm hơn nữa công tác hướng dẫn nghiệp vụ, thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ, công chức. Đồng thời, quan tâm tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề ra giải pháp thiết thực, cụ thể để tổ chức thực hiện có hiệu quả…

Ba là: Khi Cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc những vụ việc Thanh tra nhằm giải quyết đơn thư tố cáo, Thanh tra đột xuất thì Cơ quan thanh tra cần chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra ngay từ ban đầu để thu thập đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ, đánh giá dấu hiệu vi phạm tội phạm; rút ngắn thời gian kiểm tra, xác minh khi Cơ quan điều tra khi thụ lý giải quyết tin báo.

Bốn là: Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần xử lý kịp thời, nghiêm minh, không bao che, không nể nang, kiên quyết  tuân thủ đúng các quy định của pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Năm là: Thường xuyên phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức sơ kết việc thực hiện Thông tư liên tịch số 03/2018 để đánh giá kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong công tác phối hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp.

Sáu là: Kiến nghị các Cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Thông tư số 03/2018 còn chưa phù hợp; cụ thể:

Cần bổ sung quy định tại Điều 6 của Thông tư số 03/2018 trường hợp khi có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa rõ thẩm quyền thì Cơ quan thanh tra có trách nhiệm chuyển cho Cơ quan điều tra cùng cấp để giải quyết. Nếu Cơ quan điều tra cùng cấp phát hiện thấy không thuộc thẩm quyền thì trao đổi với Cơ quan thanh tra và Viện kiểm sát cùng cấp để thống nhất chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Nếu giữa Viện kiểm sát và Cơ quan thanh tra không thống nhất với nhau Viện kiểm sát sẽ quyết định việc chuyển hồ sơ cho cơ quan nào thụ lý giải quyết.

Bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 7 của Thông tư số 03/2018 theo hướng cả Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đều phải có trách nhiệm gửi cho Cơ quan thanh tra các quyết định, văn bản tố tụng ban hành (Quyết định không khởi tố vụ án, khởi tố vụ án, tạm đình chỉ, phục hồi…).

Sửa đổi quy định về thời điểm cơ quan Thanh tra chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra, tạo thống nhất giữa quy định tại Thông tư số 03/2018 và Nghị định 86/2011/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc thực hiện mối quan hệ phối hợp./.

Nguyễn Thị Huệ Anh- Phòng 3, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,693,373
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.140.185.170

    Thư viện ảnh