.

Thứ bảy, 27/04/2024 -01:42 AM

Cho vay lãi nặng được giao kết dưới hình thức “Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất"

 | 

Vợ chồng ông H, bà Q được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất số 1103 tại huyện T. Kết luận định giá xác định đất + tài sản trên đất trị giá 2,7 tỷ đồng. Ngày 11/8/2021, ông H bà Q đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên cho ông P với giá 03 tỷ đồng.

Ngày 23/8/2021, ông H vay của L số tiền 500 triệu đồng được chuyển qua tài khoản ngân hàng MB, khi vay tiền thì L yêu cầu ông H phải viết giấy vay tiền dưới dạng "Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất" thửa đất đã bán cho ông P, nội dung "Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất" xác định giá trị thửa đất trên là 700 triệu đồng. Đến hạn trả nợ ngày 25/9/2021 ông H không trả cho L tiền vay + lãi, nên L đã làm đơn đến Công an huyện T tố cáo ông H lừa đảo chiếm đoạt tài sản và giao nộp "Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất" nêu trên.

Tại cơ quan điều tra, ông H khai vay số tiền 500 triệu đồng với lãi suất cao; đối tượng L khai ông H nhận 500 triệu tiền đặt cọc để mua bán quyền sử dụng đất nêu trên và cung cấp "Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất" có chữ viết, chữ ký của ông H.

Cơ quan điều tra Công an huyện T xác định ông H có hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo như "Hợp đồng đặt cọc" đã ký được L giao nộp, đồng thời có quan điểm khởi tố vụ án, bị can đối với ông H. Viện kiểm sát nhân dân huyện T có quan điểm vụ việc chỉ là giao dịch dân sự. Do có quan điểm khác nhau, nên vụ việc đã được thỉnh thị liên ngành cấp tỉnh.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ tài liệu nhận thấy có cơ sở xác định ông H vay tiền của L được thể hiện dưới dạng "Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất", bởi vì:

Thứ nhất: Giá trị QSD đất giao dịch giữa L với ông H là 700 triệu đồng, chênh lệch giá trị so với giá trị định giá tài sản (2,7 tỷ đồng) và giá trị thực tế giao dịch giữa ông H bà Q bán cho ông P (3 tỷ đồng). Giá trị đất giao dịch 700 triệu giữa L và ông H là không hợp lý.

Thứ hai: Ngày 23/8/2021 trên lịch sử giao dịch ngân hàng MB xác định L chuyển cho ông H 500 triệu đồng, tuy nhiên cũng trên lịch sử giao dịch của ngân hàng MB những ngày sau đó thể hiện tài khoản của ông H chuyển tiền đến tài khoản L nhiều lần, mỗi lần từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, tức ông H có trả lãi cho L theo hợp đồng vay tiền như ông H đã khai.

Thứ ba: Khi giao dịch "Hợp đồng đặt cọc" mua bán đất giữa ông H và L thì bà Q vợ của ông H là đồng chủ sở hữu quyền sử dụng đất nêu trên không tham gia, không biết L đặt cọc mua bán đất và không có người làm chứng. Trường hợp có việc giao dịch đặt cọc mua bán quyền sử dụng đất giữa L và ông H, thì L buộc phải nhận thức được giao dịch này phải có bà Q tham gia.

Ngoài ra, tài liệu khác thể hiện L là người chuyên cho vay lãi nặng, giữa L và ông H nhiều lần có giao dịch vay tiền, cầm cố tài sản khác trước đó.

Nhận thấy, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc tương tự như: giao dịch dân sự (vay tiền) thể hiện trên giấy tờ bằng các hình thức: cam kết xin việc, cam kết chuyển quyền sử dụng đất, cam kết thực hiện 1 nghĩa vụ nhất định không có trên thực tế... Để tránh việc khởi tố oan sai, bài viết xin chia sẻ kinh nghiệm để tham khảo khi giải quyết vụ việc có dấu hiệu là giao dịch dân sự.

Nguyễn Đức Cường- Phòng 2, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,770,085
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.217.203.172

    Thư viện ảnh