ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -20:46 PM

Đối tượng L phạm tội gì?

 | 

L đang đi bẫy chim về nuôi thì gặp anh T đang dừng xe bên đường đi vệ sinh, L nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại của anh T nên đã tiến lại gần chỗ anh T. Lúc này T chủ động hỏi L “Đi đầu về thế?”. L đáp “em đi tìm bò, con bò nhà em ở trên rừng không đi được, em đi tìm mấy ngày hôm nay mới thấy”. T nói “chắc bị rắn cắn rồi”. L trả lời “vâng, chắc là bị rắn cắn, điện thoại của em hết pin, anh có điện thoại không cho em mượn em gọi một cuộc cho người nhà em đến mang bò về”. T trả lời “thế có cần anh chở về hộ không?”. Vừa nói T vừa mở khóa điện thoại đưa cho L mượn chiếc điện thoại cảm ứng giá trị khoảng 4.800.000 đồng và bảo: "đây, tay anh đang bẩn mày cầm lấy mà bấm số”. L cầm máy điện thoại của T và bấm số gọi cho ai đó, T chỉ nghe thấy tiếng chuông nhưng không thấy có ai nghe máy, một lát sau T tranh thủ cúi xuống chỉnh lại xe phân vì xe bị nghiêng về một bên. Nhân lúc T cúi xuống chỉnh lại xe, không để ý, L lùi lại hai, ba bước rồi cầm điện thoại của T bỏ chạy. T phát hiện hô hoán “cướp, cướp” và đuổi theo L nhưng không kịp. L chạy được một đoạn thì không thấy T đuổi nữa nên đi về nhà. Đến ngày hôm sau, L đang bán chiếc điện thoại ở cửa hàng điện thoại thì bị Công an mời về trụ sở để làm việc.

Từ nội dung vụ án như trên, hiện có hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất:L khai có ý định chiếm đoạt tài sản của T từ trước nên nói dối với T là mượn điện thoại của T để gọi cho gia đình nhưng thực chất L không gọi mà nói vậy để T tin tưởng giao điện thoại cho L sẽ chiếm đoạt. Như vậy,  ý thức chiếm đoạt của L nảy sinh từ trước khi được T giao tài sản cho  nên hành vi của L có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 BLHS.

Quan điểm thứ hai: Hành vi của L đã đủ yếu tố cấu thành tội “cướp giật tài sản” quy định tại Điều 171 BLHS, vì:

Thứ nhất, L khai có ý định chiếm đoạt tài sản của T từ trước nên nói dối với T là mượn điện thoại để gọi cho gia đình nhưng thực chất L không gọi mà nói vậy để T tin tưởng giao điện thoại cho L sẽ chiếm đoạt nên lúc đầu hành vi của L có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi T đưa điện thoại cho L thì L ngaylập tức thực hiện hành vi nhanh chóng lấy tài sản, nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Hành vi này đã thoả mãn dấu hiệu của tội cướp giật tài sản là “nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát”.

Thứ hai, hành vi của L thực hiện là lỗi cố ý trực tiếp, nhận thức rõ về hành vi phạm tội và mong muốn thực hiện tội phạm đó. Ngay từ khi nhìn thấy anh T thì L đã nghĩ ra việc mượn điện thoại để chiếm đoạt, mục đích này thể hiện rõ hơn khi L tiếp cận được điện thoại của anh T, lợi dụng anh T sơ hở, L nhanh chóng chiếm đoạt và nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Tất cả các hành vi gian dối giả vờ mượn điện thoại đều là thủ đoạn của L để tiếp cận tài sản và lợi dụng lúc sơ hở của chủ sở hữu là thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Việc lấy tài sản hoàn toàn ngang nhiên trước sự quản lý của chủ sở hữu.

Thứ ba, chủ sở hữu tài sản là anh T hoàn toàn có khả năng quản lý trực tiếp đối với tài sản và thực tế là chưa thực hiện việc bàn giao tài sản cho L. Việc đưa tài sản cho L chỉ là hoạt động “cho mượn”, điện thoại bình thường, tuy nhiên hành vi đó chủ sở hữu đã vô tình để sơ hở tài sản và L đã lợi dụng sơ hở đó để chiếm đoạt tài sản.

Trên đây là ý kiến cá nhân của tôi xin trao đổi cùng đồng nghiệp và bạn đọc./.

Nguyễn Quỳnh Anh- Viện KSND huyện Lạng Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,434,651
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:52.14.6.41

    Thư viện ảnh