ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -05:55 AM

Vướng mắc khi xử lý tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật hình sự

 | 

Thời gian qua, tình hình tội phạm liên quan đến việc làm, sử dụng tài liệu, giấy tờ giả có chiều hướng tăng nhất là việc làm giả, sử dụng các loại giấy tờ liên quan đến y tế, văn bằng, chứng chỉ cấp cho cá nhân… . Tuy nhiên, việc xử lý các hành vi liên quan đến loại tội phạm này còn có những vướng mắc cần được giải đáp, hướng dẫn.

1. Khó khăn khi xử lý hành vi sử dụng giấy tờ giả

 Điều 341 Bộ luật hình sự năm quy định 02 tội độc lập đó là tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Như vậy, hành vi khách quan trong cấu thành cơ bản của các tội này là hành vi “làm” hoặc hành vi “sử dụng”; chỉ cần người nào đủ năng lực trách nhiệm hình sự và có các hành vi khách quan nêu trên là có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 341 BLHS. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng người dân tự đặt mua trên mạng rồi sử dụng các giấy tờ giả như chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe, giấy khám sức khỏe, văn bằng, chứng chỉ… giả để lừa dối cơ quan, tổ chức vì mục đích cá nhân nhưng không được xem xét, xử lý. Đơn cử như hành vi đặt mua Giấy phép lái xe giả rồi sử dụng để xuất trình khi bị Cảnh sát giao thông kiểm tra. Trong trường hợp này, rõ ràng hành vi của người  dùng Giấy phép lái xe giả để lừa dối cơ quan công an đã thỏa mãn hành vi khách quan của tội “sử dụng tài liệu giả” theo quy định của Điều 341 BLHS và cần thiết phải xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hành vi sử dụng giấy tờ giả nêu trên chưa gây ra hậu quả, chưa gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức; mặt khác, hành vi này diễn ra tương đối phổ biến nên không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không thể xử lý một cách tràn lan. Đây là những vướng mắc cần sớm hướng dẫn để áp dụng thống nhất.  

2. Căn cứ để xác định số lượng con dấu, tài liệu giả là tình tiết định khung tăng nặng

Việc tính số lượng con dấu, tài liệu giả để xác định tình tiết định khung tăng nặng quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 341 BLHS cũng gặp khó khăn, vướng mắc. Thực tiễn đã xảy ra trường hợp: Thông qua mạng xã hội, A đã đặt làm giả 02 Bằng tốt nghiệp và 02 Bảng điểm của trường Đại học X mang tên mình và mang tên Nguyễn Thị L. Sau khi nhận được bằng và bảng điểm giả, A tiếp tục mang đến UBND phường để chứng thực “Sao y bản chính” đối với Bằng tốt nghiệp và Bảng điểm của mình, mỗi loại 02 bản (tổng cộng 04 bản) mục đích để làm hồ sơ dự thi tuyển công chức. Do không có thiết bị kiểm tra nên Chủ tịch UBND phường đã ký và đóng dấu chứng thực “sao đúng với bản chính” đối với Bằng tốt nghiệp và Bảng điểm của Nguyễn Văn A. Khi vụ án bị phát hiện, CQĐT đã thu giữ được 02 Bằng tốt nghiệp, 02 Bảng điểm giả (bản chính) và 02 bản sao Bằng tốt nghiệp, 02 bản sao Bảng điểm giả đều mang tên A đã được UBND phường chứng thực “sao đúng với bản chính”. Trong trường hợp này, có 02 quan điểm về việc tính số lượng tài liệu giả, cụ thể là:

Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Văn A đã chủ động liên hệ để làm tổng số 04 tài liệu giả (02 Bằng tốt nghiệp, 02 Bảng điểm của 02 người khác nhau), từ tài liệu giả nói trên, A tiếp tục đề nghị chứng thực để làm 04 tài liệu khác có nội dung giả mạo, mục đích làm hồ sơ dự thi tuyển công chức. Như vậy, tổng số tài liệu A đã làm giả là 08 tài liệu. Vì vậy, cần truy tố A theo điểm a khoản 3 Điều 341 Bộ luật hình sự (làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên). Quan điểm này dựa trên lập luận sau:

- Về bản chất, bản chính đã là tài liệu giả thì các bản tài liệu được sao từ bản chính đó nặc dù đã được cơ quan có thẩm quyền chứng thực “sao đúng với bản chính” thì vẫn phải coi là tài liệu giả (có nội dung giả tạo); Điều 341 BLHS chỉ quy định về số lượng giấy tờ, tài liệu giả, không quy định về loại giấy tờ, tài liệu giả nên các tài liệu được xác định lầ giả thì được cộng theo số học.

- Theo luật công chứng năm 2014 và thực tiễn cho thấy, các bản sao đã được chứng thực “sao đúng với bản chính” một cách hợp pháp thì có giá trị tương đương với bản chính, tài liệu gốc, có thể sử dụng để thay cho bản chính, tài liệu gốc; việc A trực tiếp đem bằng tốt nghiệp và bảng điểm giả đến UBND phường chứng thực “sao đúng với bản chính” với số lượng 04 bản cũng là hành vi làm giả tài liệu và A phải chịu trách nhiệm về số lượng tài liệu giả này.  

Quan điểm thứ hai: Nguyễn Văn A chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 04 tài liệu giả (02 bằng tốt nghiệp và 02 bảng điểm của trường Đại học X); đối với các bản tài liệu giả đã được UBND phường chứng thực “sao đúng với bản chính” thực chất được phô tô (sao) từ chính tài liệu giả do A đặt làm; về hình thức, nội dung là giống nhau, nó không được làm giả bằng các phương pháp thông thường. Do đó, áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì không coi đây là tài liệu để tính số lượng tài liệu giả.

3. Vướng mắc khi áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”

Cũng trong ví dụ nêu trên, sau khi A bị khởi tố về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; trong thời gian điều tra, A tiếp tục có hành vi đặt làm 04 Giấy khám sức khoẻ giả (các giấy khám sức khoẻ này đều chưa ghi thông tin của người khám cũng như kết quả khám) mục đích để bán lại kiếm lời; hành vi này của A bị bắt quả tang; CQĐT khởi tố đối với A về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo khoản 2 Điều 341 BLHS, đồng thời nhập 02 vụ án để điều tra chung. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử có quan điểm khác nhau về việc áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” đối với A.

Quan điểm thứ nhất: Mặc dù A thực hiện 02 lần phạm tội độc lập nhưng do A bị khởi tố, truy tố, xét xử cùng một lần, số lượng tài liệu giả đã được cộng lại để xác định tình tiết định khung tăng nặng theo điểm a khoản 3 Điều 341 BLHS (theo quan điểm này số lượng tài liệu giả của A được xác định là 08 tài liệu, không tính số bản sao tài liệu giả đã được chứng thực). Do vậy, A không phải chịu tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên”. 

Quan điểm thứ hai: A thực hiện 02 lần phạm tội độc lập, các lần này đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn thời hiệu nên cần truy tố A theo điểm a khoản 3 Điều 341 BLHS, ngoài ra A còn phải chịu tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” theo điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS (kể cả trường hợp chỉ kết luận A làm giả 08 tài liệu). Quan điểm này lập luận dựa trên các văn bản hướng dẫn áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 02 lần trở lên” đối với các tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm về ma tuý như Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của HĐTP TANDTC; Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT ngày 24/12/2007 của Bộ công an, VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Tư pháp; Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao”.

Trong trường hợp nêu trên, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai. Mong nhận được ý kiến phản hồi của đồng nghiệp./. 

Nguyễn Minh Nguyệt– VKSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,411,927
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.142.98.60

    Thư viện ảnh