.

Thứ năm, 25/04/2024 -22:14 PM

Trao đổi quan điểm về áp dụng pháp luật khi xử lý hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy

 | 

Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó nhóm tội phạm về ma túy được quy định tại Chương XX bao gồm 13 Điều luật, từ Điều 247 đến Điều 259. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành đối với một số tội về ma túy, nên việc xử lý còn có vướng mắc giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng.

Thực tiễn hiện nay xảy ra rất nhiều vụ việc các nhóm đối tượng thuê phòng trọ, nhà nghỉ, khách sạn, phòng hát Karaoke… để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, hoặc người nghiện ma túy sử dụng địa điểm thuộc quyền quản lý của mình để cùng với những người nghiện ma túy khác sử dụng ma túy,… tuy nhiên, việc xử lý đối với các trường hợp này còn có những quan điểm khác nhau. Ví dụ như trường hợp sau đây:

Ví dụ: A rủ B, C đi hát karaoke nhân ngày sinh nhật mình, trong quá trình hát A bỏ ma túy ra bàn và bảo “ai chơi thì chơi” (B, C không biết A mang theo ma túy), sau đó cả A, B, C cùng sử dụng ma túy; được một lúc thì D đến và nhìn thấy mọi người đang sử dụng ma túy nên cũng tự vào sử dụng cùng. Khi cả 4 người đang sử dụng ma túy thì bị bắt quả tang. A, B, C, D đều là người nghiện ma túy.

* Quan điểm thứ nhấtA không phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 255 BLHS vì:

 Theo hướng dẫn tại điểm a, tiết 6.2 mục 6, phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT- BCA- VKSNDTC- TANDTC- BTP ngày 24/12/2007 (Thông tư số 17/2007) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 thì:

 “a) Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy”. 

Như vậy, trong trường hợp này cả 04 đối tượng tập trung sử dụng trái phép chất ma túy là ngẫu nhiên, không có sự bàn bạc, thống nhất trước; vì các đối tượng đều là người nghiện ma túy nên A không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.

* Quan điểm thứ haiA phạm tội tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” vì:

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 154- Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 quy định về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật thì: “4. Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Như vậy, kể từ ngày 01/01/2018 thì BLHS năm 1999 hết hiệu lực thi hành, vì vậy tất cả các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết thi hành nhóm tội phạm về ma túy của BLHS năm 1999 nói chung, tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng cũng sẽ đương nhiên hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018, vì vậy không được viện dẫn văn bản này làm căn cứ để xác định hành vi A có phạm tội hay không.

Căn cứ hướng dẫn tại mục 8.2, phần II. Giải đáp vướng mắc trong giải quyết các vụ án về tội phạm ma túy trong Tập giải đáp vướng mắc về pháp luật của Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học VKSND tối cao thì: “…bất kể người nào đủ năng lực trách nhiệm hình sự có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đều là chủ thể của tội phạm, không loại trừ trường hợp đó là người nghiện ma túy…”.  

Mặt khác theo hướng dẫn tại mục 7, phần I, Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/08/2021 về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử của Tòa án nhân dân tối cao thì có dẫn chứng ví dụ tương tự và giải đáp đó là: 

… Theo Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30-6-2020 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp nghiệp vụ thì: "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ... để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy”.

Trong trường hợp này, A là người cung cấp ma túy cho B, C, D để họ thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy. Hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự.”

Trong trường hợp này A đã có hành vi cung cấp chất ma túy để cho B, C, D cùng sử dụng, do vậy A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức sử dụng chất ma túy” theo quy định tại Điều 255 Bộ luật hình sự. 

Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ đến thời điểm này, chưa có văn nào thay thế Thông tư liên tịch số 17/2007 và thực tiễn các cơ quan tiến hành tố tụng cả Trung ương và địa phương hiện nay vẫn đang áp dụng thực hiện một số nội dung theo tinh thần hướng dẫn của Thông tư này để xử lý tội phạm về ma túy, trừ những nội dung trái với quy định của Bộ luật hình sự hoặc các nội dung đã bị các văn bản quy phạm pháp luật khác bãi bỏ, sửa đổi. So sánh nội dung quy định tại Điều 255 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với Điều 197 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” thì vẫn tương tự nhau và nội dung hướng dẫn tại điểm a, tiết 6.2 mục 6, phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 chưa có văn bản nào bãi bỏ, sửa đổi; do vậy theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì cần vận dụng tinh thần hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007 như đã viện dẫn ở trên.

Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi, rất mong đồng nghiệp cùng trao đổi./.

                                         Ngô Văn Tuấn- VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,759,109
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.225.149.32

    Thư viện ảnh