ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 24/11/2024 -13:59 PM

Một số vướng mắc về việc áp dụng pháp luật trong giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

 | 

Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, điều chỉnh vi phạm của người có nồng độ cồn trong cơ thể khi tham gia giao thông. Tuy nhiên việc áp dụng còn nảy sinh một số vướng mắc khi giải quyết các vụ án hình sự “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", quy định tại Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể:

Tại điểm b Khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định “b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng”.

Trước khi Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thì các Cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008: “8. Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.”. Do vậy người điều khiển ô tô, xe mô tô, xe máy tham gia giao thông có nồng độ cồn trên 50mg/100ml máu hoặc trên 0,25 mg/1lít khí thở gây tai nạn giao thông phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự.

Mặt khác, tại Khoản 2 Điểu 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIX của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự an toàn giao thông quy định: 

“2. Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự được hiểu là một trong những trường hợp sau đây:

a) Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc đang trong tình trạng say do sử dụng các chất mà sau khi sử dụng có biểu hiện say như người sử dụng ma túy, rượu, bia;

b) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;

c) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.”

Tuy nhiên, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Khoản 6 Điều 5 Luật phòng chống tác hại của rượu, bia quy định về các hành vi bị nghiêm cấm: 6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.”

Khoản 1 Điều 35 Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Quy định về sửa đổi, bổ sung quy định của một số luật khác:

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau:

“8. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

 Như vậy, từ thời điểm này tất cả những người có nồng độ cồn trong máu hoặctrong hơi thở điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà gây tai nạn thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS.

Trên thực tế mỗi địa phương có quan điểm xử lý đối với tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” khác nhau. Ví dụ:Hoàng Văn T có giấy phép lái xe hạng A1 theo quy định, ngày 08/8/2020, T điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 98B3-663.09 do vi phạm quy tắc an toàn giao thông nên xe mô tô do T điều khiển đâm vào bà Lê Thị C đang đi bộ sang đường. Hậu quả bà C bị tử vong. Thời điểm T điều khiển xe mô tô gây tai nạn cho bà C, trong hơi thở có nồng độ cồn là: 0,081 mg/1 khí thở. Đối với vụ việc trên, có 02 quan điểm giải quyết khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Căn cứ quy định tại Khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ và Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC, ngày 28 tháng 8 năm 2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, xử lý Hoàng VănT về tội: Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tạiđiểm a Khoản 1 Điều 260 Bộ luật hình sự.

Quan điểm thứ hai: Căn cứ Khoản 6 Điều 5; Khoản 1 Điều 35 Luật phòng chống tác hại của rượu, bia quy định về Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, xử lý Hoàng Văn T về tội: Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự.

Trên đây là một số vướng mắc trongthực tiễn áp dụng tình tiết “Trong tình trạng có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định” đối vớitội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Rất mong nhận được những ý kiến phản hồi của các quý vị độc giả./.

Đào Duy ĐôngVKSND huyện Lục Ngạn

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,440,663
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.128.171.192

    Thư viện ảnh