ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -11:38 AM

Khe hở của pháp luật cần được khắc phục

 | 

Pháp luật là công cụ không thể thiếu trong quá trình quản lý xã hội để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội theo chủ ý của nhà quản lý; đề ra các chế tài tương ứng khi có vi phạm xảy ra hoặc dự liệu các tình huống phát sinh trong đời sống xã hội để định hướng chúng đi theo quỹ đạo đã định trước. Tuy nhiên, trên thực tế, nhà làm luật không thể dự liệu hết các trường hợp cần pháp luật điều chỉnh khi nó phát sinh. Thông qua hoạt động thực hiện chức năng, xin nêu một vụ việc mà việc giải quyết còn có vướng mắc. 

1. Tóm tắt nội dung và quá trình giải quyết vụ việc

Ngày 30/9/2010, doanh nghiệp tư nhân Ánh Hồng (Công ty Ánh Hồng) do bà Nguyễn Thị Hồng là chủ doanh nghiệp có địa chỉ tại Lô 09, Cụm công nghiệp Thọ Xương, thành phố Bắc Giang có ký Hợp đồng tín dụng với Agribank Chi nhánh Khu công nghiệp Đình Trám (Ngân hàng) để vay 09 tỷ đồng; tài sản thế chấp là toàn bộ nhà xưởng trên diện tích đất do Công ty Ánh Hồng thuê tại Lô 09, Cụm công nghiệp Thọ Xương có giá trị hơn 13 tỷ đồng. Quá trình thực hiện Hợp đồng, Công ty Ánh Hồng vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

Bản án kinh doanh thương mại số 03/2014/KDTM-ST Ngày 17/4/2014 của Tòa án nhân nhân thành phố Bắc Giang buộc Công ty Ánh Hồng do bà Nguyễn Thị Hồng làm đại diện có trách nhiệm trả cho Ngân hàng số tiền hơn 13 tỷ đồng. Bản án không bị kháng cáo, kháng nghị và có hiệu lực pháp luật.

Ngày 06/6/2014, Chi cục THADS thành phố ban hành quyết định thi hành bản án nói trên. Quá trình thi hành án, qua 07 lần đấu giá không thành, ngày 27/9/2016, Ngân hàng có đơn xin nhận quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản trên đất thuộc lô 09 của Công ty Ánh Hồng để đối trừ nghĩa vụ thi hành án.

Ngày 16/11/2016, Chi cục THADS thành phố Bắc Giang ban hành quyết định về việc cưỡng chế giao tài sản. Theo đó, giao toàn bộ tài sản, công trình xây dựng gắn liền với thửa đất Lô số 09 nói trên cho Ngân hàng. Ngày 16/12/2016, Chi cục THADS thành phố lập biên bản giao toàn bộ tài sản trên cho Ngân hàng và kể từ đó, Ngân hàng có trách nhiệm đối với toàn bộ tài sản đã nhận.

Sau khi nhận tài sản, ngày 20/12/2016, Ngân hàng ký hợp đồng bảo vệ toàn bộ tài sản nói trên với Công ty Cổ phần dịch vụ bảo vệ Hà Nội – Việt Nam. Kể từ đó, Công ty Ánh Hồng đã nhiều lần có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng đều được Viện KSND tối cao, TAND tối cao trả lời không có căn cứ để kháng nghị.

Khoảng 15 giờ ngày 06/6/2019, lợi dụng sơ hở của lực lượng bảo vệ, bà Nguyễn Thị Hồng đã tự ý dùng kìm công lực cắt phá cửa cuốn nhà xưởng đã giao cho Ngân hàng để vào bên trong và cũng kể từ đó đến nay bà Hồng sử dụng diện tích nhà xưởng này để ở và kinh doanh. Phía Ngân hàng, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng đã nhiều lần vận động, giải thích, lập biên bản yêu cầu nhưng bà Hồng không trả lại tài sản cho Ngân hàng.

Vụ việc trên được Cơ quan Cảnh sát điều tra tra Công an thành phố thụ lý theo trình tự tố tụng hình sự. Ngày 20/01/2020, xét thấy không đủ căn cứ khởi tố đối với Nguyễn Thị Hồng, Cơ quan điều tra Công an thành phố ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Ngày 22/4/2020, Trưởng Công an thành phố có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 85/QĐXP đối với Nguyễn Thị Hồng, mức phạt 3.500.000đ căn cứ điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013 của Chính phủ; căn cứ điểm a khoản 1 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, buộc bà Nguyễn Thị Hồng phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả khôi phục lại tình trạng ban đầu như trước khi vi phạm (di chuyển tài sản cá nhân ra khỏi Lô 09, thay thế cửa cuốn đã bị phá hủy). Thời hạn khắc phục hậu quả là 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định. Sau khi nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nói trên, bà Hồng có đơn khiếu nại toàn bộ Quyết định.

Ngày 19/6/2020, Trưởng Công an thành phố Bắc Giang ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu) số 1023/QĐ-CATP, không chấp nhận nội dung khiếu nại, giữ nguyên Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 85/QĐXP. Không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu), bà Hồng có đơn khiếu nại tiếp gửi Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang.

Ngày 21/7/2020, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang có quyết định thành lập Tổ xác minh, giải quyết đối với đơn khiếu nại của bà Hồng; quyết định thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại do đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh là Chủ tịch Hội đồng.

Ngày 15/10/2020, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định số 311/QĐ-CAT-TT về việc giải quyết khiếu nại (lần 2) đối với Đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Hồng. Theo đó:

+ Không chấp nhận một phần nội dung khiếu nại, phần xử phạt tiền đối với bà Nguyễn Thị Hồng về hành vi “Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác”; giữ nguyên mức phạt 3.500.000đ áp dụng điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013.

+ Chấp nhận nội dung khiếu nại của bà Hồng đề nghị hủy bỏ phần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 85/QĐXP của Trưởng Công an thành phố. Yêu cầu Trưởng Công an thành phố ra quyết định hủy bỏ một phần Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 85 đối với bà Nguyễn Thị Hồng (hủy bỏ phần áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả).

Thực hiện Quyết định giải quyết khiếu nại (lần 2), ngày 17/12/2020, Trưởng Công an thành phố ban hành Quyết định số 180/QĐ-HBQĐXP hủy bỏ một phần Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 85 như yêu cầu của Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang.

Để đòi lại tài sản của mình, ngày 15/12/2020, Ngân hàng tiếp tục có đơn khởi kiện đối và bà Nguyễn Thị Hồng với yêu cầu: yêu cầu bà Hồng trả lại tài sản chiếm giữ trái phép, di dời tài sản cá nhân ra khỏi Lô số 09 Cụm công nghiệp Thọ Xương và bồi thường thiệt hại. Vụ việc đã được Tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang thụ lý theo thủ tục tố tụng dân sự.

2. Một số vấn đề có vướng mắc

Quá trình giải quyết vụ việc kể từ khi bà Hồng chiếm giữ trái phép tài sản của Ngân hàng có nhiều quan điểm khác nhau:

+ Đối với hành vi bà Hồng tự ý cắt phá cửa cuốn để chiếm giữ, sử dụng tài sản của Ngân hàng: Đa số đều cho rằng hành vi của Nguyễn Thị Hồng là hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản”. Tuy nhiên, căn cứ cấu thành cơ bản của Điều 176 Bộ luật hình sự lại không thỏa mãn hành vi khách quan nên Nguyễn Thị Hồng không phạm tội Chiếm giữ trái phép tài sản (Điều luật quy định 03 hành vi là “có  được tài sản do bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được”). Đối với hành vi cắt phá cửa cuốn (gây thiệt hại 10 triệu đồng) cũng không phạm tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản vì mục đích là chiếm giữ toàn bộ khu nhà xưởng, tài sản bị thiệt hại là chiếc cửa cuốn chỉ là một bộ phận của tài sản đối tượng muốn chiếm giữ trái phép (cùng đối tượng vi phạm). Các ý kiến khác cho rằng, Công an đã xác định hành vi của bà Hồng là “chiếm giữ trái phép tài sản” thì phải khởi tố hình sự vì đó là hành vi khách quan của tội này; còn hành vi cắt phá cửa cuốn là hành vi độc lập, chiếc cửa cuốn là một bộ phận độc lập của nhà xưởng mà bà Hồng chiếm giữ nên phải khởi tố về tội Hủy hoại tài sản.

+ Đối với Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng Công an thành phố: Quyết định giải quyết khiếu nại (lần 2) của Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang khẳng định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Nguyễn Thị Hồng là có căn cứ. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp này là không phù hợp với Điều 4 Luật xử lý vi phạm hành chính (Điều 4 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định) và Điều 15 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ (Điều 15 NĐ 167 không quy định biện pháp khắc phục hậu quả).

Như vậy, kể từ khi Ngân hàng có đơn khởi kiện, từ một vụ án kinh doanh thương mại, bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành xong thì dẫn đến vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự, nay lại là một vụ án dân sự; vụ việc đã kéo dài suốt bảy năm và có nguy cơ tiếp tục kéo dài nhiều năm nữa. Với Quyết định số 180 ngày 17/12/2020 của Trưởng Công an thành phố như trên, đồng nghĩa với việc “chấp nhận” cho hành vi vi phạm của bà Nguyễn Thị Hồng tiếp tục tồn tại (thực tế bà Hồng vẫn đang tiếp tục sử dụng, khai thác tài sản) trong khi quyền lợi hợp pháp của Ngân hàng đang bị xâm hại nghiêm trọng.

Theo quan điểm của tác giả, qua vụ việc trên có thể thấy việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền nếu xét ở góc độ nào đó thì đúng “quy trình”, bởi pháp luật đã quy định thì mọi người phải tuân theo. Nhưng, nếu xem xét vụ việc ở góc độ là một người dân thì lại thấy pháp luật có vẻ “bó tay” trong trường hợp cụ thể này. Rõ ràng tài sản của mình đang quản lý hợp pháp, bị người khác chiếm giữ bất hợp pháp nhưng lại không có biện pháp để lấy lại và buộc phải đứng nhìn vi phạm tiếp tục tồn tại theo thời gian. Hoàn toàn có căn cứ để đặt ra tình huống: nếu giả sử sau khi bản án dân sự có hiệu lực, cơ quan thi hành án đưa ra thi hành giao tài sản cho Ngân hàng rồi đối tượng tiếp tục gây khó khăn, khiếu nại hoặc có hành vi vi phạm tương tự thì vụ việc sẽ đi đến đâu?

Từ đó, tác giả xin kiến nghị một số nội dung sau:

+ Thứ nhất, xem xét, bổ sung các hành vi thuộc cấu thành cơ bản của tội Chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự. Với tình tiết vụ việc trên, ai cũng có thể thấy rằng đó là hành vi vi phạm pháp luật. Việc chuyển dịch tài sản của người khác thành tài sản của mình và sử dụng nó bất hợp pháp thông thường sẽ là hành vi “chiếm đoạt”, “chiếm giữ trái phép” hoặc “sử dụng trái phép”. Trong trường hợp cụ thể này, phải coi đó là hành vi chiếm giữ trái phép vì có được tài sản bất hợp pháp do thực hiện hành vi trái pháp luật và cố tình không trả lại khi chủ sở hữu, kể cả khi cơ quan có thẩm quyền đã xử phạt vi phạm và yêu cầu trả lại tài sản cho chủ sở hữu.

+ Thứ hai, xem xét, bổ sung tội không chấp hành các quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong một số lĩnh vực (Bộ luật hình sự 2015 mới chỉ quy định tội Không chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính). Thực tế hiện nay, tình trạng “nhờn luật”, cố ý không thực hiện các quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ngày càng tăng. Trong vụ việc trên, rõ ràng, quyền lợi của bà Nguyễn Thị Hồng đã được giải quyết thỏa đáng, đúng pháp luật (trả lời không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm) nhưng vẫn cố tình không chấp hành, cố ý kéo dài vụ việc gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng.

+ Thứ ba, sửa đổi Nghị định 167/2013 ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội… theo hướng: các hành vi vi phạm hành chính mà gây ra hậu quả có thể khắc phục hậu quả được ngay thì phải quy định biện pháp này để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khi bị xâm phạm. Trong vụ việc trên, Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Hồng không thể giải quyết tận gốc vấn đề trong khi hoàn toàn có thể yêu cầu đối tượng vi phạm thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Mặt khác, trường hợp Công an thành phố không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định  tại khoản 2 Điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012./.

Nguyễn Trường Thọ- Viện KSND TP Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,415,767
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.116.195

    Thư viện ảnh