.

Thứ ba, 23/04/2024 -14:28 PM

Bài học kinh nghiệm trong quá trình phối hợp giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em

 | 

Trong những năm qua, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Bắc Giang diễn biến phức tạp trong đó xảy ra nhiều vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm.

Trong 2 năm 2019-2020, Viện kiểm sát 2 cấp đã truy tố tổng số 32 vụ/32 bị can về các tội xâm phạm tình dục trẻ em. Trong đó tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi là 11 vụ/11 bị can; tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi là 9 vụ/9 bị can; tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi là 10 vụ/10 bị can.

Điển hình là một số vụ án sau: Vụ Ngô Văn Hào, sinh năm 1953 ở thôn Đa Hậu, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang bị xử phạt 20 năm tù; vụ Dương Văn Bình, sinh năm 1978 ở thôn Giá, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng bị xử phạt 20 năm tù; vụ Cao Văn Trường, sinh năm 1979 trú tại thôn Gia Bình, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang bị xử phạt 16 năm tù (đều về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi).

Viện kiểm sát hai cấp đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra và Tòa án giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em đảm bảo đúng quy định của pháp luật; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm và xử lý nhanh chóng, kịp thời, nghiêm minh.

Đạt được kết quả nêu trên là do nhiều nguyên nhân trong đó có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Từ thực tiễn giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua, chúng tôi rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng như sau:

Trước hết, Viện kiểm sát 2 cấp cần nhận thức đúng và đầy đủ trách nhiệm của Viện kiểm sát là phải chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em để giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật; phải xác định ngay từ đầu đây là những vụ án có tính chất phức tạp, được dư luận quan tâm và tính chất đặc thù khi giải quyết những vụ án này đó là có thể không thu giữ được chứng cứ vật chất và đối tượng phạm tội thường có biểu hiện quanh co, chối tội gây khó khăn cho việc xử lý. Còn về phía gia đình người bị hại luôn tỏ ra bức xúc nếu Cơ quan điều tra không áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Cần phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em. VKS cấp huyện sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thì phải báo cáo ban đầu đến VKSND tỉnh để chỉ đạo.

Thứ hai, Lãnh đạo Viện kiểm sát và lãnh đạo Cơ quan điều tra phải sát sao trong việc hướng dẫn, chỉ đạo Điều tra viên, Kiểm sát viên phối hợp trong các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ ban đầu; thống nhất đánh giá về căn cứ để quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; nếu có căn cứ để bắt tạm giữ thì khẩn trương thực hiện, tránh việc đối tượng phạm tội thay đổi lời khai, tiêu hủy dấu vết, vật chứng gây khó khăn cho việc xử lý. Thực tiễn cho thấy nếu Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu thì giải quyết sẽ đạt kết quả và ra quyết định xử lý đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật.

Thứ ba, chú trọng công tác phối hợp khi khám nghiệm hiện trường. Cơ quan điều tra khi khám nghiệm hiện trường các vụ xâm hại tình dục trẻ em cần đề nghị Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Giang phân công cán bộ có chuyên môn tham gia khám nghiệm. Thực tiễn cho thấy tất cả các vụ án có cán bộ kỹ thuật hình sự tham gia thì cơ bản đều phát hiện, thu thập dấu vết phục vụ công tác giám định. Qua đó góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Thứ tư, trong quá trình khởi tố, điều tra phải tăng cường phối hợp trong việc điều tra thu thập, đánh giá chứng cứ nhất là những vụ án có vướng mắc, tranh chấp về xác định tội danh, về xác định số lần phạm tội để xác định thẩm quyền điều tra, xử lý vụ án. Kiểm sát viên phải tham gia trực tiếp các hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị hại và các hoạt động điều tra khác; kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự  và Thông tư liên tịch số 06 ngày 21/12/2018. Kiểm sát viên cần sớm ban hành yêu cầu điều tra và phải được lãnh đạo duyệt trước khi ban hành. Trước khi kết thúc điều tra, Kiểm sát viên phải chủ động phối hợp với Điều tra viên rà soát, tổng hợp, đánh giá chứng cứ, xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can. Trong giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên phải hỏi cung bị can; trường hợp cần thiết thì lấy thêm lời khai người bị hại để đảm bảo chứng cứ vững chắc khi quyết định truy tố; phải chuẩn bị kỹ lưỡng đề cương xét hỏi, tranh luận và chủ động xét hỏi bị cáo để làm rõ hành vi phạm tội và các tình tiết có ý nghĩa để giải quyết vụ án.

Thứ năm, mỗi đơn vị cần rút kinh nghiệm về những vụ án khi để xảy ra sai sót. Đó là bài học kinh nghiệm về thận trọng khi đánh giá chứng cứ trong những vụ án truy xét, có tính chất phức tạp và không có chứng cứ vật chất, đối tượng không nhận tội hoặc trường hợp bị can nhận tội trong quá trình điều tra nhưng đến khi truy tố, xét xử thì chối tội và cho rằng bị bức cung, nhục hình. Khi giải quyết vụ án này cần chú ý làm rõ những điểm mâu thuẫn trong lời khai của bị can và mối liên hệ giữa lời khai của bị can với các nguồn chứng cứ khác; tránh tình trạng đánh giá chứng cứ nặng về cảm tính, suy diễn chủ quan, áp đặt.

Khi thụ lý giải quyết những vụ án phức tạp, Kiểm sát viên phải tham gia tất cả các buổi hỏi cung bị can và lấy lời khai người bị hại. Sau mỗi lần lấy lời khai người bị hại thì Điều tra viên cần phải lấy lời khai người giám hộ về nội dung chứng kiến người bị hại khai để thể hiện tính tự nguyện, khách quan. Khi hỏi cung bị can thì phải ghi âm, ghi hình có âm thanh đầy đủ, đúng quy định. Nếu bị can khai có việc bức cung, mớm cung, nhục hình thì phải điều tra làm rõ.

Thứ sáu, VKSND tỉnh cần tiếp tục chú trọng công tác hướng dẫn, chỉ đạo cấp huyện trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em nhất là khó khăn, vướng mắc về đánh giá chứng cứ để xác định tội danh; về xác định tình tiết định khung phạm tội 2 lần trở lên. Từ đó có cơ sở truy tố, xét xử vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật./.

Nguyễn Đức Hà- Phòng 2, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,742,391
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.218.61.16

    Thư viện ảnh