Sau khi tác giả Nguyễn Thị Kim Oanh có bài viết “Sử dụng kết quả định giá tài sản nào để làm căn cứ xử lý” đăng trên trang tin điện tử của Ngành Kiểm sát Bắc Giang. Ban biên tập nhận được 03 ý kiến phản hồi như sau:
>>> Sử dụng kết quả định giá tài sản nào để làm căn cứ xử lý?
- Tác giả Trần Lệ Toàn – VKSND huyện Yên Thế đồng tình với quan điểm thứ hai vì:
Đối tượng tác động mà Trần Văn Đ nhằm vào là chiếc xe ô tô, trong đó lốp và săm là một trong các bộ phận của chiếc xe ô tô bị hư hỏng. Kết quả định giá tài sản: Chi phí thay thế mới 02 chiếc lốp xe và chi phí sữa chữa, khắc phục mặt ngoài của 02 chiếc săm ô tô, tổng cộng là 13.186.000 đồng, còn chi phí vá lại 02 chiếc lốp và 02 chiếc săm ô tô, tổng cộng là 1.342.000 đồng.
Như vậy, xác định thiệt hại thực tế xảy ra là lốp và săm bị thủng, chỉ cần thay thế, sửa chữa là vẫn sử dụng được mà không cần phải thay thế lốp, săm mới. Không có cơ sở để khẳng định sau khi vá lốp và săm ô tô thì khi xe di chuyển trọng tải xe đè lên đi một thời gian sẽ làm vỡ lốp xe, không đảm bảo an toàn kỹ thuật nên không thể sử dụng đượcnhư kết luận của Hội đồng định giá tài sản nêu. Đó chỉ là dự tính thiệt hại trong tương lai trong khi cần lấy kết quả thiệt hại thực tế tại thời điểm để xử lý hành vi của đối tượng.Với chi phívá lại 02 lốp và 02 săm, tổng cộng là 1.342.000 đồng thì hành vi của Trần Văn Đ không cấu thành tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản" theo quy định tại Điều 178 BLHS.
Để có căn cứ xử lý cần tiến hành định giá lại lần thứ hai để xác định: Trước khi chiếc lốp và săm xe ô tô bị đâm thủng, giá trị còn lại là bao nhiêu và sau khi bị đâm thủng giá trị còn lại là bao nhiêu? Ngoài ra có thể tiến hành làm việc với Trung tâm đăng kiểm để xác định: Chiếc lốp và săm bị thủng với vị trí, kích thước như vậy sau khi được vá lại thì có đảm bảo an toàn kỹ thuật hay không?
- Tác giả Vi Đăng Khoa – VKSND huyện Hiệp Hòa có quan điểm:
Căn cứ theo điểm b khoản 5 điều 27 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới thì “Đơn vị đăng kiểm phải Phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác đảm bảo an toàn giao thông, đánh giá tình trạng kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới.” Để xác định tình trạng kỹ thuật lốp trong trường hợp này thì phải làm việc với Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ để xác định tình trạng hoạt động của xe ô tô khi lốp xe có 02 vết thủng, đồng thời làm rõ trong trường hợp sửa chữa (vá lốp) thì có đảm bảo tiêu chuẩn để xe lưu hành hay phải thay thế lốp mới.
Nếu xác định với vết thủng mà xe vẫn hoạt động được bằng cách sửa chữa, khắc phục thì xác định hành vi của Đ là cố ý làm hư hỏng tài sản và cần tiến hành định giá theo phương án 1: Tínhchi phí sửa chữa và công sửa chữa của hai chiếc lốp cùng với săm xe bị thủng; bên cạnh đó cần định giá bổ sung giá trị chênh lệch của chiếc lốp trước khi bị thủng và sau khi bị thủng để xác định thiệt hại xảy ra (theo công thức giá trị thiệt hại bằng giá trị ban đầu trước khi lốp xe bị đâm thủng trừ đi giá trị còn lại của lốp xe sau khi đã sửa chữa, cộng với chi phí khắc phục, sửa chữa).
Nếu xác định với các vết thủng trên xe không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để lưu hành được thì xác định hành vi của Đ là cố ý làm hư hỏng tài sản cần tiến hành định giá theo phương án 2: Tínhgiá mua mới của sản phẩm cùng loại và công thay thế đối với hai chiếc lốp cùng với săm xe bị thủng.
- Tác giả Nguyễn Đức Cường – Phòng 2 có quan điểm:
Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng kết luận định giá tài sản trong tình huống nêu trên (thay mới hoặc sửa chữa khắc phục tài sản) là chưa đảm bảo vì đều không phản đúng thực tế giá trị tài sản tại thời điểm bị thiệt hại.
Cần yêu cầu định giá tài sản để xác định giá trị thực tế của 02 chiếc lốp và 02 chiếc săm xe ô tô tại thời điểm bị thiệt hại ngày 21/01/2020 để làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật./.
Ban biên tập