Sau khi đọc bài viết "Đình chỉ thi hành án đúng hay sai?" của tác giả Ong Văn Chúc - Viện KSND huyện Việt Yên đăng trên trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 17/02/2021; Tác giả đưa ra hai quan điểm và đồng tình với quan điểm thứ hai. Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất vì:
>>> Đình chỉ thi hành án đúng hay sai?
Việc thi hành án giữa: Người được thi hành án là bà Hoàng Thị H và người phải thi hành án là ông Thân Văn C do Chi cục thi hành án dân sự huyện V đang tổ chức thi hành án do vậy trước khi ra quyết định đình chỉ việc thi hành án theo điểm c khoản 1 Điều 51 Luật Thi hành án dân sự. Để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của bà H Chấp hành viên phải lập biên bản về việc thỏa thuận thi hành án với bà H để làm rõ ý chí, nguyện vọng của bà về việc đình chỉ thi hành án theo yêu cầu của ông C và biên bản về việc người được thi hành án yêu cầu đình chỉ thi hành án (trong việc thi hành án này chưa có biên bản làm việc của Chấp hành viên với bà H và bà H cũng không đề nghị đình chỉ thi hành án);
“Văn bản thỏa thuận” và “Giấy nhận tiền” mà ông C đã cung cấp là không hợp lệ vì: Người được thi hành án bà H và ông Thân Văn Q đều xác định ngày 16/9/2019, bà H chỉ nhận được số tiền 7.397.500 đồng của ông C, không phải số tiền 407.397.500 đồng. Bà H không chấp nhận nội dung “Văn bản thỏa thuận” và “Giấy nhận tiền” mà ông C đã cung cấp;
Việc chứng thực chữ ký của ông Thân Văn Q chủ tịch xã T không có mặt bà Hvà bà H cũng không có yêu cầu chứng thực chữ ký là không đúng theo quy định tại Điều 23 và khoản 2 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 của chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch:
Điều 23. Trách nhiệm của người yêu cầu chứng thực chữ ký và người thực hiện chứng thực chữ ký quy định:
1. Người yêu cầu chứng thực chữ ký phải chịu trách nhiệm về nội dung của giấy tờ, văn bản mà mình ký để yêu cầu chứng thực chữ ký; không được yêu cầu chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 và Khoản 4 Điều 25 của Nghị định này.
2. Người thực hiện chứng thực chịu trách nhiệm về tính xác thực về chữ ký của người yêu cầu chứng thực trong giấy tờ, văn bản.
Khoản 2 Điều 24. Thủ tục chứng thực chữ ký quy định
2. Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và việc chứng thực không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 25 của Nghị định này thì yêu cầu người yêu cầu chứng thực ký trước mặt và thực hiện chứng thực như sau: ...
Do đó, Chi cục Thi hành án dân sự huyện V không ra quyết định đình chỉ thi hành án theo yêu cầu của ông C là có căn cứ đúng quy định của pháp luật.
Vũ Đình Ước- Viện KSND huyện Yên Thế