BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH TƯ PHÁP TỈNH ỦY BẮC GIANG PHÁT ĐỘNG CUỘC THI TRỰC TUYẾN "TÌM HIỂU QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ LUẬT SƯ VÀ QUY TẮC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG" (TỪ NGÀY 01/8/2024 ĐẾN 31/8/2024). 

Chủ nhật, 25/08/2024 -07:55 AM

Bố mẹ vay tiền có buộc được con phải có nghĩa vụ liên đới trả nợ không?

 | 

Nguyên đơn ông Nguyễn Văn A trình bày: Ngày 01/01/2018 ông đã cho vợ chồng ông Nguyễn Văn B và bà Nguyễn Thị C vay 1.000.000.000đ; lãi suất 1%/tháng; thời hạn vay 01 năm. Ông B, bà C viết và ký giấy biên nhận vay tiền, ghi vay để giải quyết việc gia đình và để đảo sổ vay ngân hàng.  Đến hạn trả, ông A yêu cầu nhiều lần nhưng ông B, bà C không trả nợ cho ông.  Do ông B, bà C vay tiền phát triển kinh tế gia đình. Nên ông  khởi kiện yêu cầu ông B, bà C và anh Nguyễn Văn Đ (sinh năm 1995 – là con và sống cùng hộ khẩu với ông B, bà C)  phải cùng có trách nhiệm liên đới trả cho ông số tiền gốc đã vay và tiền lãi tính từ ngày vay đến ngày xét xử sơ thẩm với mức lãi suất 1%/tháng. Ông A giao nộp giấy biên nhận vay tiền và hợp đồng tín dụng năm 2017 ông A, bà B vay tiền của Ngân hàng để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình.

Bị đơn ông Nguyễn Văn B, bà Nguyễn Thị C trình bày: Ông bà thừa nhận đã vay tiền số tiền của ông A như ông A đã trình bày là đúng. Do làm ăn thua lỗ nên ông bà chưa có tiền để trả. Ông bà đồng ý chịu trách nhiệm trả nợ tiền gốc và lãi cho ông A. Việc ông bà vay tiền, kinh doanh làm ăn không liên quan đến anh Đ. Anh Đ sống cùng  nhà, cùng hộ khẩu với ông bà, nhưng anh Đ đi làm việc ở cơ quan Nhà nước. Tài sản nhà đất là của riêng ông bà. Anh Đ không có tài sản chung với ông bà. Ông bà không đồng ý việc ông A yêu cầu anh Đ phải có trách nhiệm trả tiền nợ cho ông A.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan anh Nguyễn Văn Đ trình bày: Anh không được biết, không được bàn bạc, không được vay, không được sử dụng số tiền bố mẹ anh vay của ông A. Anh không liên quan gì đến việc làm ăn của bố mẹ anh. Nên anh không đồng ý việc ông A yêu cầu anh trả tiền.

Với nội dung vụ án nêu trên, có hai quan điểm khác nhau về việc giải quyết việc ông A yêu cầu anh Đ phải có nghĩa vụ liên đới trả nợ:

Quan điểm thứ nhất: Giữa ông A với anh Đ không giao kết hợp đồng vay tài sản. Hộ gia đình ông B, bà C và anh Đ không có tài sản chung.  Anh Đ không được sử dụng tiền vay. Nên anh Đ không phải có trách nhiệm liên đới trả tiền cho ông A. Việc ông A khởi kiện yêu cầu anh Đ phải có trách nhiệm cùng ông B, bà C trả nợ là không có căn cứ, không đúng quy định tại Điều 101, 102, 103, 466, 470 Bộ luật dân sự.

Quan điểm thứ hai: Mặc dù anh Đ không ký nhận vay tiền của ông A. Nhưng tại thời điểm năm 2018 và đến khi ông A khởi kiện,  hộ gia đình ông B có ông B, bà C và anh Đ cùng chung sống, cùng nhà, cùng sổ hộ khẩu. Ông B, bà C vay tiền là để trả nợ Ngân hàng, sử dụng công việc chung trong gia đình, để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế chung trong gia đình, trong đó có quyền lợi của anh Đ. Nên căn cứ Điều 103, 288, 291 Bộ luật dân sự chấp nhận việc ông A khởi kiện yêu cầu anh Đ có nghĩa vụ liên đới trả nợ.

Trên đây là các ý kiến quan điểm khác về việc giải quyết vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, tôi xin nêu ra để cùng nghiên cứu, trao đổi, vận dụng trong công tác kiểm sát./.

Nguyễn Thị Tuyết- Phòng 9, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:29,074,421
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.89.105

    Thư viện ảnh