ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -11:52 AM

Bàn về việc xác định và xử lý số tiền gốc trong tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”

 | 

Tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 có nhiều thay đổi theo hướng cụ thể hơn trong cấu thành cơ bản. Tuy nhiên do hình thức vay, hình thức trả gốc, trả lãi, tính lãi… rất đa dạng, linh hoạt tùy thỏa thuận giữa người vay, người cho vay nên việc chứng minh các yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội này trên thực tế đang gặp khó khăn.

Hoạt động cho vay lãi nặng hiện nay có nhiều hình thức khác nhau nhưng phổ biến nhất là cho vay lãi theo ngày, vay lãi theo tháng, cho vay bằng hình thức “bốc bát họ”.… Đối với những món vay riêng lẻ, ngắn hạn, việc xác định số tiền gốc tương đối dễ dàng. Nhưng đối với những món vay chia làm nhiều đợt, cho vay theo hình thức “bốc bát họ”, cho vay lãi ngày, lãi tháng theo kiểu “lãi nhập gốc”, phạt nhập gốc thì việc xác định, chứng minh số tiền gốc rất khó khăn, phức tạp.

Hai yếu tố quan trọng để chứng minh tội phạm tại Điều 201 BLHS 2015 đó là mức lãi suất” và số tiền thu lợi bất chính. Sau khi BLHS 2015có hiệu lực pháp luật, quá trình áp dụng, các đơn vị, địa phương có nhiều cách hiểu khác nhau về cách tính “số tiền gốc”, “mức lãi suất”“số tiền thu lời bất chính” nêu trên. Tại mục 1, Công văn số 212/TANDTC- PC ngày 13/9/2019, Tòa án nhân dân tối cao giải đáp như sau:

“1. Vướng mắc về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự).

 Do đó, khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là số tiền lãi thu được sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay, nếu hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

 - …khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền mà người phạm tội thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay tiền, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy...) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

- ... Đối với khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định là phương tiện phạm tội, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.

Đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự, nhưng đây cũng là khoản tiền phát sinh từ tội phạm, đồng thời hoạt động cho vay lãi nặng thường gắn với các băng nhóm tội phạm. Do đó, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì Tòa án phải tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước khoản tiền này...”

Theo Công văn trên thì phương pháp tính mức lãi suất và số tiền thu lời bất chính đã tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, từ đó cũng đặt ra cho cơ quan tiến hành tố tụng 03 yêu cầu bắt buộc phải chứng minh thì mới xử lý được vụ án, đó là tính Số tiền gốc, Số tiền lãi tương ứng với lãi suất 20%Số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%(khoản tiền thu lợi bất chính). Cũng theo Công văn số 212 thì“…tiền lãi nặng trong vụ án này không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp”. Vì vậy, trong trường hợp không trưng cầu giám định, Cơ quan tiến hành tố tụng phải tự mình chứng minh từng khoản tiền nêu trên. Trong nhiều trường hợp, việc tính toán khoản tiền gốc còn gặp phải những vướng mắc, khó khăn nhất định. Cụ thể:

1. Về số tiền gốc trong hình thức cho vay bốc bát họ

Ví dụ 1: Ngày 02/9/2019, H cho anh T vay khoản tiền 10.000.000 đồng bằng hình thức “bốc bát họ”, kỳ hạn trả nợ 40 ngày, mỗi ngày anh T phải trả 250.000 đồng (tương đương 0,5%/1 ngày; 15%/1 tháng và 182,5%/1 năm, cao gấp 9,1 lần mức lãi suất tối đa BLDS quy định). Anh T ký vào sổ vay số tiền 10.000.000 đồng nhưng thực tế H chỉ đưa cho anh T 8.000.000 đồng. Anh T đã trả đủ cho H 10.000.000 đồng trong 40 ngày, H thu lợi 2.000.000 đồng.

Ví dụ 2: Ngày 02/9/2019, H cho anh T vay khoản tiền 10.000.000 đồng bằng hình thức “bốc bát họ”, kỳ hạn trả nợ 40 ngày, mỗi ngày anh T phải trả 250.000 đồng. Anh T ký vào sổ vay số tiền 10.000.000 đồng nhưng thực tế H chỉ đưa cho anh T 8.000.000 đồng. Anh T trả tiền cho H được 4 ngày là từ ngày 02/9/2019 đến 06/9/2019 (1.000.000 đồng), đến ngày 12/9/2019, anh T bảo H cho vay bát họ mới, H đồng ý kết thúc bát họ cũ, mở bát họ mới, H yêu cầu anh T ký sổ vay 10.000.000 đồng nhưng trên thực tế H chỉ đưa cho anh T số tiền 6.000.000 đồng (8.000.000 đồng của bát họ mới - số tiền chưa trả của bát họ cũ từ 07/9/2019 đến 12/9/2019 là 6 ngày =1.500.000 đồng). Anh T đã trả đủ cho H 10.000.000 đồng theo bát họ mới, H thu lợi của cả 2 bát họ là 2.500.000 đồng.

Đối với các ví dụ trên đây, có ý kiến cho rằng cần tính số tiền gốc là tiền thực tế H đưa cho T sử dụng (ở ví dụ 1 là 8.000.000 đồng, ở ví dụ 2 là 14.000.000 đồng). Theo quan điểm của tác giả, cần tính số tiền gốc là tiền H và T thỏa thuận vay, ký sổ với nhau (ở ví dụ 1 là 10.000.000 đồng, ở ví dụ 2 là 20.000.000 đồng). Bởi lẽ, những yếu tố cấu thành khoản vay như lãi suất, kỳ hạn, trả lãi đều dựa trên số tiền gốc là 10.000.000 đồng mà các bên giao kết.

2. Về số tiền gốc trong hình thức vay lãi nhập gốc

Ví dụ 3: Ngày 02/8/2019, chị Đ vay của N.V. L số tiền 50.000.000 đồng theo hình thức vay lãi tháng (hạn trả gốc là 10 tháng), mỗi tháng trả lãi 5.000.000 đồng (tương ứng với lãi suất 10%/1 tháng, 120%/1 năm, cao gấp 6 lần lãi suất tối đa BLDS quy định), nếu không trả đủ lãi thì tiền lãi sẽ nhập gốc lần vay mới. Tháng 9/2019, chị Đ trả đủ 5.000.000 đồng nhưng tháng 10/2019 chỉ trả được 3.000.000 đồng, tháng 11/2019 trả được 2.000.000 đồng, những tháng sau đó không trả được lãi. Ngày 02/01/2020, chị Đ đến hỏi vay tiếp số tiền 30.000.000 đồng, L nhập gốc tiền lãi mà chị Đ chưa trả là 15.000.000 đồng, chị Đ ký giấy vay số tiền 95.000.000 đồng nhưng thực tế chỉ được nhận thêm 30.000.000 đồng. Sau đó, chị Đ không trả được khoản tiền lãi nào nữa. Đến ngày 02/7/2020, L yêu cầu chị Đ phải ký nhận khoản vay mới ghi trên giấy 152.000.000 đồng gồm nợ nợ cũ 95.000.000 đồng + 57.000.000 đồng tiền lãi. Khi L bị bắt, Cơ quan điều tra chỉ thu được của L hợp đồng lập ngày 02/7/2020 với số tiền vay là 152.000.000 đồng còn những lần vay trước không thu được giấy tờ gì do mỗi lần vay mới, L đều hủy giấy cũ.

Trong trường hợp trên, có ý kiến cho rằng khi thỏa thuận vay lãi nhập gốc thì cần xác định tổng số tiền gốc gồm 50.000.000 đồng ban đầu + 30.000.000 đồng thêm + số tiền lãi trong giới hạn lãi suất 20% của số tiền 50.000.000 đồng (lãi tính đến ngày 02/01/2020). Theo quan điểm của tác giả, cần tính số tiền gốc chỉ là 80.000.000 đồng, không tính số tiền lãi trong giới hạn lãi suất 20%. Tức là trong mọi trường hợp vay lãi ngày, lãi tháng thì chỉ tính tiền gốc trên số tiền người vay thực nhận.

3. Về việc tuyên tịch thu số tiền gốc

Công văn số 212/TANDTC- PC của Tòa án nhân dân tối cao chỉ hướng dẫn chung là “... Đối với khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định là phương tiện phạm tội, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước” mà không nêu rõ Tòa án tuyên tịch thu của ai. Theo mục 2 công văn số 4688/VKSTC- V14 ngày 09/10/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì: “2.1. Về xử lý khoản tiền gốc và lãi tương ứng với mức lãi suất năm 20%/năm: Tiền gốc là phương tiện phạm tội nên cần phải tịch thu sung vào ngân sách nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 BLHS. Trường hợp người vay chưa trả tiền gốc thì buộc người vay phải nộp để sung vào ngân sách nhà nước”. Như vậy, đến khi Tòa án xét xử, khoản tiền gốc đang do ai quản lý thì Tòa án tuyên người đó phải giao nộp để tịch thu sung quỹ nhà nước, tức là nếu người vay đã trả gốc cho bị cáo thì tịch thu của bị cáo sung quỹ nhà nước, nếu người vay chưa trả thì tuyên người vay nộp sung quỹ nhà nước. Thực tiễn nhiều trường hợp người vay không chứng minh được số tiền gốc đã trả, người cho vay lại có khuynh hướng cho rằng người vay chưa trả gốc, hoặc có trả thì đó là tiền lãi không phải tiền gốc… . Tức là việc chứng minh số tiền gốc đã khó nhưng chứng minh số tiền gốc đó đang ở đâu còn khó khăn hơn. Khi đó, người vay giống như chị L ở Ví dụ 3 đã là nạn nhân của việc cho vay lãi nặng sẽ có thể phải đối mặt với hậu quả pháp lý rất nặng nề khi không giao nộp số tiền gốc cho Nhà nước.  

Quan điểm của tác giả cho rằng cần xem xét lại quan điểm coi số tiền gốc là “công cụ, phương tiện” phạm tội, bởi lẽ, có mâu thuẫn trong nội tại Công văn số 212 vì khoản lãi trong giới hạn lãi suất 20% phát sinh từ “công cụ, phương tiện” đó không bị tính để xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Trường hợp phải truy thu số tiền gốc thì do số tiền đó không phải là vật đặc định nên chủ sở hữu “công cụ, phương tiện” đó (người cho vay) phải giao nộp, không phụ thuộc vào số tiền gốc đó đang ở đâu./.

Nguyễn Văn Đông- VKSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,415,876
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.135.184.195

    Thư viện ảnh