ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 15/01/2025 -14:14 PM

Một số dạng vi phạm Tòa án thường mắc phải khi giải quyết việc nộp tiền tạm ứng án phí, án phí dân sự và chi phí tố tụng

 | 

Tại khoản 2 Điều 70; Điều 146, Điều 147 Bộ LTTDS đã quy định đương sự có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Trong đó có quy định cụ thể về các trường hợp phải nộp tiền tạm ứng  án phí, án phí, các trường hợp được miễn, giảm án phí.

Thông qua việc tổng hợp tất cả các bản án, quyết định giải quyết án dân sự của Tòa án cấp huyện bị Tòa án nhân dân tỉnh B xử sửa, hủy trong năm 2019 thấy rằng còn nhiều Tòa án cấp huyện không thực hiện đúng các quy định viện dẫn nêu trên, có sai sót trong việc giải quyết nộp tiền tạm ứng án phí, án phí, chi phí tố tụng dẫn đến việc Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy, sửa án sơ thẩm. Cụ thể như sau:

1.Tòa án không yêu cầu đương sự nộp tiền tạm ứng án phí vẫn thụ lý, giải quyết:

Vụ chia tài sản sau ly hôn giữa nguyên đơn chị Thúy với bị đơn anh Bẩy: Tòa sơ thẩm đã thông báo về việc TLVA cho 11 NCQLNVLQ đã cho anh Bẩy vay tiền và thông báo cho họ nộp tiền tạm ứng án. Nhưng các đương sự này đều không nộp tiền tạm ứng án phí. Tòa sơ thẩm không hỏi rõ lý do họ không nộp tiền tạm ứng án phí để xem xét việc không nộp tạm ứng án phí có phải do trở ngại khách quan hay không? Trường hợp những người này không nộp (nếu không có lý do chính đáng) thì Tòa ra phải quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu này theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 Bộ LTTDS. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn chấp nhận yêu cầu của 06 đương sự và xác định đây là nợ riêng của anh Bẩy, buộc anh Bẩy trả nợ làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của anh Bẩy.

2.Tòa án buộc hoặc không buộc đương sự chịu án phí không đúng.

Vụ đòi QSDĐ và tài sản gắn liền với đất giữa nguyên đơn bà Lý với bị đơn ông Tiến: Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 thì đối với tranh chấp về đòi tài sản cho mượn, cho ở nhờ thì đương sự phải chịu án phí DSST như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch là 300.000đ. Nhưng Tòa án lại giải quyết buộc ông Tiến, bà Bộ, anh Tới, chị Khương, chị Khuê phải chịu 50.712.000đ án phí DSST là không đúng quy định của pháp luật, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Vụ tranh chấp HNGĐ giữa nguyên đơn chị Hiên với bị đơn anh Chúc: Số tiền án phí sơ thẩm chị Hiên, anh Chúc mỗi người phải chịu 19.004.000đ. Nhưng Tòa sơ thẩm chỉ buộc anh Chúc phải chịu 7.936.000 đồng; chị Hiên phải chịu 13.470.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm là không đúng; gây thất thu cho ngân sách nhà nước 16.602.000đ.

Vụ tranh chấp HNGĐ giữa anh Trung và chị Trang: Tòa sơ thẩm buộc chị Trang phải cấp dưỡng nuôi con cho anh Trung nhưng lại buộc anh Trung phải chịu án phí cấp dưỡng nuôi con là không đúng quy định tại điểm a khoản 6 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016. Các đương sự tranh chấp tài sản chung, Tòa án giải quyết phân chia tài sản nhưng lại không buộc hai người được chia tài sản phải chịu án phí đối với tài sản được chia là không đúng quy định tại điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.

Vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản; chuyển giao nghĩa vụ; thực hiện công việc không có ủy quyền giữa bà Thái và bà Bích: Người CQLNVLQ bà Hoa, ông Thơ đã thi hành án nộp tiền án phí 35.822.320đ. Sau đó bản án này đã bị hủy. Khi Tòa án sơ thẩm giải quyết lại vụ án, bà Thái rút yêu cầu đối với bà Hoa ông Thơ, Tòa án đình chỉ giải quyết nhưng lại không xem xét giải quyết trả lại số tiền án phí bà Hoa ông Thơ đã thi hành là không đúng.

Vụ án tranh chấp HNGĐ giữa ông Thùy và bà Ngọc: Tòa sơ thẩm không buộc nguyên đơn ông Thùy phải chịu án phí ly hôn là không đúng quy định tại khoản 4 Điều 147 Bộ LTTDS; khoản 8 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.

3. Tòa án miễn án phí không đúng hoặc không miễn án phí cho đương sự

Một số vụ án như vụ tranh chấp QSDĐ giữa ông Chiến và ông Vượng; vụ tranh chấp QSDĐ giữa bà Vui và bà Nguyên; vụ tranh chấp HĐTD giữa Ngân hàng và bà Hoa; vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa ông Long và ông Khai; vụ đòi QSDĐ, chia tài sản chung, thừa kế giữa bà Toàn và anh Quyến: Tòa sơ thẩm đều có vi phạm là không miễn án phí cho đương sự là người cao tuổi.Vụ án tranh chấp HNGĐ giữa bà Ninh và ông Trường Tòa sơ thẩm không miễn án phí cho đương sự là hộ nghèo là không đúng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.

Vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa bà Loan với bà Hoa: Chỉ có bà Hoa thuộc trường hợp được miễn án phí. Nhưng Tòa sơ thẩm lại miễn toàn bộ án phí cho cả vợ chồng bà Hoa là không đúng. Tòa phúc thẩm sửa án sơ thẩm buộc ông Ninh (chồng bà Hoa) phải chịu 26.250.000đ án phí DSST.

 4.Tòa án không giải quyết hoặc giải quyết chi phí tố tụng không đúng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu Tòa án đã thu của các đương sự tiền tạm ứng chi phí tố tụng (chi phí thẩm định, định giá, giám định) và đã chi phí thì khi giải quyết vụ án Tòa án phải giải quyết ai là người phải chịu chi phí này. Một số vụ án Tòa án có sai sót trong việc không giải quyết hoặc giải quyết người phải chịu chi phí tố tụng không đúng, là không giải quyết hết các vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án; không đúng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 266 BLTTDS như sau:

Vụ đòi QSDĐ và nhà ở giữa bà Lý và ông Tiến: Tòa án nhận định bà Lý phải chịu 2.000.000đ chi phí đo đất và định giá. Nhưng tại phần quyết định của bản án Tòa án không giải quyết ai là người phải chịu chi phí tố tụng, là không giải quyết hết các vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án, không đúng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 266 Bộ LTTDS.

Vụ yêu cầu tuyên bố văn bản di chúc không có hiệu lực giữa anh Lương và anh Thu: Tòa sơ thẩm không xem xét giải quyết chi phí giám định.

Vụ tranh chấp QSDĐ giữa bà Ưng và bà Lũy: Tòa sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, nhưng lại buộc nguyên đơn  chịu 1/2 chi phí định giá là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 157 Bộ LTTDS./.

Lương Thanh Hảo- Phòng 9, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,136,182
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.15.10.117

    Thư viện ảnh