.

Chủ nhật, 05/05/2024 -18:24 PM

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh kháng nghị phúc thẩm đối với bản án lao động

 | 

Trong những năm gần đây, án Tranh chấp về lao động mà Tòa án hai cấp tỉnh Bắc Giang thụ lý, giải quyết phát sinh rất ít. Nhưng khi giải quyết loại án này, Tòa án đã mắc phải vi phạm, thiết sót về trình tự thủ tục tố tụng, nội dung giải quyết. Viện kiểm sát cấp huyện chưa kiểm sát chặt chẽ để kịp thời yêu cầu Tòa án thu thập bổ sung tài liệu chứng cứ và ban hành kháng nghị dẫn đến việc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B phải kháng nghị phúc thẩm.

Bản án lao động sơ thẩm số 01/2019/LĐ-ST ngày 28/11/2019 của Toà án nhân dân huyện T, tỉnh B giải quyết vụ án “Đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động và yêu cầu truy nộp bảo hiểm xã hội” giữa: Đồng nguyên đơn là các ông Hoàng Thế L, ông Bùi Xuân T, ông Bùi Duy V với bị đơn là Ban quản lý Chợ M; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân huyện T; Bảo hiểm xã hội huyện T.

Đồng nguyên đơn đều trình bày: Ngày 19/12/2002 các ông ký hợp đồng lao động với Ban Quản lý Chợ M (viết tắt là BQL chợ M), với nội dung của hợp đồng “Trông giữ xe đạp và thu lệ phí chợ”, thời hạn hợp đồng là 03 tháng. Sau đó ký tiếp 3 tháng nữa thì không ký hợp đồng mà các ông tiếp tục làm đến ngày 30/8/2018 thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng không có quyết định, văn bản gì (lý do BQL chợ M không cần sử dụng lao động nữa). Quá trình thực hiện hợp đồng các bên thỏa thuận chế độ tiền lương tháng đầu tiên là 210.000 đồng/tháng, trả vào 15 đến 20 hàng tháng, lương có tăng dần lên cho đến tháng 8/2018 là 1.500.000 đồng/tháng. Trong quá trình làm việc, các ông chỉ được hưởng tiền công được ghi trong hợp đồng, ngoài ra được thêm 100.000 đồng/tháng tiền trực đêm và ngày, không được nghỉ ngày lễ mà chỉ được nghỉ 10 ngày lễ tết âm lịch.   

Các ông khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc BQL chợ M phải: Yêu cầu Toà án công nhận hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Buộc trả cho các ông tiền lương còn thiếu so với mức lương tối thiểu theo vùng trong thời gian các ông làm việc và tiền lãi của số lương chậm trả tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả nợ; Buộc BQL chợ M truy nộp tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng từ khi ký hợp đồng lao động; Buộc tiếp nhận các ông trở lại làm việc do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; Tại phiên tòa các ông bổ sung yêu cầu khởi kiện, tuyên các hợp đồng lao động ký giữa BQL chợ M với các ông vô hiệu về phần thỏa thuận bảo hiểm xã hội. Riêng ông Bùi Duy V thì đã tham gia bảo hiểm xã hội ở đơn vị khác và đến năm 2010 được hưởng chế độ hưu trí nên ông V không yêu cầu BQL chợ M truy nộp bảo hiểm xã hội cho ông mà yêu cầu phải trả cho ông các khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền nghỉ phép hàng năm theo mức lương hàng tháng.

Bị đơn là BQL chợ M trình bày:BQL chợ M được thành lập theo quyết định của UBND huyện T. BQL chợ M ký hợp đồng lao động với các ông L, ông T, ông V ngày 19/12/2002, ký 2 quý. Đến 30/6/2003 thì hai bên thỏa thuận bằng miệng là khoán công việc trông giữ xe đạp và thu phí vào chợ; khoán mức thu theo từng thời kỳ khác nhau; ngoài số tiền thu khoán, nếu các ông T, ông V, ông L mà thu được nhiều thì sẽ được hưởng số tiền chênh lệch. Do không có nhu cầu sử dụng lao động nên BQL chợ M cho các ông T, ông L, ông V nghỉ việc được thông báo tại cuộc họp ngày 30/8/2018 và cho nghỉ vào ngày 31/8/2018. Khi họp có ghi vào biên bản cuộc họp chứ không có quyết định thông báo cụ thể. Nay không đồng ý với các yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là UBND huyện T và Bảo hiểm xã hội T trình bày: BQL chợ M là đơn vị sự nghiệp có thu, tự trang trải và các chi phí hoạt động thường xuyên, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và tài khoản riêng tại Kho bạc nhà nước huyện. BQL chợ M có 01 Trưởng ban và 01 phó ban do Chủ tịch UBND huyện bổ nhiệm có thời hạn. Đối với việc tuyển dụng lao động và các hợp đồng khác thì do Trưởng BQL chợ M quyết định, ký hợp đồng trên cơ sở khối lượng, tính chất công việc và phương án thu chi hàng năm đã được phê duyệt. Nội dung hoạt động và mọi chế độ, chính sách đối với BQL chợ M, cán bộ, nhân viên được thực hiện theo quy định của nhà nước kể từ ngày 01/01/2004. Trưởng BQL quy định việc ký hợp đồng lao động, tuyển dụng lao động, các hợp đồng khác. Do vậy, các yêu cầu khởi kiện của ông L, ông T, ông V thuộc trách nhiệm của Trưởng BQL chợ M vàkhông thuộc đối tượng do Bảo hiểm xã hội huyện T quản lý.  

Với nội dung vụ án nêu trên, Bản án Lao động sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện T đã xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

Buộc BQL chợ M phải tiếp nhận các ông L, ông T, ông V trở lại làm việc; Công nhận hợp đồng lao động của nguyên đơn đã ký với BQL chợ M có thời gian làm việc từ ngày 01/01/2003 đến ngày 30/3/2003 và 01/4/2003 đến 30/6/2003 là hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Tuyên bố các hợp đồng lao động của các nguyên đơn đã ký với BQL chợ M có thời gian làm việc từ ngày 01/01/2003 đến ngày 30/3/2003 và 01/4/2003 đến 30/6/2003 vô hiệu về phần bảo hiểm xã hội; Buộc BQL chợ M làm thủ tục truy nộp tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đóng từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động năm 2003 cho ông L, ông T.

Đình chỉ yêu cầu của ông L, ông T, ông V yêu cầu buộc BQL chợ M phải trả tiền lương còn thiếu so với mức lương tối thiểu theo vùng trong thời gian các ông làm việc và tiền lãi của số lương chậm trả tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả nợ. Đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết lại vụ việc; Không chấp nhận yêu cầu của ông V buộc BQL Chợ M trả các khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền nghỉ phép hàng năm theo mức lương hàng tháng. Miễn án phí cho các nguyên đơn và buộc BQL chợ M phải chịu 300.000đ án phí lao động sơ thẩm.

Xem xét nội dung vụ án và việc giải của Tòa án nhân dân huyện T như đã nêu trên, thấy việc giải quyết có nhiều vi phạm như:

Vi phạm về việc giải quyết không hết yêu cầu khởi kiện của đương sự: Các nguyên đơn có yêu cầu giải quyết về “bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng từ khi ký hợp đồng lao động” nhưng Tòa án không xem xét, nhận định và giải quyết yêu cầu khởi kiện này là giải quyết chưa hết yêu cầu khởi kiện của đương sự, vi phạm khoản 1 Điều 5 Bộ luật TTDS năm 2015.

Vi phạm trong việc chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ đã giải quyết vụ án: Nguyên đơn và bị đơn chỉ cung cấp được chứng cứ là hợp đồng lao động  từ 01/01/2003 đến 30/3/2003; 01/4/2003 đến 30/6/2003 và hệ thống bảng lương hợp đồng năm 2018. Tòa án không thu thập chứng cứ xác định cụ thể BQL chợ M đã thanh toán trả lương cho các nguyên đơn từ năm 2003 như thế nào, số tiền phải nộp bảo hiểm xã hội là bao nhiêu đã xử buộc BQL chợ M làm thủ tục truy nộp tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đóng từ khi bắt đầu làm việc theo hợp đồng lao động năm 2003 cho ông L, ông T là chưa đủ căn cứ, không cụ thể rõ ràng, không thi hành án được.

Để đảm bảo giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự, Viện kiểm sát tỉnh B đã ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm, kháng nghị toàn bộ Bản án lao động sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện T. Đề nghị Toà án nhân dân tỉnh B giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, theo hướng Hủy toàn bộ bản án lao động sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung./.

Giáp Thị Thủy - Phòng 10, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,839,577
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:52.14.240.178

    Thư viện ảnh