ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -13:23 PM

Nguyên đơn đề nghị giải quyết vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, lại được Tòa án chấp nhận

 | 

Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự quy địnhđương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.

Khoản 1 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự quy định, Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.

Thông qua việc thực hiện kiểm sát việc giải quyết án dân sự của Tòa án, Viện KSND còn thấy có vụ việc Tòa án đã không thực hiện đúng theo nguyên tắc, quy định đã viện dẫn trên dẫn đến việc giải quyết sai vụ án, không đúng quy định của pháp luật và không đảm bảo quyền lợi của đương sự. Cụ thể như việc giải quyết vụ án “Tranh chấp kiện đòi tài sản” nêu sau đây:

Nguyên đơn anh Phạm Văn A trình bày, anh đã cho anh C vaysố tiền 1.200.000.000đ. Anh C đã viết giấy vay, ký nhận nợ. Hai bên thỏa thuận miệng khi nào cần đòi tiền báo thì bước 10 ngày. Anh A đã thông báo, yêu cầu nhiều lần nhưng anh C không trả . Tại đơn khởi kiện anh A đề nghị Tòa án giải quyết buộc anh C phải trả cho anh 1.200.000.000đ.

Tòa án đã ra văn bản thông báo thụ lý vụ án cho các đương sự biết về việc anh A khởi kiện đòi anh C tiền.

Bị đơn anh Phạm Văn C đã được Tòa án tống đạt các văn bản tố tụng, nhưng không có lời khai đối với yêu cầu khởi kiện của anh A.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Lý Thị T (vợ anh C) trình bày: Việc vay nợ giữa anh A với anh C chị không được biết vì không nghe  anh C nói. Chị không được tiêu tiền do anh C vay. Đến khi Tòa án thông báo việc anh A kiện đòi tiền ra Tòa án chị mới biết. Việc anh A kiện đòi tiền chị không đồng ý trả.

Tại phiên tòa anh A đề nghị Tòa án giải quyết buộc anh C và chị T (vợ anh C) phải trả cho anh 1.200.000.000đ tiền gốc.

Như vậy, theo đơn khởi kiện thì anh A chỉ yêu cầu anh C trả tiền; không yêu cầu chị T phải có trách nhiệm cùng anh C trả tiền. Tòa án chỉ thông báo thụ lý việc anh A đòi anh C trả tiền. Việc anh A bổ sung yêu cầu chị T trả tiền là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Nhưng Tòa án vẫn chấp nhận việc bổ sung yêu cầu này của anh A và giải quyết buộc chị T phải cùng với anh C trả tiền cho anh A và buộc chị T phải cùng anh C chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là giải quyết vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu của anh A, không đúng quy định tại Điều 5, khoản 1 Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chị T.

Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án, chị T đã có đơn kháng cáo và Viện kiểm sát đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không buộc chị T phải có trách nhiệm trả tiền cho anh A và chị T không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm./.

Lương Thanh Hảo- Phòng 9 Viện KSND tỉnh Bắc Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,417,436
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.227.49.73

    Thư viện ảnh