Thông qua nghiên cứu, tổng hợp các bản án, quyết định dân sự, hành chính phúc thẩm năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh B thấy rằng: Trong quá trình giải quyết một số vụ án sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã có những vi phạm về trình tự thủ tục tố tụng, xác định sai, thiếu quan hệ pháp luật tranh chấp, không đưa đầy đủ người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (NCQLNVLQ) vào tham gia tố tụng, chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ, giải quyết nội dung vụ án không đúng quy định pháp luật, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự...dẫn đến việc Tòa án cấp phúc thẩm phải xử sửa, hủy án. Cụ thể như sau:
- Vi phạm trong việc xác định sai, thiếu quan hệ pháp luật tranh chấp
Khi thụ lý giải quyết án, Tòa án phải căn cứ việc đương sự yêu cầu giải quyết vấn đề gì để xác định quan hệ pháp luật tranh chấp (QHPL). Việc xác định đúng, đầy đủ QHPL tranh chấp có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định vụ việc có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; các tài liệu chứng cứ cần thu thập; xác định đương sự của vụ án; xác định căn cứ pháp luật cần áp dụng để giải quyết. Nếu xác định sai, thiếu QHPL tranh chấp dẫn đến việc giải quyết sai vụ án, như một số vụ án sau:
Trong vụ án giữa cụ T với ông Y (Thành phố B), các đương sự tranh chấp, yêu cầu Tòa án giải quyết rất nhiều mối quan hệ như tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ), hợp đồng vay tài sản, hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy quyết định cá biệt. Nhưng Tòa án chỉ xác định QHPL tranh chấp là "Tranh chấp QSDĐ" là xác định thiếu.
Vụ án giữa ông Đ với ông L (huyện H): QHPL các đương sự tranh chấp là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, nhưng Tòa án chỉ xác định là tranh chấp hợp đồng dân sự là không cụ thể.
Vụ án giữa ông M với cụ L (Thành phố B): QHPL các đương sự tranh chấp trong vụ án là “Chia tài sản chung của vợ chồng và chia thừa kế”, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xác định là “Chia thừa kế” là thiếu.
- Vi phạm trong việc không thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ
Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính thì trong trường hợp xét thấy chứng cứ có trong hồ sơ chưa đủ cơ sở để giải quyết thì Thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung chứng cứ.Trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ như: Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; trưng cầu giám định; quyết định định giá tài sản; xem xét, thẩm định tại chỗ; uỷ thác thu thập chứng cứ; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc...
Trường hợpToà án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án khi chưa thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, sẽ dẫn đến giải quyết vụ án sai pháp luật, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự, Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, phải hủy án sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm phải thu thập bổ sung để sửa án sơ thẩm. Cụ thể như một số vụ án sau:
Các vụ án hành chính người khởi kiện là ông S; ông K (huyện L) đều có vi phạm là: Người khởi kiện đề nghị Tòa án hủy một số quyết định hành chính, nhưng Tòa án không thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ về trình tự thủ tục ban hành các quyết định này; không xem xét nhận định tính hợp pháp của các quyết định khác có liên quan đã nhận định việc ban hành các quyết định này đúng quy định là không đủ cơ sở, không đúng quy định tại khoản 3 Điều 191, khoản 1 Điều 193 Luật TTHC.
Một số vụ án dân sự như vụ án tranh chấp hợp đồng thuê nhà giữa bà H với bà L (Thành phố B); vụ án tranh chấp hôn nhân gia đình giữa anh V với chị H ( huyện H): Các đương sự khai mâu thuẫn nhưng Tòa án không tiến hành đối chất; không thực hiện thủ tục thẩm định đối với từng loại tài sản; không xem xét tính hợp pháp của các hợp đồng thuê nhà giữa các bên đã ký kết...
Vụ án tranh chấp chia tài sản sau ly hôn giữa chị T với anh C (huyện L): Đương sự yêu cầu giải quyết phân chia tài sản là quyền sử dụng đất, nhưng Tòa án không xác minh làm rõ nguồn gốc diện tích đất các bên đương sự yêu cầu chia? lý do phần diện tích đất tăng lên so với diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hành hóa giữa Công ty T với ông C (huyện H): Các đương sự có lời khai mâu thuẫn nhau nhưng Tòa án không yêu cầu Công ty T cung cấp các Hóa đơn bán hàng, không tiến hành đối chất đã giải quyết vụ án là chưa đủ cơ sở.
- Vi phạm trong việc nhận định, đánh giá chứng cứ không đầy đủ, không khách quan; Phân chia tài sản chung không công bằng
Vụ án tranh chấp hôn nhân gia đình giữa anh L với chị N (huyện L): Anh L và chị N có tài sản chung trị giá 588.586.000đ. Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết phân chia cho anh L tài sản trị giá 438.586.000đ, chia cho chị N 150.000.000đ. Như vậy, Tòa án giải quyết chia chị N được hưởng phần tài sảnchỉ bằng ¼ giá trị tài sản chung,là không đảm bảo quyền lợi cho chị N, không đúng quy định tại Điều 59 Luật HNGĐ. Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, xử chia cho chị N tài sản trị giá 200.000.000đ.
Vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông T với ông M (thành phố B): Căn cứ tài liệu có trong hồ sơ xác định diện tích đất ông T tranh chấp có nguồn gốc là đất hộ ông T được giao, sử dụng; chưa bị thu hồi; không chuyển quyền sử dụng,chỉ cho bố mẹ ông T mượn; sau khi bố mẹ mất ông T đã để cho ông M (là em trai) tiếp tục sử dụng; việc cấp giấy CNQSDĐ đối với phần diện tích đất của ông T cho hộ ông M là không đúng quy định. Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại nhận định cho rằng, việc ông T khởi kiện là không có căn cứ và xử bác yêu cầu khởi kiện của ông T yêu cầu vợ chồng ông M trả 2.138,1m2 đất. Tòa án cấp phúc thẩm phải sửa án, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T.
Vụ tranh chấp chia tài sản chung sau ly hôn giữa ông S với bà N (huyện L): Khi Tòa án xét xử vụ án, một số tài sản có tổng giá trị là 11.721.000đ không còn. Tòa án sơ thẩm nhận định bà N vẫn đang quản lý tài sản và giải quyết giao cho bà N được hưởng giá trị những tài sản này, bà N phải trích chia bằng tiền cho ông S là không đúng.
- Vi phạm trong việc tuyên án không cụ thể, không rõ ràng, không có sơ đồ kèm theo bản án, gây khó khăn cho việc thi hành án
Khi giải quyết một số vụ án tranh chấp QSD đất, phân chia tài sản là quyền sử dụng đất, một số Tòa án không xác định cụ thể vị trí, kích thước các cạnh tiếp giáp, diện tích đất, ban hành bản án không có sơ đồ kèm theo hoặc sơ đồ không phù hợp với quyết định của bản án là tuyên án không cụ thể, không rõ ràng, sẽ gây khó khăn cho việc thi hành án sau này, Tòa án cấp phúc thẩm phải hủy án, sửa án. Như các vụ tranh chấp QSDĐ giữa bà C với ông H (huyện L); giữa ông N với ông B (huyện H)...
Trên đây là một số lý do Tòa án cấp phúc thẩm xử sửa, hủy án dân sự, hành chính của Tòa án cấp sơ thẩm, tôi xin nêu lên để các đồng nghiệp cùng nghiên cứu, tham khảo và rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình và án hành chính./.
Nguyễn Thị Tuyết- Phòng 9