Giải quyết khiếu nại, tố cáo là một trong những chức năng của Viện KSND được quy định trong Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Giang trong những năm qua có chuyển biến tích cực; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn, thẩm quyền, góp phần ổn định tình hình trật tự trị an ở địa phương, đảm bảo quyền dân chủ của công dân đồng thời bảo vệ quyền và lợi tích hợp pháp của Nhà nước, các tổ chức xã hội và của công dân; hạn chế được đơn thư khiếu nại, tố cáo nhiều lần, vượt cấp.
Tại điểm d, khoản 3, điều 13 của Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 ban hành Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quy định: “Trong trường hợp kết quả xác minh nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại còn khác nhau, thì phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tố chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ và phải được lập biên bản; kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại”. Thực hiện quy định trên, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Bắc Giang đã tăng cường biện pháp đối thoại với người khiếu nại, tố cáo; nghe họ trình bày quan điểm, ý kiến phản hồi để từ đó đối chiếu lại với các quy định của pháp luật và làm rõ nội dung khiếu nại, tố cáo; chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục người khiếu nại, tố cáo để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện. Thực tiễn cho thấy, phần lớn các vụ việc bị khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng quy định của pháp luật nhưng người dân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình chưa được giải quyết thỏa đáng nên tiếp tục khiếu nại, tố cáo kéo dài, vượt cấp. Người khiếu nại, tố cáo có thể không hiểu đầy đủ các quy định của pháp luật, hoặc do bức xúc nên không lường hết những tác hại, hay những lợi ích khác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi khiếu nại kéo dài, vượt cấp. Nhiều trường hợp khiếu kiện kéo dài, phức tạp chỉ vì người khiếu nại, tố cáo không có cơ hội để giãi bày những điều mà họ cho là oan ức. Vì vậy, người giải quyết khiếu nại, tố cáo phải nắm rõ nội dung khiếu nại, nguyên nhân, xem xét toàn diện các quy định của pháp luật, đưa ra các chứng cứ phản bác có căn cứ để người khiếu nại, tố cáo thấy thỏa mãn và thấy những vấn đề họ khiếu nại, tố cáo là không đúng. Qua đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, tố cáo; người giải quyết khiếu nại, tố cáo có thể tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật cho họ. Hơn nữa, do hiểu biết pháp luật còn hạn chế, người khiếu nại, tố cáo trình bày nội dung đơn còn dàn trải, đề nghị giải quyết còn chung chung, không rõ ràng, cụ thể; thông qua việc tổ chức đối thoại, người giải quyết khiếu nại, tố cáo xác định được rõ hơn nội dung khiếu nại, các đề xuất, kiến nghị từ đó ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận tố cáo đảm bảo về trình tự, thủ tục, căn cứ áp dụng và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc cũng có trường hợp người khiếu nại tố cáo hiểu được các quy định của pháp luật và đã tự nguyện xin rút đơn khiếu nại, tố cáo.
Thanh tra Viện KSND tỉnh khi tiến hành thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đã thường xuyên, tích cực tổ chức đối thoại với người có đơn. Gần đây, đối với đơn của bà Phạm Thu H. trú tại thôn Đọ 2, xã Đại Hóa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang có nội dung: khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại số 129/QĐ-VKS-KT ngày 01/4/2016 của Viện KSND huyện Tân Yên. Sau khi nhận được đơn, Thanh tra Viện KSND tỉnh đã tiến hành đối thoại với bà H. về các nội dung bà khiếu nại. Từng vấn đề một tại buổi đối thoại trực tiếp đã được Cán bộ Thanh tra lắng nghe, ghi nhận và giải thích cặn kẽ theo quy định của pháp luật. Kết thúc buổi đối thoại, bà H. đã tự nguyện rút đơn khiếu nại và không đề nghị xem xét giải quyết nữa.
Hình ảnh đối thoại trong giải quyết khiếu nại, tố cáo
Bên cạnh đó, đối với đơn của ông Nguyễn Trọng G. trú tại tổ dân phố Châu Xuyên, phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Ông G. gửi rất nhiều đơn tố cáo Phó Chủ tịch UBND phường L, thành phố Bắc Giang có hành vi vi phạm pháp luật đến Viện KSND thành phố Bắc Giang và Viện KSND tỉnh Bắc Giang. Trong đơn, ông G. trình bày rất nhiều nội dung, các nội dung dàn trải, không rõ ràng; có nội dung tố cáo Phó chủ tịch UBND phường L, có nội dung tố cáo Viện trưởng Viện KSND thành phố Bắc Giang, có nội dung khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại số 02/QĐ-VKS-KT ngày 24/02/2016 của Viện KSND thành phố Bắc Giang. Sau khi có buổi đối thoại trực tiếp với ông G., Thanh tra Viện KSND tỉnh đã nắm bắt được những nội dung mà ông G. đề nghị, ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại có căn cứ và đúng quy định pháp luật. Ông G. nhất trí với Quyết định giải quyết của Viện KSND tỉnh.
Như vậy, đối thoại trực tiếp là một biện pháp quan trọng giúp cho công tác giải quyết, khiếu nại đạt được hiệu quả cao. Nếu áp dụng biện pháp đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, tố cáo một cách tích cực, thường xuyên, đồng bộ và khoa học thì có thể sẽ giảm thiểu tình trạng khiếu kiện tràn lan, kéo dài, đông người, vượt cấp và củng cố được niềm tin của nhân dân.
Nguyễn Hồng Hạnh- Thanh tra VKSND tỉnh Bắc Giang