Đứng trước vành móng ngựa là một người đàn ông khá nhiều tuổi, mái tóc hoa dâm, khuôn mặt đờ đẫn, hiện rõ sự mệt mỏi, ràu rĩ… đôi lúc ông lại xin phép Quý Tòa cho ông được ngồi… Khi Hội đồng xét xử cho ông được nói lời sau cùng, ông lấy tay áo chấm vội khóe mắt "Xin Hội đồng xét xử cho tôi được hưởng lượng khoan hồng, tôi đã già rồi… "
Nguyễn Văn Tính tên người đàn ông ấy, là Trưởng thôn Trong, xã Đ, huyện Y, tỉnh Bắc Giang thấy dân mình nghèo, ông Tính đã trăn trở, tìm cách để có thể xây dựng thôn mình được khang trang hơn… chỉ có điều cái cách mà ông Tính chọn làm lại vi phạm pháp luật nghiêm trọng… hành vi của ông gây thiệt hại cho nhà nước với số tiền gần 1 tỷ đồng, Hội đồng xét xử đã buộc ông Tính phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật - 10 năm tù giam về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”…
Năm 2008, thấy ngôi Chùa của thôn cũ nát, Trưởng thôn Nguyễn Văn Tính đã triệu tập cuộc họp với nhân dân trong thôn họp bàn kế hoạch xây dựng lại ngôi Chùa bằng nguồn vốn tài trợ, đóng góp, ủng hộ của nhân dân. Chi bộ thôn cũng đã nhất trí với chủ trương của Ban quản lý thôn do Tính đại diện tổ chức giao thầu số diện tích đất khu Cống để lấy kinh phí xây dựng và giao cho Ban quản lý thôn nghiên cứu, báo cáo UBND xã Đ trước khi thực hiện.
Thực hiện chủ trương ấy, ngày 19/8/2008, Tính đã tổ chức cuộc họp toàn dân để thông qua kế hoạch tạo vốn xây dựng Chùa bằng cách giao thầu lâu dài 735m2 đất công ích nằm trong thửa đất số 490, 491 do UBND xã Đ quản lý và được nhân dân nhất trí. Tính tự chia 735m2 đất khu Cống ra làm 04 lô và đưa ra đấu thầu. Ông Văn trúng thầu cả 04 lô đất với giá là 310.000.000 đồng và đã nộp đủ tiền cho thôn (có phiếu thu). Ngày 27/8/2008, Ban quản lý thôn do Tính đại diện đã ký “Biên bản giao thầu đất lâu dài” với ông Văn. Số tiền thu được Tính đã chỉ đạo kế toán và thủ quỹ của thôn làm thủ tục nhập vào quỹ thôn để đầu tư xây dựng Chùa, hỗ trợ nhà mầm non và chi cho hoạt động của thôn. Việc thu chi số tiền này đều được kế toán, thủ quỹ của thôn theo dõi trên sổ sách, chứng từ và báo cáo giải trình trước Chi bộ và nhân dân, không ai thắc mắc hay có ý kiến gì.
Sau khi nhận đất, ông Văn đã bán lại 04 lô đất đó cho ông Việt, ông Xuân, ông Hùng là người cùng thôn với giá 80.000.000 đồng/01 lô; bán 01 lô cho ông Phạm ở xã P với giá 90.000.000 đồng, tổng số tiền ông Văn thu được là 330.000.000 đồng. Sau đó ông Việt, ông Xuân, ông Hùng và ông Phạm đến gặp và đặt vấn đề với Tính để làm thủ tục mua bán đất, Tính đồng ý. Tính đã ký “Biên bản giao thầu đất lâu dài” cho từng người với số tiền ghi như đã ghi trên phiếu thu và biên bản giao đất của ông Việt, ông Xuân, ông Hùng là 75.000.000 đồng; ông Phạm là 85.000.000 đồng, nhưng thực tế Ban quản lý thôn không thu tiền của những người này mà mục đích là để thuận lợi cho việc sử dụng và làm cơ sở để đề nghị cấp có thẩm quyền làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau khi phát hiện sự việc, UBND xã Đ đã tiến hành làm việc với Chi bộ và Ban quản lý thôn xác định việc Tính giao thầu đất ở thôn Trong là trái thẩm quyền nên ngày 05/9/2008 UBND xã Đ đã ra thông báo về việc dừng giao thầu đất trái thẩm quyền của Ban quản lý thôn Trong. Ngày 24/11/2008, Chủ tịch UBND xã Đ đã ra Quyết định hủy biên bản giao thầu đất của Ban quản lý thôn, yêu cầu Ban quản lý thôn Trong phải làm thủ tục thanh lý Biên bản giao thầu đất diện tích 735m2, trả lại ông Văn số tiền 310.000.000 đồng và yêu cầu các bên phải khôi phục trả lại nguyên hiện trạng của khu đất vi phạm. Đồng thời có hình thức xử lý kỷ luật đối với Tính (cảnh cáo).
Năm 2012, UBND huyện Y có kế hoạch xây dựng hệ thống cứng hóa kênh mương đối với thôn Trong và Ban quản lý thôn cũng có kế hoạch xây dựng đường bê tông trong thôn. Do được Nhà nước hỗ trợ 50% về kinh phí xây dựng hệ thống cứng hóa kênh mương, nhân dân trong thôn đóng góp 50%. Để tạo nguồn kinh phí, Tính tổ chức họp dân và xin ý kiến nhân dân trong thôn về việc giao thầu một số lô đất thuộc khu Chợ và đất công ích khu Trám, khu Chuôm cho các hộ dân có nhu cầu làm đất ở theo hình thức giao thầu lâu dài và được nhân dân nhất trí. Sau đó, Tính xin ý kiến của Chi ủy Chi bộ thôn Trong thì Chi ủy Chi bộ thôn nhất trí với chủ trương này nhưng yêu cầu Ban quản lý thôn phải xin ý kiến của UBND xã Đ, nếu UBND xã nhất trí thì tiến hành.
Tính vẫn tiếp tục không xin ý kiến của UBND xã Đ mà tự đứng ra tổ chức đo và làm thủ tục giao 91m2 đất khu Chợ cho ông Thùy, thu được số tiền 200.000.000 đồng. Ngày 26/6/2013, ông Thùy đã nộp tiền (có phiếu thu). Cùng ngày, Tính đại diện cho Ban quản lý thôn đã ký “Biên bản giao thầu đất” đối với ông Thùy. Số tiền thu được Tính chỉ đạo thanh toán kế toán và thủ quỹ thanh toán trả một phần tiền thi công công trình cứng hóa kênh mương của thôn cho chủ thầu là Công ty Thành Hà.
Đến tháng 4/2013, do cần kinh phí để xây dựng đường bê tông nội thôn, Tính tiếp tục giao 270m2 đất công ích thuộc khu Chuôm cho ông Lê thu về số tiền là 180.000.000 đồng và giao 189m2 đất công ích ở khu Trám cho một số cá nhân để thu tiền 250.000.000đồng. Toàn bộ số tiền này, Tính đều chỉ đạo thanh toán trả cho Công ty Thành Hà.
Sau khi phát hiện thấy việc làm vi phạm pháp luật của Tính, Chủ tịch UBND xã Đ ra các quyết định hủy Biên bản giao thầu đất diện tích 735m2, buộc các bên phải hoàn lại tiền và phải khôi phục trả lại nguyên hiện trạng của khu đất vi phạm. Nhưng Tính vẫn không thực hiện.
Do Tính đã không thực hiện theo các Quyết định của UBND xã Đ nên đến nay đã có hộ san lấp làm quán bán hàng, làm nhà tạm để ở dù toàn bộ số diện tích đất trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, từ năm 2011 đến cuối năm 2013, Tính còn giao 16.986,23m2 đất công ích cho 38 hộ dân trong thôn để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thu được tổng số tiền là 294.521.000 đồng nhập vào quỹ thôn để chi cho việc xây dựng và hoạt động chung của thôn.
Hành vi của Nguyễn Văn Tính với vai trò là Trưởng thôn đã vượt quá thẩm quyền của Trưởng thôn, tự ý giao thầu đất (thực chất là bán đất) lấy kinh phí chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của thôn Trong. Hành vi của Tính diễn ra nhiều lần, trong một thời gian dài và có tính liên tục, gây thiệt hại cho nhà nước gần 01 tỷ đồng. Hơn nữa, bản thân Tính cũng đã bị xử lý vi phạm do hành vi của mình gây ra nhưng Tính vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi của Tính là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước trong công tác quản lý đất đai ở địa phương, Tính phải chịu 1 bản án nghiêm khắc mới đủ tính răn đe.
Ông Tính đã gần bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy” - cái tuổi mà đáng lẽ được nghỉ ngơi, an nhàn, đuề huề cùng cháu con… nhưng giờ đây, trước mắt Tính là 10 năm tù giam. Cái giá ấy quá đắt mà Tính phải trả cho sự coi thường pháp luật. Trên gương mặt đầy nếp nhăn của Tính là những giọt nước mắt muộn màng...
Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho các Trưởng thôn còn thiếu hiểu biết về vai trò, trách nhiệm của Trưởng thôn tham gia quản lý nhà nước ở cơ sở. Qua đó, kiến nghị các cấp có thẩm quyền chú trọng hơn nữa đến công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật của nhà nước về đất đai, đồng thời có các giải pháp cụ thể nhằm nângcao chất lượng hoạt động, phát huy cao nhất vai trò của Trưởng thôn, góp phần nhiều hơn vào công cuộc phát triển đất nước hiện nay. /.
Nguyễn Thị Huệ Anh- Phòng 3