Ngày 28/11/2024 tại kỳ họp thứ 8 khóa XV, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, với 450/455 đại biểu quốc hội có mặt biểu quyết tán thành. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 và được thực hiện trong 03 năm, trừ trường hợp Quốc hội có quyết định khác và giao Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với liên ngành Trung ương hướng dẫn thi hành chi tiết việc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản. Đây là lần đầu tiên thí điểm thực hiện để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý vật chứng, tài sản; sớm khắc phục hậu quả thiệt hại, đưa tài sản vào khai thác, sử dụng, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển, tránh thất thoát, lãng phí; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; phù hợp với điều ước Quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên
Nghị quyết gồm 5 Điều, trong đó tại Điều 3 quy định cụ thể về 05 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, gồm: (1) Biện pháp trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; (2) Biện pháp nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa vật chứng, tài sản; (3) Biện pháp mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; (4). Biện pháp giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; (5) Biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Ngoài ra Điều luật còn quy định về việc xử lý lợi tức phát sinh trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản theo quy định của Nghị quyết; Thẩm quyền và trình tự, thủ tục quyết định việc áp dụng, hủy bỏ các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản và việc giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng, tài sản đã áp dụng biện pháp xử lý.
Trong các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được quy định tại Nghị quyết có biện pháp mang tính chất “khẩn cấp tạm thời”, có thể áp dụng ngay ở giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là “tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản”.
Có thể thấy rằng, việc ban hành Nghị quyết số 164/2024/QH15 ngày 28/11/2024 đã tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực hiện trong giải quyết vụ việc, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng hiện nay; giải quyết những vấn đề phát sinh, bảo đảm thu hồi sớm, tối đa giá trị tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham những, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo mà pháp luật tố tụng hình sự chưa quy định. Từ đó, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đồng thời thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là các yêu cầu về xây dựng, hoàn thiện pháp luật về phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, về cơ chế thu hồi tài sản; không trái với quy định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới./.
Ngô Văn Định- VKSND thị xã Việt Yên