Tham gia họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là chơi hụi) là quan hệ pháp luật dân sự được hình thành từ lâu theo tập quán của người dân trong đời sống xã hội, nhằm góp vốn, tích lũy vốn để hỗ trợ lẫn nhau, dựa trên những ràng buộc về niềm tin, lợi ích và quy định của pháp luật. Ngày 19/02/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2019/NĐ-CP quy định cụ thể về việc chơi hụi, tuy nhiên nhiều người dân tham gia chơi vẫn chưa am hiểu về những quy định này. Người tham gia chơi hụi chỉ dựa vào lời nói, lòng tin đối với chủ họ, không tìm hiểu các dây họ, mọi hoạt động đều do chủ họ quản lý, quyết định dẫn đến nguy cơ một số đối tượng lợi dụng lòng tin, sử dụng số tiền đóng góp của người tham gia chơi họ bỏ trốn hoặc tuyên bố vỡ họ nhằm chiếm đoạt tài sản. Riêng trong năm 2024, Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội (Phòng 2) Viện KSND tỉnh Bắc Giang đã thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết 03 vụ án với 04 bị can, bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” dưới hình thức mở các dây hụi huy động người dân đóng tiền tham gia, chiếm đoạt số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, số bị hại trong mỗi vụ án lên đến vài chục, thậm chí hàng trăm người. Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều người “sa bẫy” lừa đảo dưới hình thức này đó là thiếu am hiểu pháp luật, quá tin tưởng vào uy tín của chủ hụi.
Quy định của pháp luật về họ, hụi, biêu, phường
Theo Điều 471 Bộ luật Dân sự quy định: “…Chơi hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại, cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Việc tổ chức hụi nhằm tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi”. Như vậy, hoạt động chơi hụi, họ bản chất không vi phạm pháp luật, mà chỉ bị nghiêm cấm nếu người chơi lợi dụng hình thức này để che giấu hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Pháp luật quy định cụ thể mức lãi suất của họ, hụi, biêu, phường phải tuân theo mức lãi suất được quy định trong luật dân sự là không vượt quá 20%/năm và cũng nghiêm cấm những hình thức cho vay nặng lãi (hay còn gọi là tín dụng đen) núp bóng dưới danh nghĩa các nhóm họ, hụi.
Ảnh: Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa
Theo quy định tại Nghị định số 19 ngày 19/02/2019 của Chính phủ:
Chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi thuộc một trong các trường hợp sau: Tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; Tổ chức từ hai dây hụi trở lên. Trường hợp thông tin về dây hụi đã được thông mà có sự thay đổi thì chủ hụi phải thông báo bổ sung bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú về việc thay đổi đó.
Chủ hụi và thành viên dây hụi phải thông báo về nơi cư trú mới cho các thành viên còn lại nếu có thay đổi nơi cư trú. Khi có người muốn gia nhập dây hụi thì chủ hụi phải thông báo các nội dung sau: Số lượng dây hụi mà mình làm chủ hụi; Số lượng thành viên của từng dây hụi mà mình đang làm chủ hụi; Phần hụi, kỳ mở hụi.
Văn bản thoả thuận về dây hụi được công chứng, chứng thực nếu những người tham gia dây hụi yêu cầu.
Chủ hụi phải lập và giữ sổ hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận về việc một thành viên lập và giữ sổ hụi. Trường hợp dây hụi không có chủ hụi thì các thành viên thỏa thuận giao cho một thành viên lập và giữ sổ hụi.
Sổ hụi có các nội dung sau đây: Các nội dung của thỏa thuận về dây hụi; Ngày góp phần hụi, số tiền đã góp hụi của từng thành viên; Ngày lĩnh hụi, số tiền đã lĩnh hụi của thành viên lĩnh hụi; Chữ ký hoặc điểm chỉ của thành viên khi góp hụi và lĩnh hụi; Các nội dung khác liên quan đến hoạt động của dây hụi.
Chủ hụi phải giao hụi cho thành viên tại mỗi kỳ mở hụi. Thành viên dây hụi được quyền xem, sao chụp sổ hụi và cung cấp các thông tin liên quan đến dây hụi khi có yêu cầu.
Chủ hụi phải giao giấy biên nhận cho thành viên khi thực hiện các hoạt động sau: Góp hụi, lĩnh hụi; Nhận lãi, trả lãi; Thực hiện giao dịch khác có liên quan…
Trong các vụ án đã giải quyết thời gian qua, chủ hụi và thành viên tham gia (sau này là bị hại trong vụ án) đều không tuân thủ các quy định nêu trên.
Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chơi họ, hụi, biêu, phường
Lợi dụng tâm lý của người dân khi tham gia chơi hụi với mong muốn có lãi cao, trong khi hiểu biết về pháp luật thấp, các đối tượng đã vận động đông đảo người quen biết tham gia chơi hụi. Ban đầu, chủ hụi sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ hụi như lập đúng dây, đủ người, đến kỳ thu của người tham gia và trả đầy đủ tiền hụi, tiền lãi cho người được lấy hụi tạo niềm tin để những người đã tham gia đóng thêm tiền và lôi kéo thêm người thân, bạn bè. Khi nhiều người cùng đến hẹn lĩnh hụi, đối tượng chủ hụi xin khất hoặc chậm trả với lý do “đã có thành viên khác đăng ký lĩnh hụi”, sau đó tuyên bố vỡ hụi và trốn tránh, đi khỏi địa phương, chiếm đoạt tiền hụi.
Giải pháp phòng ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức họ, hụi, biêu, phường
Để góp phần thực hiện đúng các nghĩa vụ, quyền lợi, quy định pháp luật về họ, hụi, biêu, phường, đồng thời ngăn ngừa, phòng tránh việc các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân khi tham gia họ cần nắm rõ một số nội dung như sau:
Thứ nhất, cần tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan, nắm rõ về điều kiện hoạt động, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ hụi, họ, thành viên góp hụi quy định tại Nghị định số 19 của Chính phủ. Việc thoả thuận về dây hụi, họ phải được lập văn bản thể hiện những nội dung chủ yếu sau: Họ, tên, số căn cước công dân; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú của chủ hụi; Số lượng thành viên, họ, tên, số căn cước công dân, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của từng thành viên; Phần hụi; Thời gian diễn ra dây hụi, kỳ mở hụi; Thể thức góp hụi, lĩnh hụi…Nếu chủ hụi lập từ 02 dây hụi trở lên hoặc số tiền góp hụi từ 100 triệu trở lên mỗi kỳ thì yêu cầu báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường biết để rà soát, quản lý, theo dõi, phòng ngừa, xử lý các vi phạm.
Thứ hai, tìm hiểu kỹ về nhân thân, điều kiện kinh tế của chủ hụi, họ; thường xuyên kiểm tra sổ theo dõi chơi hụi, yêu cầu chủ hụi cung cấp các thông tin liên quan đến việc góp hụi, lĩnh hụi, nhận lãi, trả lãi, thông tin cụ thể của những người tham gia để tránh việc chủ hụi lập khống danh sách chơi hụi.
Thứ ba, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương biết các hành vi lợi dụng hình thức chơi họ, hụi, biêu, phường để ngăn ngừa các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có các biện pháp giải quyết kịp thời.
Từ những vụ việc lợi dụng việc tham gia chơi hụi, họ để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua, khuyến cáo để người dân tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hụi, họ, biêu, phường để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân, đồng thời phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn các hành vi lừa đảo góp gần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nguyễn Đức Tùng- Phòng 2, VKSND tỉnh Bắc Giang