.

Thứ sáu, 26/04/2024 -05:23 AM

Cảm nghĩ của Kiểm sát viên sau phiên toà ly hôn về việc đấu tranh phòng chống vấn nạn bạo hành gia đình

 | 

Trong ngày 30/6/2022, Toà án nhân dân huyện Việt Yên phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện Việt Yên tổ chức phiên toà xét xử trực tuyến vụ án tranh chấp ly hôn giữa nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1996 và bị đơn là anh Thân Trọng Phú, sinh năm 1996, cùng đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Hùng Lãm 1, xã Hồng Thái, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Hiện anh Phú hiện đang chấp hành án phạt tù tại Trại tạm giam - Công an tỉnh Bắc Giang về tội “Cố ý gây thương tích”.

Phiên tòa trên có điểm cầu trung tâm tại Phòng xử án Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang gồm: Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên và nguyên đơn là chị Nguyễn Thị Lan; điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam - Công an tỉnh Bắc Giang gồm: Bị đơn là anh Thân Trọng Phú và lực lượng hỗ trợ tư pháp.

Nội dung vụ án: Anh Phú, chị Lan là người cùng thôn, quen biết và học cùng nhau từ nhỏ. Sau quá trình tìm hiểu, năm 2019 anh Phú kết hôn với chị Lan, có đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Sau khi kết hôn, sống chung với nhau được một thời gian ngắn thì giữa anh Phú và chị Lan đã phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân mâu thuẫn theo chị Lan là do anh Phú ham chơi, nợ nần, không quan tâm đến vợ con. Anh Phú thường xuyên đánh đập chị Lan. Chị Lan đã khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn với anh Phú. Anh Phú cho rằng, anh vẫn còn rất yêu thương vợ. Anh không đồng ý ly hôn. Hiện anh đang phải đi thi hành án phạt tù, nhưng anh muốn được trực tiếp tham gia phiên toà để có thêm cơ hội hàn gắn tình cảm vợ chồng với chị Lan. Anh Phú cho rằng những lần anh đánh vợ chỉ là hành động trong lúc bực tức, nóng nảy và gia đình nào cũng có những lúc mâu thuẫn, cãi vã, xô xát, nếu chỉ vì mâu thuẫn nhỏ như vậy để vợ chồng anh chị phải ly hôn là không đáng.

Khi Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên hỏi bị đơn về việc: Anh đã bị kết án về tội “Cố ý gây thương tích”, hiểu được hậu quả của việc gây thương tích cho người khác là rất nghiêm trọng nhưng trong khoảng thời gian được tại ngoại, anh vẫn thực hiện hành vi đánh đập chính người vợ của mình thì anh có suy nghĩ gì? Anh luôn nói còn yêu thương vợ nhưng lại cố ý làm tổn thương vợ về thể xác và kéo theo là nỗi sợ hãi, đau đớn về tinh thần, liệu rằng có người vợ nào còn dám chung sống với anh không?... Bị đơn sau đó đã nhận ra sai lầm của mình, vẫn mong muốn vợ chồng đoàn tụ để anh có cơ hội sửa chữa. Nhưng nguyên đơn kiên quyết đề nghị Toà án giải quyết cho ly hôn và đã được Toà án chấp nhận yêu cầu khởi kiện, xử cho chị Lan được ly hôn với anh Phú.

Có thể thấy trong những năm qua, số lượng các vụ án tranh chấp ly hôn trên địa bàn huyện Việt Yên có xu hướng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Quá trình giải quyết vụ án, những người tiến hành tố tụng luôn cố gắng phân tích, hoà giải để các cặp vợ chồng đoàn tụ, tuy nhiên có những mâu thuẫn, rạn nứt quá lớn, kéo dài dẫn đến hậu quả cuối cùng là nhiều cặp vợ chồng phải ly hôn và vụ án nêu trên cũng là một trong số đó. Là Kiểm sát viên từng tham gia nhiều phiên tòa hôn nhân, mặc dù vụ án trên chỉ là tranh chấp hôn nhân gia đình đơn giản nhưng đã để lại cho tôi đôi điều cần suy ngẫm về nạn bạo lực gia đình trong giai đoạn hiện nay.

Người ta thường nói: “Gia đình là nơi để yêu thương”, là tổ ấm để mỗi chúng ta luôn cảm thấy được chở che, bao bọc và trở về sau những giờ làm việc mệt nhọc. Nhưng xung quanh chúng ta, trong xã hội vẫn còn rất nhiều người giống như người chồng trong vụ án, họ có tư tưởng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn gia đình, cho rằng người đàn ông có quyền làm tổn thương người phụ nữ của họ bằng cách dùng “nắm đấm”. Việc làm này để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Bạo lực gia đình không chỉ gây hậu quả về thể chất, tâm lý cho bản thân người bị bạo lực, mà việc bạo lực, bạo hành còn vi phạm nghiêm trọng đến các quyền của con người. Thế nhưng, không phải người phụ nữ nào cũng dũng cảm vùng lên sau khi bị đánh đập, ức hiếp, dám xin ly hôn để giải thoát cho chính bản thân mình. Rất nhiều người vợ tuy bị bạo hành, đánh đập nhưng họ vẫn im lặng, chịu đựng với tư tưởng chồng đánh vợ là chuyện bình thường, tư tưởng vì con, vì sợ bị mang tiếng,... Tình trạng này kéo dài nhiều năm dẫn đến nhiều phụ nữ bị rối loạn tâm lý, nhiều trường hợp bị thương tật suốt đời, có trường hợp bị đánh đập đến tử vong hoặc tư tưởng trầm cảm chỉ nghĩ đến cái chết.

Bạo hành gia đình là vấn nạn không mới và nhận được rất nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành, tuy nhiên có một thực tế là số vụ ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình trên địa bàn huyện Việt Yên nói riêng và địa bàn tỉnh Bắc Giang nói chung vẫn chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số án ly hôn. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình đòi hỏi sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, của đông đảo các tầng lớp nhân dân và sự dám đứng lên hành động, nói tiếng nói chống lại bạo lực của chính những người phụ nữ bị bạo lực gia đình và đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng khi tiếp nhận, thụ lý, giải quyết các vụ, việc có nội dung liên quan đến bạo lực gia đình. Thiết nghĩ, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng để góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh bởi gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới vững bền, phát triển./.

Nguyễn Thị Dương Quỳnh- Viện KSND huyện Việt Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,760,315
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.146.65.212

    Thư viện ảnh