Thông qua công tác kiểm sát giải quyết án dân sự thấy rằng, trong thực tiễn xảy ra nhiều trường hợp người phải thi hành án đã lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người để nhằm trốn tránh nghĩa vụ phải thi hành án dân sự. Dẫn đến xảy ra tranh chấp, Tòa án phải thụ lý và giải quyết tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu. Sau đây, xin nêu một vụ án cụ thể như sau:
Nguyên đơn bà L trình bày: Bà với ông T là hai chị em ruột. Ngày 26/6/2014 ông T có lập hợp đồng chuyển nhượng cho bà diện tích đất ở 74,4 m2 tại thôn T, xã C, huyện LN, trên đất có 01 nhà cấp 4. Đất ông T đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ngày 27/5/2014. Hợp đồng không được công chứng, chứng thực. Sau khi chuyển nhượng ông T đã nhận đủ tiền và giao giấy CNQSDĐ cho bà. Do là chị em nên bà cho ông T ở nhờ nhà trên đất và cho ông T mượn GCNQSDĐ để thế chấp vay tiền của Ngân hàng. Ông T không thanh toán trả được nợ cho Ngân hàng, bà đã bỏ ra số tiền 1.091.000.000đ để trả nợ cho Ngân hàng thay ông T để lấy GCNQSDĐ về.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 35/2018/DSST ngày 26/10/2018 của TAND huyện LN đã xử buộc ông T phải có nghĩa vụ thanh toán trả cho bà H khoản nợ 1.500.000.0000đ. Sau khi bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, ông T không thanh toán trả cho bà H khoản nợ trên. Nên bà H đã làm đơn đề nghị thi hành án. Chi cục THADS huyện LN đã có Quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản số 05/QĐ- CC- THADS ngày 04/5/2019 và Quyết định cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất số 12/QĐ-CCTHADS ngày 04/5/2019 đối với thửa đất mà ông T đã chuyển nhượng cho bà. Bà đề nghị Tòa án giải quyết: Yêu cầu ông T tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà. Nếu hợp đồng bị vô hiệu bà không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu.
Bị đơn ông T thừa nhận nhưng lời trình bày nêu trên của bà L là đúng. Ông đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà L.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị H không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà L. Việc bà L, ông T lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không đúng sự thật, mục đích để tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án cho bà. Nếu ông T thanh toán trả đủ tiền cho bà thì bà không có ý kiến gì đối với việc ông T chuyển nhượng đất cho bà L.
Đại diện Chi cục thi hành án huyện LN cho rằng, khi xác minh điều kiện thi hành án, ông T có khai là ông có tài sản là quyền sử dụng diện tích đất 74,4m2, đã được UBND huyện LN cấp GCNQSDĐ ngày 27/5/2014. Ông đang thế chấp để vay tiền Ngân hàng. Ông T không khai là ông đã chuyển nhượng đất cho bà L. Ngân hàng đã cung cấp tài liệu thể hiện ông T đã ký hợp đồng thế chấp QSD đất trên cho Ngân hàng ngày 15/6/2016, hiện nay đã được xóa thế chấp. Việc Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện LN đã ra Quyết định số 12/QĐ-CCTHADS về việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của ông T để thi hành bản án dân sự là đúng quy định của pháp luật.
Xem xét nội dung vụ án thấy rằng, ông T phải thi hành bản án dân sự, nhưng không tự nguyện thi hành án; lại lập hợp đồng chuyển nhượng đất cho bà L; hợp đồng không được công chứng, chứng thực; bà L chưa đăng ký, chưa được sang tên trên GCNQSDĐ; đất vẫn do ông T quản lý sử dụng; sau thời điểm chuyển nhượng ông T vẫn ký hợp đồng thế chấp đất cho Ngân hàng để vay tiền. Nên có cơ sở để xác định hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà L với ông T là giả tạo; hợp đồng vi phạm về hình thức, nội dung; mục đích lập hợp đồng để ông T trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thi hành án đối với bà H. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 124 Bộ luật dân sự, Tòa án đã xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà L về việc buộc ông T tiếp tục thực hiện hợp đồng; tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông T với bà L vô hiệu./.
Nguyễn Đức Sơn- Phòng 9, VKSND tỉnh Bắc Giang