ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 15/01/2025 -12:55 PM

Cảnh báo về hành vi sử dụng Căn cước công dân có mã vạch giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 | 

Việc sử dụng Chứng minh nhân dân giả nhằm che giấu nhân thân hoặc gian dối để thực hiện các giao dịch xảy ra nhiều trên thực tế; đáng lưu ý, thời gian gần đây đã xuất hiện Căn cước công dân có mã vạch giả và sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Luật Căn cước công dân, thẻ Căn cước công dân là một trong những loại giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam được sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam. Với việc tích hợp được nhiều thông tin trên thẻ căn cước được coi là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho công dân trong việc thực hiện các giao dịch. Số thẻ căn cước công dân đồng thời là số định danh cá nhân, mã số dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, và được cấp duy nhất một lần cho một cá nhân. Tuy có nhiều tính năng ưu việt, nhưng do mới triển khai thực hiện nên chưa đồng bộ, chưa bắt buộc mọi công dân phải đổi chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân có mã vạch còn thời hạn sang thẻ Căn cước công dân có gắn chíp nên các giấy trên tiếp tục bị làm giả để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Thời gian vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Bắc Giang đã giải quyết một số tố giác về tội phạm liên quan đến việc sử dụng Căn cước công dân có mã vạch giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể là: ngày 04/3/2021, anh C.A.M làm dịch vụ kinh doanh cho thuê ô tô tự lái trên địa bàn thành phố Bắc Giang tố giác đối tượng tên N.Q.Đ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của anh M 01 xe ô tô trị giá 600 triệu đồng. Đ sử dụng 01 thẻ căn cước công dân có mã vạch giả để làm hợp đồng thuê xe. Quá trình xác minh, Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội nhận được nhiều đơn tố giác của công dân tố cáo Đ, cũng với thủ đoạn tương tự, Đ đã chiếm đoạt của khoảng 06 người bị hại ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội với tổng giá trị tài sản lên đến hàng tỷ đồng.

Sở dĩ Đ tạo được lòng tin đối với các bị hại để chiếm đoạt tài sản vì: Đa số các bị hại có tư tưởng “quá tin” vào chiếc thẻ Căn cước công dân có mã vạch do Đ xuất trình khi ký kết hợp đồng; mọi người đều nghĩ rằng đây là loại thẻ hiện đại, có mã vạch nên không bị làm giả, có thể truy tìm đối tượng một cách dễ dàng khi không trả tài sản… .

Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy, trong thời đại 4.0, nguy cơ rủi ro vẫn tiềm ẩn từ việc sử dụng những giấy tờ tùy thân không có tính bảo mật cao như Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân có mã vạch; người dân tham gia giao dịch chỉ kiểm tra bằng mắt thường và không có một công cụ hỗ trợ nào khác để xác định, công nghệ để làm ra các loại giấy tờ giả như trên không phải là khó. Chính vì thế, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần: tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về những đặc tính cơ bản của các loại giấy tờ tùy thân của công dân đang có hiệu lực; đề cao cảnh giác khi sử dụng các giấy tờ tùy thân của người khác để giao kết hợp đồng, làm vật thế chấp… và quan trọng hơn là cần chấm dứt việc sử dụng các loại giấy tờ có tính bảo mật thấp, sớm có quy định bắt buộc sử dụng Căn cước công dân có gắn chíp và cùng với đó là các công cụ để người dân có thể kiểm tra những thông tin cơ bản của các cá nhân khác khi cần thiết. Có như vậy mới nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong tình hình mới./.

Nguyễn Thị Việt Anh- Viện KSND thành phố Bắc Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,134,861
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.138.178.162

    Thư viện ảnh