.

Thứ năm, 18/04/2024 -22:42 PM

Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm đối với bản án dân sự sơ thẩm do Tòa án xác định di sản thừa kế không đúng

 | 

Cụ Ngô Thị T (chết năm 1991) và cụ Vũ Văn M (chết năm 1942) sinh được 02 người con gồm: Ông Vũ Văn H (chết năm 2007) và ông Vũ Văn N.

Từ năm 1956 cụ T và ông N, ông H, bà G (vợ ông H đã chết năm 2004), anh S (con ông H) sinh sống trên diện tích 120m2. Đến năm 1960 ông N lập gia đình ra ở riêng, chỉ còn cụ T và gia đình ông H sinh sống trên đất đến năm 1991 thì cụ T chết. Gia đình ông H quản lý, sử dụng đất cho đến nay. Đến năm 1977 cụ T được UBHC thị xã B được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), diện tích 120m2. Năm 2001 UBND tỉnh B cấp GCNQSDĐ mang tên hộ cụ T với diện tích 250m2.

Nguyên đơn ông N cho rằng, nguồn gốc đất là do năm 1956 cụ T được Nhà nước giao. Đến năm 1977 cụ T đã được UBHC thị xã B được cấp GCNQSDĐ, diện tích 120m2. Nên năm 2005 ông N khởi kiện đề nghị Tòa án xác định 120m2 đất trong diện tích 250m2 nêu trên là di sản do cụ T để lại và chia đều cho ông và ông H theo pháp luật do cụ T không để lại di chúc.

Bị đơn ông H khi còn sống khai: Năm 1956 ông được Nhà nước cấp cho 120m2 đất. Mẹ ông là cụ T không được cấp nhưng ông đề nghị đứng tên mẹ ông đối với thửa đất này. Năm 1977 kê khai và cấp giấy đất đứng tên cụ T. Năm 1982 con trai ông là S có tạo thêm được diện tích đất phía sau. Diện tích 120m2 đất ông N yêu cầu chia là của riêng ông. Mẹ ông và ông N không có công sức gì trong thửa đất này.

Anh S ban đầu cho rằng đất này là tài sản riêng của ông H, do ông H mua của ông L và bà P từ năm 1957 (ông L và bà P đã chết không rõ địa chỉ trước đây). Sau đó anh S khai đất do ông H được Nhà nước cấp năm 1956. Cụ T sinh sống cùng vợ chồng ông H tại thửa đất này. Cụ T chết không để lại tài sản gì; không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông N. GCNQSDĐ do UBND tỉnh cấp cho hộ cụ T năm 2001 là không đúng quy định do cấp khi cụ T đã chết và đất là của ông H.

Sau đó anh S lại trình bày: Năm 1956 ông H được Nhà nước cắm cho 01 mảnh đất. Thời điểm năm 1973 đến năm 1980 hộ gia đình có cụ T, ông H, bà G, anh S sống trên đất. Nhưng để cụ T đứng tên chủ hộ trong hộ khẩu nên đất có nguồn gốc nhà nước giao cho hộ gia đình ông H; không thể cấp cho cá nhân; cụ T ở cùng gia đình ông H, nên nếu có thì chỉ có một phần quyền trong tài sản này.

UBND phường T; UBND thành phố B; UBND tỉnh B đều trình bày: Năm 1977, bà T được UBHC thị xã B (nay là thành phố B) cấp GCNQSDĐ diện tích 120m2. Đến năm 2000, hộ bà T có đơn đăng ký cấp GCNQSDĐ với diện tích 250m2, (Đơn do con trai bà T là ông H ký).UBND phường T đã thiết lập hồ sơ, xác nhận đề nghị cấp GCNQSDĐ cho hộ bà T với diện tích 250m2 và trình cơ quan chuyên môn thẩm định, phê duyệt.Năm 2001, Chủ tịch UBND tỉnh B có quyết định cấp GCNQSDĐ cho hộ bà T với diện tích 250m2.

Khi tham gia phiên tòa phiên tòa sơ thẩm, đại diện Viện KSND thành phố B đã phát biểu ý kiến, nêu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án:

 Ông H và anh S đã trình bày các ý kiến mâu thuẫn nhau về nguồn gốc đất về việc xác định đất thuộc quyền sử dụng của ai.

Ông H và anh S đều không có tài liệu chứng cứ chứng minh ông H  mua đất hoặc được Nhà nước cấp đất cho cá nhân ông H hoặc cho hộ gia đình ông H. Từ năm 1977 ông H không làm đơn xin đăng ký cấp GCNQSDĐ. Ông H hoặc hộ gia đình ông H không được Nhà nước cấp GCNQSDĐ. Nên không có căn cứ để xác định 120m2 đất là tài sản riêng của ông H hoặc của hộ gia đình ông H.

Cụ T đã quản lý, sử dụng 120m2 đất từ năm 1956 đến khi cụ T chết là năm 1991. Năm 1977 UBHC thị xã B đã cấp GCNQSDĐ cho cụ T được quyền sử dụng 120m2 đất; GCNQSDĐ này là cấp cho cá nhân cụ T; không phải là cấp cho hộ gia đình. Nên xác định quyền sử dụng 120m2 đất là tài sản riêng của cụ T, không phải là tài sản chung của hộ gia đình ông H; là di sản của cụ T để lại. Cụ T chết không để lại di chúc. Việc ông N khởi kiện đề nghị phân chia di sản của cụ T là 120m2 đất cho các  thừa kế theo pháp luật là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông N.

Cụ T đã chết từ năm 1991. Nhưng tại đơn xin đăng ký cấp GCNQSDĐ (đơn không ghi ngày tháng) phần ghi tên chủ hộ sử dụng đất vẫn ghi là cụ T xin đăng ký quyền sử dụng đất diện tích 250m2 (trong đó có 120m2 đất cụ T đã được cấp GCNQSDĐ năm 1977) là không đúng;  phần chủ hộ ký có chữ ký và chữ viết của ông H. Phần ghi ý kiến của UBND xã, Chủ tịch UBND phường T đã ký tên, đóng dấu xác nhận, ghi đề nghị cấp GCNQSDĐ diện tích 250m2. Phần ghi ý kiến của UBND cấp có thẩm quyền bỏ trống, không có nội dung xét duyệt.Nên năm 2001, UBND tỉnh B cấp GCNQSDĐ cho hộ bà T được quyền sử dụng diện tích 250m2đất, là không đúng trình tự, thủ tục kê khai đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, xét cấp GCNQSDĐ theo quy định tại Thông tư số 346/1998/TC-TCĐC ngày 16/3/1998 của Tổng cục Địa chính hướng dẫn việc kê khai đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Việc anh S cho rằng 120m2 đất nhà nước giao cho hộ gia đình ông H; cụ T ở cùng gia đình ông H, nên chỉ có một phần quyền trong tài sản này là không có cơ sở để được chấp nhận.

Nhưng Tòa án lại xác định GCNQSDĐ cấp năm 1977 ghi tên cụ T, nhưng là cấp cho hộ gia đình sinh sống thời điểm năm 1977. Nên 120m2 đất thuộc quyền sử dụng của 04 người gồm cụ T, ông H, bà G, anh S. Cụ T có quyền tương ứng 1/4 quyền sử dụng 120m2 đất = 30m2. Di sản của cụ T chỉ có 30m2 đất và giải quyết phân chia.

Không đồng tình với việc giải quyết vụ án của Tòa án, Viện KSND thành phố B đã ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng xác định di sản của cụ T để lại là 120m2 đất và giải quyết phân chia cho các thừa kế theo pháp luật./.

Nguyễn Thị Tuyết- Phòng 9, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,690,218
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.133.131.168

    Thư viện ảnh