ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 10/09/2024 -18:00 PM

Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Dũng kiến nghị phòng ngừa vi phạm trong việc cấp bản sao giấy chứng nhận kết hôn

 | 

Thông qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án hôn nhân gia đình giữa nguyên đơn là anh Trần Văn Xuân, sinh năm 1972 và bị đơn là chị Nguyễn Thị Chiu, sinh năm 1974, cùng trú tại thôn Long Sơn, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang do Tòa án nhân dân huyện Yên Dũng thụ lý ngày 28/10/2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Dũng nhận thấy:

Anh Xuân và chị Chiu đều trình bày: Anh chị chung sống với nhau từ năm 1988, có được hai bên gia đình tổ chức cưới hỏi theo phong tục tập quán của địa phương. Khi đó anh Xuân 16 tuổi, chị Chiu 14 tuổi chưa đủ tuổi kết hôn (theo quy định tại Điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 1986 quy định là nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn), nên không có đăng ký kết hôn. Đến ngày 14/12/2011, anh chị cùng đến UBND xã Trí Yên, huyện Yên Dũng làm thủ tục đăng ký kết hôn và được cấp bản sao giấy chứng nhận kết hôn và xác nhận anh chị đã đăng ký kết hôn với nhau tại UBND xã Trí Yên ngày 09/10/1988. Năm 2017, giữa anh Xuân và chị Chiu phát sinh mâu thuẫn, nên anh Xuân làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án tuyên bố không công nhận anh với chị Chiu là vợ chồng.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân huyện Yên Dũng đã tiến hành xác minh tại UBND xã Trí Yên, huyện Yên Dũng. Qua kiểm tra, rà soát sổ sách theo dõi, cán bộ tư pháp xã Trí Yên cho biết, đối với sổ sách từ năm 1994 trở về trước đã bị mối mọt, thất lạc, không tìm thấy. Không có tài liệu thể hiện anh Xuân và chị Chiu có đăng ký kết hôn tại UBND xã Trí Yên, huyện Yên Dũng.

Việc UBND xã Trí Yên cấp bản sao giấy chứng nhận kết hôn cho anh  Xuân và chị Chiu trong khi anh Xuân và chị Chiu không có đăng ký kết hôn là thực hiện không đúng quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ (nay là Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015) về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký: Tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 79/2007/NĐ-CP quy định “1. Cơ quan, tổ chức đang quản lý sổ gốc xem xét, kiểm tra tính hợp pháp của việc yêu cầu cấp bản sao, đối chiếu với sổ gốc để cấp bản sao cho người yêu cầu. Nội dung bản sao phải đúng với nội dung đã ghi trong sổ gốc”.

Nguyên nhân dẫn đến việc làm nêu trên là do cán bộ chuyên môn về tư pháp hộ tịch chưa thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về đăng ký hộ tịch, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo ký văn bản không đúng.

Để phòng ngừa các vi phạm tương tự có thể xảy ra, ngày 08/3/2021 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Dũng đã ban hành bản kiến nghị số 59/KN-VKSYD kiến nghị Ủy ban nhân dân xã Trí Yên phòng ngừa các biện pháp sau đây:

  - Thực hiện đúng các quy định của Luật hộ tịch, Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành của Luật hộ tịch,Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ kývà chứng thực hợp đồng giao dịch trong việc đăng ký hộ tịch, cấp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân khi có yêu cầu.

  - Tiến hành rút kinh nghiệm chung đối với cán bộ làm công tác hộ tịch để tránh xảy ra tình trạng vi phạm tương tự.

Công tác quản lý hộ tịch, trong đó có việc đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân… tại UBND cấp xã là một công tác quan trọng trong quản lý hành chính. Việc phòng ngừa các vi phạm trong công tác này là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước tại địa phương, góp phần minh bạch và làm lành mạnh hóa các quan hệ về hôn nhân gia đình, các giao dịch dân sự, hạn chế đến mức thấp nhất các tranh chấp có thể xảy ra và đảm bảo tính chuẩn xác về dữ liệu dân cư./.

Nguyễn Thị Quỳnh Mai- Viện KSND huyện Yên Dũng

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:29,275,526
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:44.192.49.72

    Thư viện ảnh