ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 10/09/2024 -17:48 PM

Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm đối với bản án dân sự sơ thẩm do Tòa án giải quyết phân chia di sản không đúng nguyên tắc

 | 

Vợ chồng cụ Nguyễn Quang Đ(chết năm 2014) và cụ Thân Thị N (chết năm 2015) sinh được 03 người con là: Ông Nguyễn Văn A, ông Nguyễn Văn B, bà Nguyễn Thị C. Hai cụ không có con nuôi, bố mẹ đẻ của hai cụ đều đã chết. Hai cụ có tài sản là quyền sử dụng diện tích 600m2 đất ở, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hai cụ chết đều không để lại di chúc.

Sau khi hai cụ chết, ông B quản lý sử dụng toàn bộ diện tích đất của hai cụ để lại và xây dựng nhà kiên cố trên đất.

Nguyên đơn ông A, bà C cho rằng ông B tự ý sử dụng, xây nhà trên đất của bố mẹ để lại, đã yêu cầu nhưng ông B không chia trả cho ông A, bà C một phần đất. Nên ông A, bà C đã khởi kiện, đề nghị Tòa án giải quyết phân chia đều di sản là diện tích 600m2 đất của bố mẹ để lại theo pháp luật cho ông A, ông B, bà C. Ông A đề nghị chia cho ông được hưởng di sản bằng hiện vật là đất, ông không lấy bằng tiền. Bà C đề nghị được chia bằng tiền.

Bị đơn ông B cho rằng, khi còn sống bố mẹ đã nói bằng miệng cho ông sử dụng toàn bộ diện tích 600m2 đất. Ông đã xây dựng nhà kiên cố trên một phần diện tích đất, anh chị em trong gia đình không ai thắc mắc. Nay ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông A, bà C. Trường hợp nếu phải chia thì ông đề nghị chia cho ông được hưởng toàn bộ di sản bằng hiện vật, ông sẽ có trách nhiệm trích trả cho ông A, bà C bằng tiền.

Tòa án đã tiến hành thủ tục xem xét thẩm định tại chỗ và định giá, xác định ông B đã xây nhà kiên cố trên một phần diện tích đất 200m2; phần diện tích đất còn lại có xây dựng một số công trình phụ nhà chăn nuôi, tường bao quanh trị giá 15.000.000đ; quyền sử dụng đất được định giá 2.000.0000đ/m2.

Với nội dung vụ án nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định: Cụ Đ và cụ N chết có để lại di sản là quyền sử dụng 600m2 đất. Do cả hai cụ chết đều không để lại di chúc, nên di sản của hai cụ để lại được phân chia theo pháp luật, chia đều cho 03 người con của hai cụ. Do ông B đã quản lý, sử dụng, xây nhà kiên cố trên đất; để tránh việc phải tháo dỡ tài sản gây lãng phí; ông A đã có nhà đất để sử dụng nên Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết phân chia cho ông B được hưởng toàn bộ di sản bằng hiện vật là quyền sử dụng 600m2 đất; buộc ông B phải thanh toán cho ông A, bà C mỗi người 400.000.000đ (là giá trị của 200m2 đất).

Sau khi Tòa án xét xử sơ thẩm, ông A kháng cáo không đồng ý bản án sơ thẩm, ông đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xử chia cho ông hưởng di sản bằng đất, ông không đồng ý nhận bằng tiền.

Xem xét nội dung vụ án; việc giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm và kháng cáo của ông A thấy rằng:

Tại khoản 2 Điều 660 Bộ luật dân sự năm 2015 đã quy định nguyên tắc phân chia di sản theo pháp luật là: Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.

Ông A đã yêu cầu được phân chia di sản bằng hiện vật. Hiện trạng di sản là quyền sử dụng đất có diện tích lớn (600m2). Ông B chỉ xây dựng công trình kiên cố trên diện tích đất 200m2, còn lại trên phần lớn diện tích đất chỉ xây dựng công trình tạm, ít giá trị, việc tháo dỡ tài sản trên đất không gây thiệt hại lớn về tài sản. Nên việc ông A yêu cầu được phân chia di sản bằng hiện vật là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Việc Tòa án cấp sơ thẩm xử không chia cho ông A dược hưởng di sản bằng hiện vật là không đúng quy định của pháp luật, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của ông A.

Để đảm bảo cho việc giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự, Viện kiểm sát đã ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm của Tòa án, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, phân chia cho ông A được hưởng di sản bằng hiện vật là 200m2 đất, buộc ông B phải tháo dỡ các công trình trên phần đất ông A được chia. Kết quả kháng nghị của Viện kiểm sát và kháng cáo của ông A đã được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận./.

Nguyễn Thị Tuyết- Phòng 9, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:29,275,380
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:44.192.49.72

    Thư viện ảnh