BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH TƯ PHÁP TỈNH ỦY BẮC GIANG PHÁT ĐỘNG CUỘC THI TRỰC TUYẾN "TÌM HIỂU QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ LUẬT SƯ VÀ QUY TẮC ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP LUẬT SƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG" (TỪ NGÀY 01/8/2024 ĐẾN 31/8/2024). 

Thứ bảy, 24/08/2024 -22:41 PM

Trao đổi bài viết: “Vướng mắc trong việc xác định tội danh và khung hình phạt của Điều 341 Bộ luật Hình sự”

 | 

Sau khi bài viết “Vướng mắc trong việc xác định tội danh và khung hình phạt của Điều 341 Bộ luật Hình sự” của tác giả Nguyễn Thị Dương Quỳnh, đăng trên Trang tin điện tử của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 01/3/2023, Ban Biên tập trang tin nhận được 03 ý kiến phản hồi cụ thể như sau:

>>> Vướng mắc trong việc xác định tội danh và khung hình phạt của Điều 341 Bộ luật Hình sự

Theo tác giả Đồng Thị Toàn- VKS huyện Lạng Giang thì hành vi của Bùi Thị B chỉ phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 341 Bộ luật Hình sự(quan điểm thứ nhất trong bài viết của tác giả Quỳnh), với lập luận: B là người cung cấp thông tin, hình ảnh của 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật của B và đặt làm 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả giống như 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật của mình. Sau đó, B đã sử dụng 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả này để thế chấp vay tiền của chị H. Đối với người làm giả, do B không biết họ, tên đệm, tuổi và địa chỉ nên không có căn cứ làm rõ. Như vậy, giao dịch giữa B và chị H chỉ là giao dịch dân sự, vay mượn tiền nhưng quyền sử dụng đối với 02 thửa đất P và Q của B là căn cứ để chị H đồng ý cho B vay tiền.

Theo tác giả Nguyễn Khắc Tú- VKS huyện Lục Ngạn thì hành vi của Bùi Thị B phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự (thuộc trường hợp chưa đạt) và tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự, với lập luận:

Thứ nhất, theo hướng dẫn tại mục 2 Công văn số 1648/VKSTC-V7 ngày 27/4/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc trả lời thỉnh thị giải đáp vướng mắc trong giải quyết vụ án hình sự, trong đó chỉ rõ trường hợp không xác định được người trực tiếp làm giả mà chỉ sử dụng thì xử lý tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Trong vụ án này, trường hợp có căn cứ làm rõ người trực tiếp làm giả 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất P và Q, thì có thể buộc tội Bùi Thị B với vai trò là đồng phạm giúp sức về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”, đồng thời B cũng phạm vào tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 341 Bộ luật Hình sự, như quan điểm thứ ba mà tác giả đã nêu. Tuy nhiên,do không xác định được người làm giả, do B không biết họ, tên đệm, tuổi và địa chỉ, không có căn cứ làm rõ nên chỉ xử lý B về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, mà không xử lý B về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự.

Thứ hai, B đã có thủ đoạn gian dối, che giấu việc B đang thế chấp quyền sử dụng đất P và Q tại Ngân hàng A, đưa ra 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả đối với thửa đất P và Q để tạo lòng tin đối với chị Nguyễn Thị H, làm cho chị H tin rằng B có quyền giao dịch, thế chấp quyền sử dụng đất P và Q và cho B vay số tiền 01 tỷ đồng. Số tiền này B đã chiếm đoạt được và còn tiếp tục lừa đảo chị H số tiền 01 tỷ đồng nữa nhưng bị phát hiện kịp thời, nên chưa chiếm đoạt được (chưa đạt). Do đó hành vi của Bùi Thị B còn phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Thứ ba, việc Bùi Thị B sử dụng 02 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị H theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng. Do đó Bùi Thị B phạm vào tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 341 Bộ luật Hình sự.

Theo tác giả Nguyễn Thị Hiền- VKS huyện Yên Dũng thì hành vi của Bùi Thị B phạm tội“Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại điểm c khoản 2 Điều 341 BLHS với lập luận: Hành vi đặt làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả qua mạng xã hội thể hiện qua hành vi B liên hệ với M để thuê làm giả giấy tờ và bản thân cung cấp hình ảnh của 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thật, sau đó, M đã giao 02 Giấy chứng nhận giả cho B. Như vậy, hành vi làm giả tài liệu của B đã hoàn thành. Với hành vi trên M là người thực hành, B là người khởi xướng việc phạm tội và đồng phạm với vai trò giúp sức (cung cấp hình ảnh của 02 giấy chứng nhận để M thực hiện việc làm giả). Sau khi có tài liệu giả, B đã sử dụng 02 giấy chứng nhận giả để vay chị H số tiền 01 tỷ đồng. Hành vi của H là hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối, cụ thể là sử dụng giấy tờ giả, nhằm chiếm đoạt số tiền 01 tỷ đồng của người bị hại. Tuy B khai rằng sử dụng số tiền 01 tỷ vào mục đích kinh doanh nhưng trong cấu thành tội phạm của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không quy định về mục đích chiếm đoạt tài sản phải là bất hợp pháp, do đó, hành vi sử dụng thủ đoạn gian dối của B để vay tiền chị H vẫn thỏa mãn tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, tác giả đồng ý với quan điểm của tác giả Quỳnh về việc cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật về tội Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu giả của cơ quan tổ chức tại Điều 341 BLHS trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự./.

Ban Biên tập

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:29,069,333
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.118.9.200

    Thư viện ảnh