.

Thứ bảy, 20/04/2024 -15:25 PM

4.5. THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT XÉT XỬ TÁI THẨM.

 | 

Căn cứ kháng nghị tái thẩm.

Căn cứ Điều 291 BLTTHS thì những tình tiết được dùng làm căn cứ để kháng nghị tái thẩm là:

- Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật;

- Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;

- Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;

- Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.

Thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát theo thủ tục tái thẩm.

Căn cứ Điều 293 BLTTHS và Điều 64 Quy chế công tác THQCT & KSXXHS thì thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát được xác định như sau:

- Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

- Viện trưởng VKSND tối cao uỷ quyền cho Phó Viện trưởng VKSND tối cao phụ trách khối ký kháng nghị theo thủ tục tái thẩm những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh.

- Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án quân sự cấp dưới.

- Viện trưởng VKSND cấp tỉnh kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện.

- Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án quân sự khu vực.

Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

Căn cứ Điều 295 BLTTHS và Điều 65 Quy chế công tác THQCT & KSXXHS thì thời hạn kháng nghị được xác định như sau:

- Thời hạn kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án phải tiến hành trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 23 của BLHS và thời hạn kháng nghị không được quá 1 năm, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.

- Thời hạn kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.

- Việc kháng nghị về dân sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Nguồn phát hiện vi phạm pháp luật:

+ Căn cứ Điều 292 BLTTHS thì người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những tình tiết mới của vụ án và báo cho Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị tái thẩm ra quyết định xác minh những tình tiết đó.

+ Căn cứ Điều 59 Quy chế công tác THQCT&KSXXHS thì Kiểm sát viên nghiên cứu phát hiện những tình tiết của vụ án mới qua các nguồn sau đây: Báo cáo đề xuất kháng nghị của Viện kiểm sát các cấp; đơn đề nghị của người bị kết án, của mọi công dân hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức; tin tức trên các phương tiện thông tin đại chúng; kết quả kiểm tra công tác nghiệp vụ.

Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án và nghiên cứu hồ sơ vụ án.

+ Yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án: Căn cứ Điều 60 Quy chế công tác THQCT&KSXXHS thì sau khi phát hiện thấy những tình tiết mới của vụ án, Kiểm sát viên làm văn bản yêu cầu Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

+ Nghiên cứu hồ sơ vụ án: Căn cứ Điều 62 Quy chế công tác THQCT&KSXX thì Kiểm sát viên phải nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét những tình tiết mới được xác minh có được dùng làm căn cứ để kháng nghị tái thẩm không. Nếu những tình tiết mới làm thay đổi nội dung bản án hoặc quyết định thì báo cáo lãnh đạo Viện kháng nghị tái thẩm theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Nếu không có căn cứ kháng nghị tái thẩm thì Viện kiểm sát trả lời cho cơ quan, tổ chức hoặc người đã phát hiện biết rõ lý do không kháng nghị.

+ Ở VKSND tối cao ủy quyền cho Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự trả lời cho cơ quan, tổ chức hoặc người đã phát hiện biết, nếu họ tiếp tục đề nghị thì báo cáo lãnh đạo Viện xem xét, quyết định.

+ Ở Viện kiểm sát cấp tỉnh ủy quyền cho Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm trả lời cho cơ quan, tổ chức hoặc người đã phát hiện biết, nếu họ tiếp tục đề nghị thì báo cáo lãnh đạo Viện xem xét, quyết định.

Quyết định kháng nghị; gửi kháng nghị; xác minh theo thủ tục tái thẩm.

+ Quyết định kháng nghị: Theo quy định tại Điều 66 Quy chế công tác THQCT & KSXX thì quyết định kháng nghị phải nêu rõ lý do và hướng giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Kháng nghị bằng văn bản theo mẫu hướng dẫn của VKSND tối cao. Trường hợp cần thiết tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định đã bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm thực hiện theo Điều 294 BLTTHS.

+ Gửi kháng nghị: Căn cứ khoản 4 Điều 293 BLTTHS và Điều 67 Quy chế công tác THQCT&KSXX, kháng nghị được gửi cho: Tòa án sẽ xét xử tái thẩm cùng hồ sơ vụ án và các tài liệu mới điều tra xác minh; Tòa án đã ra bản án hoặc quyết định bị kháng nghị; người bị kết án và người có quyền và lợi ích liên quan đến việc bị kháng nghị; Viện kiểm sát cấp trên để báo cáo và Viện kiểm sát cấp dưới để theo dõi rút kinh nghiệm;

+ Đối với kháng nghị mà Viện trưởng VKSND tối cao ủy quyền cho Phó Viện trưởng VKSND tối cao phụ trách khối ký thì phải gửi cho Viện trưởng VKSND tối cao để báo cáo.

Hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên toà tái thẩm.

+ Tham gia phiên toà tái thẩm: Căn cứ Điều 297 BLTTHS và Điều 68 Quy chế công tác THQCT&KSXX thì Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên tham gia phiên toà tái thẩm cùng cấp. Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên chỉ phát biểu quan điểm về những vấn đề đã được Viện trưởng cho ý kiến. Nếu phải thay đổi cơ bản quan điểm đã được Viện trưởng cho ý kiến thì phải đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa để báo cáo Viện trưởng quyết định.

+ Kiểm sát việc tuân theo pháp luật ở thủ tục tái thẩm: Theo quy định tại Điều 69 Quy chế công tác THQCT&KSXXHS thì đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa tái thẩm phải kiểm sát việc tuân theo các thủ tục tố tụng tại phiên tòa. Chú ý, thành phần Hội đồng xét xử, thời hạn xét xử, thủ tục xét hỏi những người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa (nếu có) và việc biểu quyết của Hội đồng xét xử.

- Hoạt động của Kiểm sát viên sau phiên toà tái thẩm.

Những việc làm của Kiểm sát viên sau phiên tòa tái thẩm được thực hiện tương tự những việc làm của Kiểm sát viên sau phiên tòa giám đốc thẩm quy định tại Điều 58 của Quy chế công tác THQCT&KSXXHS.

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,702,016
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.141.198.146

    Thư viện ảnh