ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 21/01/2025 -03:46 AM

2.2. KIỂM SÁT VIỆC ÁP DỤNG, THAY ĐỔI, HUỶ BỎ CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN.

 | 

Xét phê chuẩn việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp:

- Theo khoản 4 Điều 81 BLTTHS, trong mọi trường hợp, việc bắt khẩn cấp phải được báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp để xét phê chuẩn. Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, (thời hạn 12 giờ xét phê chuẩn được tính liên tục kể cả trong và ngoài giờ làm việc), Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh bắt phải trả tự do ngay cho người bị bắt.

- Ngay sau khi nhận được hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp, Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án kiểm tra các tài liệu, chứng cứ chứng minh tính có căn cứ của việc bắt khẩn cấp đối với từng trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 81 BLTTHS.

- Nếu qua nghiên cứu hồ sơ thấy có dấu hiệu của việc lạm dụng việc bắt khẩn cấp, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ chưa thể hiện rõ căn cứ để bắt khẩn cấp hoặc người bị bắt không nhận tội, các chứng cứ trong hồ sơ có mâu thuẫn, người bị bắt là người nước ngoài, người có chức sắc trong tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc ít người hoặc trong trường hợp cần thiết khác thì Kiểm sát viên trực tiếp gặp, hỏi người bị bắt trước khi báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền xem xét, quyết định việc phê chuẩn.

- Khi cần gặp, hỏi người bị bắt khẩn cấp, Kiểm sát viên thông báo trước với Cơ quan điều tra để phối hợp trong quá trình gặp, hỏi người bị bắt. Biên bản ghi lời khai của người bị bắt do Kiểm sát viên lập phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 95 và Điều 125 BLTTHS và được lưu vào hồ sơ vụ án và hồ sơ kiểm sát.

Trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc bắt khẩn cấp, Viện kiểm sát phải quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn. Thời hạn này được tính liên tục, kể cả trong và ngoài giờ làm việc.

 

Kiểm sát việc tạm giữ:

- Theo khoản 3 Điều 86 BLTTHS, trong thời hạn 12 giờ, kể từ khi ra quyết định tạm giữ, quyết định tạm giữ phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

- Khi nhận được quyết định tạm giữ, gia hạn tạm giữ của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên tiến hành kiểm tra ngay tính có căn cứ và hợp pháp của việc tạm giữ, gia hạn tạm giữ để báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền xử lý như sau:

Nếu thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ hoặc trực tiếp ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ và yêu cầu Cơ quan điều tra trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

+ Nếu xét thấy việc gia hạn tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì ra quyết định không phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và yêu cầu người đã ra quyết định tạm giữ trả tự do ngay cho người bị tạm giữ theo quy định tại Điều 87 BLTTHS.

+ Nếu thấy việc gia hạn tạm giữ có căn cứ và cần thiết thì ra quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ.

+ Hàng tuần, Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Lãnh đạo đơn vị kiểm sát điều tra phối hợp với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra nắm số người bị bắt, bị tạm giữ, gia hạn tạm giữ; số người chuyển sang tạm giam; số người được trả tự do hoặc áp dụng biện pháp ngăn chặn khác; số người Viện kiểm sát không phê chuẩn việc bắt khẩn cấp, không phê chuẩn gia hạn tạm giữ; số người bị bắt không xử lý được bằng biện pháp hình sự; phát hiện và tổng hợp vi phạm của Cơ quan điều tra và báo cáo bằng văn bản lên Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.

 

Phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh tạm giam, quyết định áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam:

- Theo các quy định tại Điều 80 và Điều 88 BLTTHS thì Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp có quyền ra lệnh bắt bị can để tạm giam và ra lệnh tạm giam nhưng phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

- Trong thời hạn ba ngày, kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh tạm giam kèm theo tài liệu có liên quan của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên kiểm tra tài liệu, chứng cứ, đối chiếu với quy định tại Điều 80 và Điều 88 BLTTHS để làm rõ thẩm quyền, đối tượng, điều kiện tạm giam đối với từng trường hợp và báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền xem xét, quyết định việc phê chuẩn và hoàn trả hồ sơ ngay cho Cơ quan điều tra. Trường hợp chưa rõ căn cứ thì ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung tài liệu chứng cứ làm rõ căn cứ để xem xét, quyết định việc phê chuẩn.

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 88 BLTTHS, đối với bị can là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây: Bị can bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã; bị can được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố; bị can phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì họ sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.

Nếu thấy đủ căn cứ để tạm giam bị can theo quy định tại Điều 88 BLTTHS và cần thiết phải tạm giam bị can, nhưng Cơ quan điều tra không ra lệnh bắt bị can để tạm giam, thì Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra lệnh bắt bị can để tạm giam.

- Sau khi phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh tạm giam bị can, Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án phải kiểm sát chặt chẽ việc thi hành lệnh bắt bị can và thời hạn tạm giam bị can để kịp thời báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền xem xét, xử lý như sau:

+ Nếu còn thời hạn tạm giam nhưng thấy biện pháp tạm giam đối với bị can không còn cần thiết thì đề nghị Cơ quan điều tra ra quyết định huỷ bỏ biện pháp tạm giam hoặc thay thế bằng một biện pháp ngăn chặn khác.

+ Nếu thời hạn tạm giam còn không quá 10 ngày mà Cơ quan điều tra chưa có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam bị can, thì Kiểm sát viên trao đổi với Điều tra viên để phối hợp xem xét vấn đề này.

Trong thời hạn không quá 5 ngày trước khi hết hạn tạm giam, Kiểm sát viên thụ lý vụ án báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền để xem xét, quyết định một trong các phương án xử lý việc tạm giam bị can, như đề nghị Cơ quan điều tra huỷ bỏ, thay thế biện pháp tạm giam; gia hạn tạm giam đối với bị can hoặc Viện kiểm sát trực tiếp huỷ bỏ biện pháp tạm giam đối với bị can.

 

Quyết định gia hạn tạm giam để điều tra:

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 120 BLTTHS, trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

- Đối với các vụ án được thụ lý điều tra ở cấp tỉnh và thuộc trường hợp được quy định tại đoạn 1 khoản 5 Điều 120 BLTTHS, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao uỷ quyền cho Kiểm sát viên giữ chức vụ Vụ trưởng đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra xem xét, quyết định việc gia hạn tạm giam lần thứ ba.

- Trong trường hợp vụ án được thụ lý điều tra ở cấp Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao uỷ quyền cho Kiểm sát viên giữ chức vụ Vụ trưởng đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra xem xét, quyết định việc gia hạn thời hạn tạm giam lần thứ nhất và lần thứ hai; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao uỷ quyền xem xét, quyết định việc gia hạn tạm giam lần thứ ba.

- Trong trường hợp cần thiết đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao uỷ quyền xem xét, quyết định gia hạn tạm giam thêm một lần nữa không quá bốn tháng.

- Những trường hợp gia hạn tạm giam bị can thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp thì Viện kiểm sát cấp dưới phải có văn bản đề nghị gia hạn, trong đó báo cáo rõ các vấn đề như: Nội dung vụ án, hành vi phạm tội của bị can, lý do đề nghị gia hạn và chuyển hồ sơ vụ án lên Viện kiểm sát cấp trên.

+ Chậm nhất năm ngày làm việc trước khi hết hạn tạm giam, hồ sơ vụ án kèm theo văn bản đề nghị gia hạn phải có ở Viện kiểm sát cấp trên để xem xét, quyết định việc gia hạn.

+ Trong thời hạn không quá năm ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản đề nghị và hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát cấp trên phải ra quyết định gia hạn hoặc không gia hạn tạm giam; nếu không gia hạn tạm giam thì trong quyết định không gia hạn tạm giam phải nêu rõ lý do và được gửi ngay cho Viện kiểm sát cấp dưới.

 

Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn khác:

Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án phải kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ các biện pháp ngăn chặn khác của Cơ quan điều tra, gồm: Cấm đi khỏi nơi cư trú (Điều 91 BLTTHS), bảo lĩnh (Điều 92 BLTTHS), đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm (Điều 93 BLTTHS), bảo đảm việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn này có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,222,030
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.143.17.75

    Thư viện ảnh