ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 21/01/2025 -09:17 AM

2.1.THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT VIỆC KHỞI TỐ VỤ ÁN HÌNH SỰ, KHỞI TỐ BỊ CAN

 | 

Tiếp nhận, xử lý và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố:

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Lãnh đạo đơn vị kiểm sát điều tra phân công Kiểm sát viên tiếp nhận, quản lý đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm do cá nhân, cơ quan, tổ chức và kiến nghị khởi tố do cơ quan Nhà nước chuyển đến.

- Kiểm sát viên khi được giao nhiệm vụ tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm yêu cầu đầu tiên là phải đánh giá sơ bộ bước đầu về tính chất của tố giác, tin báo đó để có phương pháp xử lý kịp thời, đúng pháp luật.

+ Đối với các tố giác, tin báo về tội phạm có tính khẩn cấp và yêu cầu đặt ra là cần phải khám nghiệm hiện trường hoặc cần ngăn chặn ngay hành vi phạm tội thì Kiểm sát viên được phân công phải tiến hành sơ vấn người báo tin để nhanh chóng nắm được thông tin ban đầu và báo cáo ngay với lãnh đạo để có biện pháp xử lý kịp thời. Nội dung sơ vấn ngắn gọn, như: Sự việc gì đã xảy ra?; địa điểm xảy ra? Nếu ở nông thôn thì ghi rõ thôn, xóm, bản, xã, huyện; nếu ở thành phố thì ghi rõ số nhà, đường phố, phường, quận…; thời gian xảy ra sự việc hoặc thời gian phát hiện; những người biết sự việc xảy ra; hậu quả xảy ra (thiệt hại về người, tài sản…); ai là người thực hiện (nếu họ biết)? Có thể ghi lại số điện thoại hoặc địa chỉ của người báo tin để liên hệ với họ khi cần thiết.

+ Nếu vụ việc xảy ra có nhiều người tham gia và có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nếu không kịp thời ngăn chặn thì hậu quả xảy ra không thể lường hết được hoặc ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương thì Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo để phối hợp với cơ quan Công an có biện pháp giải quyết.

+ Nếu sự việc xảy ra cần phải khám nghiệm hiện trường, như trộm cắp, giết người, phát hiện có tử thi, cháy nổ, sau khi nhận được tố giác, tin báo, Kiểm sát viên vào sổ thụ lý và báo cáo nội dung sự việc với Lãnh đạo viện để và thông báo với Cơ quan điều tra cùng cấp để phối hợp tổ chức bảo vệ hiện trường, tổ chức cấp cứu và lấy sinh cung (nếu nạn nhân sắp chết); truy bắt người thực hiện hành vi phạm tội (nếu xác định được ngay sau khi sự việc xảy ra) và tiến hành khám nghiệm đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền …

+ Đối với các tố giác, tin báo về tội phạm do cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp đến Viện kiểm sát cung cấp, Kiểm sát viên phải vào sổ thụ lý; ghi rõ ngày, tháng, năm tiếp nhận; nội dung tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tên, tuổi và địa chỉ của người hoặc cơ quan, tổ chức cung cấp; sau đó tiến hành phân tích đánh giá bước đầu về các thông tin, tài liệu đã thu thập được để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo đồng thời làm thủ tục chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành thẩm tra, xác minh, đồng thời lập kế hoạch theo dõi, kiểm tra kết quả giải quyết của Cơ quan điều tra.

+ Nếu tố giác, tin báo về tội phạm được gửi đến VKSND bằng đơn, thư, công văn thông qua bưu điện cũng như các tố giác, tin báo về tội phạm do Viện kiểm sát trực tiếp thu thập được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng thì Kiểm sát viên sau khi vào sổ thụ lý phải nghiên cứu nội dung sự việc để báo cáo lãnh đạo xin ý kiến trước khi chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.

+ Đối với kiến nghị khởi tố vụ án hình sự do cơ quan nhà nước chuyển đến thường kèm theo các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được trong quá trình kiểm tra, thanh tra cùng với bản kết luận về hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu tội phạm (hồ sơ thanh tra, kiểm tra). Trong trường hợp này, Kiểm sát viên được phân công phải tiến hành nghiên cứu, phân loại, đánh giá các tài liệu chứng cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội xảy ra để báo cáo với lãnh đạo. Nếu có căn cứ xác định sự việc xảy ra có dấu hiệu tội phạm thì Kiểm sát viên làm báo cáo bằng văn bản đề nghị lãnh đạo ra quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ cho Cơ quan điều tra và yêu cầu khởi tố vụ án hình sự. Nếu qua nghiên cứu xác định chưa có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì Kiểm sát viên báo cáo với lãnh đạo làm thủ tục chuyển hồ sơ, tài liệu cho Cơ quan điều tra để tiếp tục kiểm tra, xác minh thêm và giải quyết theo thẩm quyền.

+ Đối với các tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm các hoạt động tư pháp mà người thực hiện là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp thì sau khi tiếp nhận, Kiểm sát viên phải báo cáo với lãnh đạo để chuyển ngay đến Cục điều tra hình sự thuộc VKSND tối cao thẩm tra, xác minh và giải quyết theo thẩm quyền.

- Kiểm sát viên được phân công phải kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận và giải quyết của Cơ quan điều tra cùng cấp đối với các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

- Kiểm sát viên phải kiểm tra quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đảm bảo hoạt động của Cơ quan điều tra theo đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết; nếu phát hiện có vi phạm pháp luật thì yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục kịp thời hoặc báo cáo lãnh đạo ra văn bản kiến nghị.

- Hàng tuần, Kiểm sát viên yêu cầu Cơ quan điều tra cùng cấp thông báo đầy đủ cho Viện kiểm sát các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố mà Cơ quan điều tra đã tiếp nhận được; đồng thời phối hợp để phân loại, xử lý kịp thời.

- Kiểm sát viên cần căn cứ vào quy định tại tiết c, điểm 7 Mục I Thông tư liên tịch số 01/2005 để tiến hành hoạt động kiểm sát. Theo đó, “Cơ quan Công an có trách nhiệm thống kê kết quả tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm từ kết quả xử lý những vụ vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của mình và chuyển kết quả tổng hợp thống kê sang Viện kiểm sát cùng cấp, sau khi loại thống kê này được thực hiện”.

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 103 BLTTHS, trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin; nếu xác định có dấu hiệu tội phạm xảy ra thì ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 BLTTHS thì ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra phải gửi các quyết định đó kèm theo các tài liệu liên quan cho Viện kiểm sát cùng cấp để tiến hành kiểm sát.

- Hàng tháng, Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện, Lãnh đạo đơn vị kiểm sát điều tra cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp nắm số lượng, kết quả giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã tiếp nhận; nếu phát hiện có tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố chưa được giải quyết theo thời hạn luật định thì yêu cầu Cơ quan điều tra nêu rõ lý do, hướng giải quyết và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát theo quy định tại Điều 103 BLTTHS.

 

Kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự, việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự:

- Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác được giao tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Lãnh đạo đơn vị kiểm sát điều tra cử Kiểm sát viên tiến hành kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án để xem xét, xử lý.

- Kiểm sát viên phải nghiên cứu các tài liệu dùng làm căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, bao gồm: Các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và các tài liệu kèm theo do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; các tài liệu kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét... cùng các tài liệu, dấu vết, tang vật đã được phát hiện thu giữ (đối với các vụ án có khám nghiệm hiện trường); đơn yêu cầu khởi tố của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần theo quy định tại Điều 105 BLTTHS; biên bản và kết quả giám định dấu vết, tang vật như dấu vết máu, dấu vết súng đạn, dấu vết đường vân; chất ma túy…; biên bản và kết quả giám định thương tật; biên bản và kết quả định giá tài sản; biên bản ghi lời khai của người bị hại, người làm chứng...

- Đối với các vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, Kiểm sát viên phải nghiên cứu, xem xét quyết định khởi tố và các tài liệu có liên quan để xác định việc khởi tố vụ án hình sự có thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 105 BLTTHS hay không? Sau khi kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định khởi tố thì Kiểm sát viên được cử phải báo cáo kết quả nghiên cứu với Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Lãnh đạo đơn vị kiểm sát điều tra để xem xét xử lý như sau:

+ Nếu thấy quyết định khởi tố vụ án có căn cứ và hợp pháp thì ra quyết định phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng đối với vụ án và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã khởi tố biết; nếu chưa rõ căn cứ thì yêu cầu cơ quan đã khởi tố bổ sung tài liệu, chứng cứ làm rõ căn cứ khởi tố.

+ Nếu thấy quyết định khởi tố vụ án rõ ràng là không có căn cứ thì ra văn bản yêu cầu cơ quan đã khởi tố ra quyết định huỷ bỏ; nếu cơ quan đã khởi tố không nhất trí thì báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền ra quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 109 BLTTHS và điểm 7.1 mục 7 Thông tư liên ngành số 05/2005/TTLN-VKSTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005.

+ Nếu thấy tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội hoặc còn có tội phạm khác chưa được khởi tố thì Kiểm sát viên thụ lý vụ án báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền yêu cầu cơ quan đã khởi tố ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu Cơ quan đã khởi tố không nhất trí thì báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.

+ Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi thay đổi hoặc bổ sung, Kiểm sát viên gửi các quyết định này cho cơ quan đã khởi tố để tiến hành điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 106 BLTTHS.

+ Nếu thấy quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự của cơ quan đã ra quyết định không có căn cứ thì Kiểm sát viên thụ lý vụ án báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền yêu cầu cơ quan đó quyết định hoặc trực tiếp ra quyết định huỷ bỏ quyết định đó.

- Đối với quyết định khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên thụ lý vụ án phải kiểm tra tính có căn cứ của quyết định khởi tố đó và báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền xử lý như sau:

+ Nếu quyết định khởi tố vụ án hình sự có căn cứ thì chuyển quyết định khởi tố vụ án hình sự kèm theo các tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra;

+ Nếu quyết định khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ thì kháng nghị lên Toà án cấp trên.

 

Kiểm sát việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự:

- Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định không khởi tố vụ án hình sự và các tài liệu có liên quan của Cơ quan điều tra hoặc các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Lãnh đạo đơn vị kiểm sát điều tra phân công Kiểm sát viên kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của các quyết định đó.

- Các tài liệu, chứng cứ mà Kiểm sát viên cần phải kiểm tra, xem xét, đánh giá bao gồm: Quyết định không khởi tố vụ án hình sự; các tài liệu, chứng cứ ban đầu do các cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang và cá nhân cung cấp kèm theo đơn tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố đã được Cơ quan điều tra có thẩm quyền kiểm tra, xác minh; biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi (Đối với các trường hợp chết người chưa rõ nguyên nhân, tai nạn giao thông) biên bản khám nghiệm hiện trường (đối với các trường hợp trộm cắp tài sản; cướp tài sản, hiếp dâm...) cùng với các tài liệu, tang vật đã được phát hiện, thu giữ; kết quả giám định các dấu vết, tang vật như giám định dấu vết máu, dấu vết súng đạn, dấu vết đường vân...; biên bản đã ghi lời khai của người bị hại, người làm chứng...

- Trên cơ sở kết quả kiểm tra các tài liệu, chứng cứ dùng làm cơ sở để ra quyết định không khởi tố vụ án, Kiểm sát viên báo cáo tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định đó với Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc lãnh đạo đơn vị và xử lý như sau:

+ Nếu thấy quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan đã khởi tố có căn cứ thì thông báo cho các cơ quan đó biết; nếu chưa rõ căn cứ thì yêu cầu các cơ quan này bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ.

+ Nếu thấy quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra không có căn cứ thì yêu cầu Cơ quan điều tra huỷ bỏ và ra quyết định khởi tố vụ án; hoặc Kiểm sát viên báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định huỷ bỏ quyết định không khởi tố vụ án và ra quyết định khởi tố vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 109 BLTTHS và gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

+ Nếu thấy quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra không có căn cứ thì Kiểm sát viên báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định huỷ bỏ quyết định này và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; đồng thời, yêu cầu cơ quan đã ra quyết định không khởi tố vụ án chuyển toàn bộ tài liệu có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra.

 

Giải quyết yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử:

- Khi nhận được yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên thụ lý vụ án tiến hành kiểm tra các tài liệu, chứng cứ và báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền để xử lý như sau:

+ Nếu thấy yêu cầu khởi tố vụ án của Hội đồng xét xử có căn cứ thì ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và chuyển ngay quyết định đó kèm theo tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra;

+ Nếu thấy yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử không có căn cứ thì ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và gửi quyết định đó cho Toà án nơi Hội đồng xét xử yêu cầu khởi tố.

 

Xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can:

- Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra hoặc cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên thụ lý vụ án tiến hành kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định khởi tố bị can.

Kiểm sát viên phải tiến hành nghiên cứu, kiểm tra các văn bản, tài liệu, chứng cứ có liên quan, như: Công văn đề nghị xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can; Quyết định khởi tố vụ án; Quyết định khởi tố bị can; Biên bản giao quyết định khởi tố bị can. Các tài liệu làm căn cứ khởi tố bị can bao gồm: Đơn tố giác, tin báo về tội phạm và các tài liệu ban đầu do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; tài liệu do Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh; Biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; Biên bản, kết luận giám định; Biên bản, kết quả định giá tài sản; Biên bản ghi lời khai của người làm chứng, người bị hại; Biên bản nhận dạng, đối chất; Biên bản bắt, khám xét khẩn cấp; Biên bản phạm tội quả tang; Biên bản ghi lời khai của người bị tình nghị thực hiện tội phạm, người bị bắt, bị tạm giữ; biên bản hỏi cung bị can; Trích, sao quyết định xử phạt hành chính; Bản kê các tài liệu trong hồ sơ và từng trang tài liệu được đánh dấu bút lục của Cơ quan điều tra.

- Sau khi kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định khởi tố bị can, nếu thấy quyết định khởi tố bị can có căn cứ và hợp pháp thì Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền để quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho cơ quan đã khởi tố. Nếu thấy chưa rõ căn cứ xác định bị can phạm tội thì Kiểm sát viên yêu cầu cơ quan đã khởi tố bổ sung tài liệu, chứng cứ làm rõ căn cứ khởi tố.

- Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án có thể hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, người bị hại để làm rõ căn cứ khởi tố bị can trước khi báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền xem xét, quyết định việc phê chuẩn hay huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can. Biên bản ghi lời khai những người này do Kiểm sát viên lập được chuyển cho cơ quan đã khởi tố để đưa vào hồ sơ vụ án.

- Nếu thấy ngoài bị can đã bị khởi tố còn có người khác đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố thì Kiểm sát viên thụ lý vụ án báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền ra văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố bị can đối với người đó; trong trường hợp sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra mà phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án mà chưa bị khởi tố thì Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng để xem xét, quyết định việc khởi tố bị can theo qui định tại khoản 5 Điều 126 BLTTHS.

- Nếu hết thời hạn tạm giữ vẫn không đủ căn cứ phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với người đang bị tạm giữ thì Kiểm sát viên thụ lý vụ án báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền ra quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can và yêu cầu cơ quan đã khởi tố bị can trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.

- Trong quá trình kiểm sát điều tra, nếu thấy hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố mà phạm vào tội khác hoặc còn có hành vi phạm tội khác với tội danh đã khởi tố thì Kiểm sát viên thụ lý vụ án báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can hoặc trực tiếp ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can và gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can, theo quy định tại khoản 2 Điều 127 BLTTHS.

- Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án kiểm tra tài liệu, chứng cứ, báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền ra quyết định phê chuẩn hoặc huỷ bỏ quyết định bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can và gửi cho Cơ quan điều tra.

- Trường hợp phải thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can thì Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự.

- Nếu quá trình điều tra xác định được hành vi của bị can phạm vào tội được quy định tại khoản khác với khoản trong cùng một điều luật về cùng một tội danh đã khởi tố đối với bị can thì không phải thay đổi quyết định khởi tố bị can.

- Nếu thấy cần tạm giam bị can theo thời hạn của tội phạm quy định tại khoản của điều luật có khung hình phạt nặng hơn hoặc chuyển vụ án để điều tra, truy tố theo thẩm quyền thì phải ghi rõ lý do này trong lệnh tạm giam hoặc trong quyết định chuyển vụ án.

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,225,237
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.147.63.222

    Thư viện ảnh