ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ ba, 21/01/2025 -06:20 AM

2.4. THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT VIỆC TẠM ĐÌNH CHỈ ĐIỀU TRA, ĐÌNH CHỈ ĐIỀU TRA VÀ KIỂM SÁT VIỆC KẾT THÚC ĐIỀU TRA

 | 

Kiểm sát việc tạm đình chỉ điều tra, truy nã bị can

- Kiểm sát viên kiểm sát việc tạm đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, bảo đảm các trường hợp tạm đình chỉ điều tra thực hiện theo đúng quy định tại Điều 160 BLTTHS; nếu thấy quyết định tạm đình chỉ điều tra không có căn cứ thì báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền ra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra theo quy định tại Điều 165 BLTTHS.

- Khi phát hiện bị can trốn hoặc không xác định được bị can ở đâu thì Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can trước khi tạm đình chỉ điều tra theo quy định tại Điều 161 BLTTHS.

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc lãnh đạo đơn vị kiểm sát điều tra phải phân công Kiểm sát viên thường xuyên theo dõi, quản lý các vụ án đã tạm đình chỉ. Khi thấy lý do tạm đình chỉ không còn thì Kiểm sát viên được phân công thụ lý giải quyết vụ án phải báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền ra văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra vụ án để tiến hành điều tra.

- Khi Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án tạm đình chỉ điều tra chuyển công tác; chuyển làm việc khác hoặc có lý do khác phải nghỉ việc thì Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Lãnh đạo đơn vị kiểm sát điều tra phải phân công Kiểm sát viên khác tiếp tục theo dõi, quản lý vụ án đó.

- Viện kiểm sát các cấp phải mở sổ quản lý, theo dõi các vụ án tạm đình chỉ và định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 1 năm) báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.

Kiểm sát việc kết thúc điều tra

- Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc kết thúc điều tra vụ án, bảo đảm các vụ án đã được khởi tố, điều tra phải được kết thúc bằng bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản kết luận điều tra kèm theo quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra. Bản kết luận điều tra đề nghị truy tố và bản kết luận điều tra kèm theo quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra phải thể hiện được đầy đủ các nội dung được quy định tại Điều 163 và Điều 164 BLTTHS. Bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra phải được gửi cho bị can, người bào chữa theo quy định tại khoản 4 Điều 162 BLTTHS.

- Trường hợp Cơ quan điều tra đã làm bản kết luận điều tra đề nghị truy tố nhưng hồ sơ chưa chuyển sang Viện kiểm sát, nếu qua kiểm sát việc kết thúc điều tra Kiểm sát viên thấy có đủ căn cứ đình chỉ điều tra thì báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền có ý kiến để Cơ quan điều tra làm lại bản kết luận điều tra và ra quyết định đình chỉ điều tra.

Kiểm sát việc đình chỉ điều tra

- Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ khi nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ vụ án để kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định đình chỉ điều tra theo quy định tại Điều 164 BLTTHS và báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền xem xét, xử lý như sau:

+ Nếu quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì có văn bản trả lại hồ sơ cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền;

+ Nếu quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì ra quyết định huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra;

+ Nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì quyết định huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố bị can.

- Trong trường hợp quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra huỷ bỏ ngay biện pháp ngăn chặn, trả lại các đồ vật, tài liệu đã tạm giữ hoặc tịch thu cho bị can hoặc người có liên quan. Đối với biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn thì yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành các thủ tục để Viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ.

Kiểm sát việc phục hồi điều tra

- Khi nhận được quyết định phục hồi điều tra vụ án của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên kiểm tra căn cứ phục hồi điều tra theo quy định tại Điều 165 BLTTHS, báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền xem xét, xử lý như sau:

+ Nếu quyết định phục hồi điều tra có căn cứ thì cử Kiểm sát viên tiến hành tố tụng đối với vụ án;

+ Nếu quyết định phục hồi điều tra không có căn cứ thì ra quyết định huỷ bỏ quyết định phục hồi điều tra của Cơ quan điều tra.

- Nếu việc đình chỉ điều tra theo quy định tại điểm 5 và điểm 6 Điều 107 BLTTHS (đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá) mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được Viện trưởng uỷ quyền yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra hoặc trực tiếp ra quyết định phục hồi điều tra và gửi quyết định đó cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,223,269
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.119.19.219

    Thư viện ảnh