.

Thứ năm, 25/04/2024 -02:22 AM

4.3. HOẠT ĐỘNG CỦA KIỂM SÁT VIÊN KHI THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT XÉT XỬ PHÚC THẨM HÌNH SỰ.

 | 

1. Hoạt động của Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa phúc thẩm.

Nghiên cứu kháng cáo, kháng nghị.

- Nghiên cứu thủ tục kháng cáo, kháng nghị:

+ Theo quy định tại Mục 2 Phần III Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP thì khi vụ án có kháng cáo hoặc kháng nghị được chuyển đến Toà phúc thẩm, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Toà án cấp phúc thẩm chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu trước. Thời gian nghiên cứu hồ sơ của Viện kiểm sát cấp tỉnh là 10 ngày, cấp Trung ương là 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.

+ Sau khi nhận được hồ sơ vụ án do Toà phúc thẩm chuyển đến, Kiểm sát viên tham gia phiên toà xét xử phúc thẩm phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án. Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên kiểm tra xem xét lý do yêu cầu của kháng cáo, kháng nghị và thủ tục kháng cáo, kháng nghị ...

- Nghiên cứu nội dung kháng cáo, kháng nghị:

+ Kiểm sát viên phải nghiên cứu nội dung đơn kháng cáo và quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát (cùng cấp hoặc trên một cấp) để nắm chắc được lý do kháng cáo, kháng nghị; yêu cầu của kháng cáo, kháng nghị giải quyết vấn đề gì (tăng, giảm hình phạt; thay đổi tội danh; áp dụng điểm, khoản, điều luật áp dụng; xin được hưởng án treo; tăng, giảm bồi thường; đề nghị minh oan vì không có tội…).

+ Trong trường hợp vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị quy định tại Điều 234 của BLTTHS, thì theo quy định tại Mục 7.1 Phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP, người kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi nội dung kháng cáo, kháng nghị đối với phần hoặc toàn bộ bản án mà mình có quyền kháng cáo, kháng nghị theo hướng có lợi hoặc không có lợi cho bị cáo.

+ Trong trường hợp người kháng cáo, Viện kiểm sát đã rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, kháng nghị nhưng sau đó có kháng cáo, kháng nghị lại mà vẫn còn trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị, thì vẫn được chấp nhận để xét xử phúc thẩm theo thủ tục chung.

+ Trong trường hợp đã hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị theo quy định tại Điều 234 của BLTTHS, thì trước khi bắt đầu hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền bổ sung, thay đổi nội dung kháng cáo, kháng nghị, nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo. Căn cứ Mục 3.3 phần II Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP thì "làm xấu hơn tình trạng của bị cáo" được hiể là những trường hợp: chuyển khung hình phạt nặng hơn; áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn; không cho hưởng án treo đối với bị cáo được Toà án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo; tăng mức bồi thường thiệt hại; áp dụng thêm hình phạt bổ sung; áp dụng thêm biện pháp tư pháp so với bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Kiểm sát viên cần căn cứ vào đây để kiểm sát việc kháng cáo hoặc kháng nghị bổ sung.

Nghiên cứu nội dung vụ án.

- Nghiên cứu tính có căn cứ của bản án sơ thẩm: Trong phạm vi những phần của án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ nội dung vụ án sơ thẩm để nắm được việc kết tội của Tòa án trong bản án sơ thẩm dựa vào những căn cứ nào? Đối chiếu với hồ sơ điều tra, với nội dung bản kết luận điều tra, nội dung bản cáo trạng; so sánh với lời luận tội của Kiểm sát viên ở phiên toà sơ thẩm để xem có gì khác biệt với nhận định của bản án sơ thẩm không? Đồng thời còn phải nghiên cứu biên bản phiên toà để qua đó hình dung được quá trình diễn biến phiên toà sơ thẩm.

- Kiểm tra phần thủ tục tố tụng của vụ án để xác định hồ sơ vụ án chuẩn bị được đưa ra xét xử phúc thẩm có chấp hành đầy đủ các quy định về tố tụng hình sự hay không? Phiên toà sơ thẩm được xét xử đã chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật chưa? Thời hạn xét xử phúc thẩm, về việc áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo...đã đúng chưa?.

- Nghiên cứu bản án sơ thẩm để nắm được nội dung vụ án, những chứng cứ được nêu ra để làm căn cứ buộc tội bị cáo; hành vi phạm tội của bị cáo và những dấu hiệu đặc trưng của tội phạm mà án sơ thẩm nhận định; tội danh, hình phạt mà án sơ thẩm đã quyết định.

Trên cơ sở của các nghiên cứu trên, Kiểm sát viên đưa ra nhận xét về việc án sơ thẩm kết tội như vậy có đúng với các quy định của BLHS không? Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã đầy đủ chưa? Các tình tiết thuộc về nhân thân của bị cáo đã rõ ràng chưa? Nếu thấy việc xét xử sơ thẩm đã có căn cứ và đúng pháp luật thì đối chiếu với nội dung của kháng cáo, kháng nghị để xem xét. Từ đó rút ra kết luận việc kháng cáo, kháng nghị là có căn cứ hay không có căn cứ.

- Trong khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải ghi chép, trích cứu đầy đủ các lời khai của bị cáo, của những người tham gia tố tụng tại phiên toà sơ thẩm và các tài liệu liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị. Ngoài ra, Kiểm sát viên còn phải kiểm tra biện pháp ngăn chặn để đề nghị Toà án cấp phúc thẩm áp dụng, thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn theo quy định của BLTTHS.

Việc rút kháng nghị của Viện kiểm sát trước khi mở phiên tòa.

- Sau khi đã có quyết định kháng nghị, nếu thấy việc kháng nghị là không có căn cứ, hoặc có tình tiết mới có thể đã thay đổi tính chất, nội dung sự việc nên việc kháng nghị không còn phù hợp nữa thì Kiểm sát viên phải đề xuất việc rút kháng nghị. Việc bổ sung, thay đổi và rút kháng nghị thực hiện theo quy định của Điều 37 Quy chế công tác THQCT&KSXXHS.

- Trước khi rút quyết định đều phải trao đổi trước với Lãnh đạo Viện kiểm sát đã ban hành kháng nghị. Việc rút kháng nghị phải bằng văn bản, nêu rõ lý do gửi cho Toà phúc thẩm và đồng gửi cho các nơi khác theo quy định tại Điều 35 Quy chế công tác THQCT&KSXXHS.

Việc xác minh ở cấp phúc thẩm.

- Theo quy định tại Điều 38 Quy chế công tác THQCT&KSXXHS thì Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh quyết định việc xác minh theo thủ tục phúc thẩm của cấp mình.

- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao uỷ quyền cho Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm quyết định việc xác minh theo thủ tục phúc thẩm của cấp mình.

- Kiểm sát viên có thể tự mình hoặc yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới điều tra xác minh bổ sung những chứng cứ mới như: Hỏi cung bị cáo, lấy lời khai của người có liên quan, tổ chức đối chất, xem xét lại hiện trường để làm rõ những tình tiết của vụ án trong thời hạn xét xử phúc thẩm, việc xác minh phải được Kiểm sát viên ghi biên bản, trong trường hợp thấy cần thiết có thể ghi âm, chụp ảnh, ghi hình để lưu hồ sơ vụ án.

- Đối với những vấn đề không thể điều tra xác minh bổ sung được thì Kiểm sát viên kết luận đề nghị huỷ án giao về cấp sơ thẩm để điều tra lại theo quy định tại Điều 250 BLTTHS.

Báo cáo án.

- Theo quy định tại Điều 40 Quy chế công tác THQCT&KSXXHS thì trước khi tham gia phiên toà phúc thẩm, Kiểm sát viên phải viết dự thảo quan điểm của Viện kiểm sát về tính hợp pháp, tính có căn cứ của kháng cáo, kháng nghị; phân tích làm sáng tỏ quan điểm kháng nghị của Viện kiểm sát đối với những vi phạm pháp luật của bản án hoặc quyết định sơ thẩm; phân tích về nội dung kháng cáo, lý do chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo; phân tích, kết luận những phần không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo đã được phát hiện qua việc nghiên cứu hồ sơ vụ án. Đề xuất quan điểm giải quyết đối với bản án hoặc quyết định bị kháng cáo, kháng nghị theo đúng quy định của pháp luật

- Kiểm sát viên phải nắm vững nội dung vụ án và nội dung kháng cáo, kháng nghị khi báo cáo Lãnh đạo Viện để khi Lãnh đạo Viện hỏi về những tình tiết quan trọng của vụ án thì Kiểm sát viên có thể trả lời được.

- Báo cáo đề xuất phải bằng văn bản. Khi báo cáo Kiểm sát viên phải ghi đầy đủ ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ án của Lãnh đạo Viện, làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá ở các giai đoạn tiếp theo (kiểm tra, thanh tra…).

Viết dự thảo đề cương xét hỏi.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Quy chế công tác THQCT & KSXXHS thì trước khi tham gia phiên toà phúc thẩm, Kiểm sát viên phải dự thảo đề cương xét hỏi, tập trung vào những vấn đề và những tình tiết liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Đề cương xét hỏi phải được lưu trong hồ sơ kiểm sát xét xử phúc thẩm.

- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hồ sơ vụ án, nghiên cứu án sơ thẩm và nội dung kháng cáo, kháng nghị, Kiểm sát viên phải chuẩn bị cho việc xét hỏi tại phiên toà, phục vụ cho việc xét kháng cáo, kháng nghị. Các câu hỏi đều phải có chuẩn bị trước, câu hỏi đặt ra phải rõ nghĩa, dễ hiểu. Các câu liên quan đến việc xem xét, giải quyết nội dung kháng cáo, kháng nghị.

Dự thảo quan điểm của Viện kiểm sát.

- Trên cơ sở nội dung đã chuẩn bị khi báo cáo án và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên cần chuẩn bị trước quan điểm sẽ phát biểu tại phiên toà phúc thẩm.

- Nội dung phát biểu quan điểm khác với nội dung luận tội ở phiên toà sơ thẩm. Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về tính hợp pháp và có căn cứ của bản án sơ thẩm. Trên cơ sở các quy định của pháp luật mà đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận hay không chấp nhận nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nội dung phát biểu quan điểm cần phân tích cả về tính hợp pháp và tính có căn cứ của án sơ thẩm. Khi đề nghị chấp nhận hoặc không chấp nhận nội dung kháng cáo, kháng nghị phải phân tích và nêu rõ lý do.

2. Hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm.

Kiểm sát việc chấp hành thủ tục tố tụng của Hội đồng xét xử.

- Khi tham gia phiên toà phúc thẩm, Kiểm sát viên phải kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử về thủ tục phiên toà; về thành phần Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên toà; về việc bổ sung và xem xét chứng cứ mới tại phiên toà; về việc tuyên án hoặc quyết định của Hội đồng xét xử. Ngay sau khi tuyên án Kiểm sát viên phải kiểm sát việc Hội đồng xét xử áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo tại phiên toà theo quy định tại khoản 2 Điều 243 BLTTHS.

- Kiểm sát viên căn cứ Mục 3 Phần II Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành Điều 245 BLTTHS để kiểm sát phần thủ tục phiên toà trong từng trường hợp.

- Kiểm sát viên căn cứ Điều 46 BLTTHS để kiểm tra thành phần Hội đồng xét xử, nếu thấy có Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xử án mà thuộc các trường hợp phải thay đổi thì đề nghị Hội đồng xét xử xem xét quyết định. Kết thúc phần thủ tục, Hội đồng xét xử sẽ hỏi ý kiến của Kiểm sát viên về phần thủ tục, Kiểm sát viên phải nói rõ ý kiến của mình là đã đầy đủ chưa? Có cần phải bổ sung vấn đề gì không?

- Về xem xét chứng cứ tại phiên toà: Theo quy định tại khoản 2 Điều 246 BLTTHS thì chứng cứ cũ, chứng cứ mới, tài liệu, đồ vật mới bổ sung đều phải được xem xét tại phiên toà. Kiểm sát viên phải có trách nhiệm xem xét chứng cứ một cách toàn diện kể cả chứng cứ đã được thu thập trước đó và chứng cứ mới được đưa ra xem xét, đánh giá ở phiên toà phúc thẩm.

Tham gia xét hỏi tại phiên toà.

- Khi xét hỏi, giống như ở phiên toà sơ thẩm, chủ toạ phiên toà hỏi trước, đến các thành viên khác trong Hội đồng xét xử rồi đến Kiểm sát viên.

- Kiểm sát viên phải theo dõi và ghi chép nội dung xét hỏi của Hội đồng xét xử, của người bào chữa và ý kiến của người được xét hỏi để chủ động tham gia xét hỏi nhằm kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp của bản án hoặc quyết định sơ thẩm đối với những vấn đề có kháng cáo, kháng nghị.

- Kiểm sát viên phải đặt câu hỏi rõ ràng, dễ hiểu, tránh giải thích, kết luận ngay. Việc xét hỏi của Kiểm sát viên cần dựa vào dự thảo đề cương xét hỏi đã được chuẩn bị trước, theo dõi diễn biến của phiên toà và những câu hỏi mà Hội đồng xét xử đã hỏi, để hỏi thêm những vấn đề phục vụ cho việc kết luận. Nếu thấy những gì mà Hội đồng xét xử đã hỏi rồi và đã được trả lời rõ thì không hỏi lại. Những vấn đề gì mà dự thảo xét hỏi chưa đề cập, nhưng cần thiết làm rõ thì Kiểm sát viên phải hỏi thêm.

Trình bày quan điểm của Viện kiểm sát.

- Kiểm sát viên với tư cách đại diện cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật sẽ phát biểu ý kiến, trình bày quan điểm của Viện kiểm sát đối với bản án sơ thẩm và nội dung kháng cáo, kháng nghị.

- Căn cứ vào nội dung của bản án sơ thẩm và việc xem xét các tài liệu, chứng cứ tại phiên toà phúc thẩm Kiểm sát viên trình bày, kết luận về từng vấn đề theo nội dung của kháng cáo, kháng nghị. Kiểm sát viên phải căn cứ vào diễn biến phiên toà để điều chỉnh bản dự thảo kết luận cho phù hợp. Khi trình bày quan điểm, Kiểm sát viên phải cân nhắc đến những chứng cứ và tình tiết mới tại phiên toà.

- Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên phải tập trung trình bày, phân tích lý do của việc kháng nghị, viện dẫn các quy phạm pháp luật để bảo vệ kháng nghị.

- Khi đề nghị, Kiểm sát viên phải trình bày rõ ràng, cụ thể về từng nội dung mà kháng cáo, kháng nghị đã nêu ra.

- Trường hợp tại phiên toà có những tình tiết mới làm thay đổi quan điểm giải quyết vụ án đã được lãnh đạo Viện cấp mình cho ý kiến mà không có điều kiện báo cáo lại thì Kiểm sát viên quyết định cho phù hợp với thực tế vụ án và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. Sau phiên toà phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện và lãnh đạo đơn vị.

- Việc rút kháng nghị của Kiểm sát viên tại phiên toà: Tại phiên toà phúc thẩm, Kiểm sát viên có quyền rút kháng nghị. Căn cứ vào diễn biến của phiên toà, và kết quả xét hỏi cũng như qua việc tranh luận, nếu thấy xuất hiện các tình tiết mới làm thay đổi nội dung đã kháng nghị thì Kiểm sát viên có quyền rút kháng nghị.

Tranh luận tại toà.

- Khi bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác trình bày ý kiến của họ về quan điểm của Viện kiểm sát và đưa ra đề nghị thì Kiểm sát viên phải ghi lại tất cả những ý kiến đó để tranh luận. Kiểm sát viên phải tranh luận tất cả những ý kiến có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị mà người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác nêu ra nhằm làm sáng tỏ sự thật, bác bỏ ý kiến không đúng của họ.

- Để việc tranh luận đạt kết quả tốt thì Kiểm sát viên phải chú ý:

+ Ghi lại nội dung trình bày của người bào chữa, của bị cáo và của những người tham gia tố tụng khác, xem giữa quan điểm của Kiểm sát viên và họ có gì khác nhau? Họ không đồng tình với quan điểm của Kiểm sát viên ở phần nào, điểm nào? Lý do vì sao?.

+ Đối đáp lại từng vấn đề mà bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác nêu ra. Đối với những nội dung trùng lặp thì có thể trả lời chung. Cần chú ý đến giới hạn của việc tranh luận. Chú ý tranh luận những vấn đề liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị.

+ Đưa ra những luận điểm để phản bác lại ý kiến của phía bên kia khi tranh luận. Lý lẽ đưa ra phải rõ ràng, viện dẫn chính xác các quy định của pháp luật.

- Nội dung kế hoạch tranh luận và những ý kiến tranh luận của Kiểm sát viên phải được ghi chép đầy đủ và lưu trong hồ sơ kiểm sát.

3. Hoạt động của Kiểm sát viên sau phiên tòa.

Kiểm tra biên bản phiên toà, bản án, quyết định của Tòa án.

Sau phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm tra biên bản phiên toà và bản án, quyết định của Tòa án để xem biên bản phiên toà đã phản ảnh đầy đủ diễn biến của phiên toà một cách khách quan không? Phần trình bày quan điểm của Kiểm sát viên ghi chép có đúng không? Có đầy đủ không? Phần tranh luận, đối đáp trở lại của Kiểm sát viên có ghi đúng không?... Nếu phát hiện điều gì không đúng thì Kiểm sát viên phải có ý kiến kịp thời, yêu cầu Chủ toạ phiên toà khắc phục.

Báo cáo với Lãnh đạo và cấp có thẩm quyền về kết quả xét xử phúc thẩm.

- Sau khi tham gia phiên toà, Kiểm sát viên cần hệ thống lại toàn bộ nội dung vụ án; diễn biến ở phiên toà; kết quả xét xử của Toà án cấp phúc thẩm để báo cáo kết quả với Lãnh đạo Viện.

- Đối với những vấn đề có sự khác nhau giữa quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát với quyết định của Hội đồng xét xử thì cần báo cáo với Lãnh đạo Viện để xem xét, quyết định kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc báo cáo Viện kiểm sát tối cao xem xét kháng nghị theo thẩm quyền. Đồng thời, cần tổng hợp những vi phạm của Tòa án để kiến nghị yêu cầu khắc phục.

- Đối với những bản án sơ thẩm bị Toà án cấp phúc thẩm huỷ án để điều tra lại hoặc xét xử lại, Kiểm sát viên đã tham gia xét xử phúc thẩm phải làm văn bản báo cáo Lãnh đạo Viện để hướng dẫn Viện kiểm sát cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

4. Hoạt động của Kiểm sát viên sau khi kết thúc phiên tòa xét xử phúc thẩm hình sự.

Kiểm tra biên bản phiên tòa phúc thẩm hình sự.

- Kiểm tra thành phần Hội đồng xét xử có đúng những người đã ngồi xét xử phúc thẩm vụ án đó hay không?

- Kiểm tra những lời trình bày của bị cáo, người làm chứng, người giám định, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bị hại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan có ghi đúng hoặc những lời khai của họ tại phiên tòa phúc thẩm có được ghi nhận tại biên bản phiên tòa hay không?.

- Kiểm tra biên bản phiên tòa phải xem xét có ghi đúng, đầy đủ nội dung lời phát biểu kết luận về vụ án của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm hay không?... Hội đồng xét xử có ký, đóng dấu đầy đủ vào biên bản phiên tòa theo đúng quy định của pháp luật hay không?.

- Cùng với việc kiểm tra biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên còn phải kiểm tra biên bản nghị án tại phiên tòa phúc thẩm. Khi kiểm tra biên bản nghị án Kiểm sát viên phải kiểm tra thật kỹ những nội dung sau:

+ Biên bản nghị án có ghi đúng ngày, tháng, năm nghị án và ghi đầy đủ thành phần Hội đồng xét xử đã trực tiếp xét xử vụ án đó hay không?.

+ Kiểm tra xem biên bản nghị án có ghi đầy đủ họ tên bị cáo, tội danh, điều luật áp dụng, hình phạt (tù, các hình phạt khác) không? Biên bản nghị án có biểu quyết theo từng vấn đề một như quy định tại Điều 222 BLTTHS không?. Hội đồng xét xử có ký và đóng dấu đầy đủ vào biên bản nghị án hay không.

+ Nếu qua kiểm tra biên bản phiên tòa, biên bản nghị án, Kiểm sát viên phát hiện các biên bản đó ghi không đầy đủ hoặc ghi không đúng hay không ghi những lời khai của bị cáo, người làm chứng, người giám định, kết luận của Kiểm sát viên… thì yêu cầu Thư ký, Thẩm phán bổ sung đầy đủ theo đúng với lời khai của họ, lời kết luận của Kiểm sát viên…

Kiểm sát bản án, quyết định phúc thẩm.

- Kiểm tra phần đầu của bản án, quyết định bằng việc xem xét: Bản án, quyết định có ghi đầy đủ thành phần Hội đồng xét xử đã xét xử phúc thẩm vụ án đó hay không? Ngày, tháng, năm, địa điểm xét xử; họ và tên, địa chỉ, trình độ văn hóa, lý lịch tư pháp của bị cáo; họ và tên, địa chỉ của những người tham gia tố tụng.

- Kiểm tra phần nội dung của bản án, quyết định thì Kiểm sát viên phải kiểm tra kỹ nội dung về hành vi phạm tội của bị cáo, vai trò từng bị cáo (nếu là vụ đồng phạm), tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; phần bồi thường về dân sự xem có đúng nội dung như đã tuyên tại phiên tòa phúc thẩm hay không?.

- Kiểm tra phần quyết định của bản án, quyết định phúc thẩm, Kiểm sát viên phải kiểm tra bản án, quyết định tuyên có đúng với họ tên bị cáo, tội danh, điều luật áp dụng, hình phạt (đối với từng bị cáo nếu là vụ đồng phạm) không? Các quyết định của bản án tuyên về phần dân sự, xử lý vật chứng, tài sản, án phí… xem có đúng nội dung nội dung mà Hội đồng xét xử đã tuyên ở tại tòa hay không?.

Báo cáo kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm.

- Sau phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên phải làm báo cáo kết quả thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa phúc thẩm theo mẫu quy định của VKSND tối cao.

- Kiểm sát viên phải ghi đầy đủ trong mẫu báo cáo xét xử phúc thẩm như họ, tên bị cáo, số bản án, ngày, tháng, năm xét xử sơ thẩm, ngày, tháng năm kháng cáo hoặc kháng nghị phúc thẩm; nội dung bản án, quyết định sơ thẩm (tội danh, hình phạt, điều luật áp dụng); nội dung kháng cáo, kháng nghị; quan điểm kết luận của Kiểm sát viên tại tòa phúc thẩm… Sau khi ghi đầy đủ các nội dung của báo cáo xét xử phúc thẩm, Kiểm sát viên phải ký vào báo cáo xét xử phúc thẩm.

- Báo cáo kết quả xét xử phúc thẩm phải được gửi ngay cho Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử (Vụ 3 VKSND tối cao); Văn phòng; lưu hồ sơ kiểm sát xét xử phúc thẩm và gửi Lãnh đạo Viện.

Đề xuất kháng nghị giám đốc, tái thẩm.

- Sau phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên báo cáo Lãnh đạo Viện và làm báo cáo đề xuất với cấp có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nếu phát hiện có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định tại Điều 273 hoặc Điều 291 BLTTHS.

- Báo cáo đề xuất kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm gồm 3 phần:

+ Phần đầu ghi: Kính gửi Viện trưởng VKSND…

+ Phần nội dung nêu rõ những vi phạm của Tòa án cấp phúc thẩm về tố tụng hoặc vi phạm trong việc áp dụng pháp luật hình sự cần phải kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó cần phải kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

+ Phần đề nghị: Ghi rõ đề nghị kháng nghị giám đốc hoặc tái thẩm.

Kiến nghị với Tòa án, các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa vi phạm.

- Căn cứ Điều 19 Luật Tổ chức VKSND năm 2002 và Điều 10 Quy chế công tác THQCT&KSXXHS thì khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, nếu phát hiện Toà án có vi phạm pháp luật trong việc xét xử vụ án thì Kiểm sát viên tự mình hoặc báo cáo lãnh đạo Viện kiến nghị với Toà án khắc phục vi phạm. Nếu phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện để xem xét kiến nghị với cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan khắc phục, áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

- Kiểm sát viên phải tập hợp đầy đủ những vi phạm của Tòa án (sơ thẩm, phúc thẩm) và những vi phạm của Cơ quan điều tra (cấp sơ thẩm) cũng như những thiếu sót của VKSND trong công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm để kiến nghị với Tòa án, với Công an, với các cơ quan hữu quan; rút kinh nghiệm trong ngành kiểm sát những thiếu sót về kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án nhằm khắc phục, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, rút kinh nghiệm.

- Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm, phát hiện những vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng pháp luật, những văn bản hướng dẫn báo cáo với Viện trưởng cấp mình để tập hợp báo cáo Viện trưởng VKSND tối cao có biện pháp nâng cao chất lượng việc quản lý, chỉ đạo điều hành công tác kiểm sát xét xử hình sự nói chung, công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm nói riêng.

Lưu trữ hồ sơ kiểm sát xét xử phúc thẩm.

- Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự bổ sung tiếp những tài liệu mới phát sinh vào hồ sơ kiểm sát xét xử như:

+ Quyết định trưng cầu giám định;

+ Công văn của Viện kiểm sát đề nghị Tòa án trưng cầu giám định hoặc yêu cầu cấp sơ thẩm điều tra xác minh bổ sung;

+ Các kết luận giám định mới;

+ Các văn bản lấy lời khai; biên bản mới xác minh…

+ Các văn bản, tài liệu khác phục vụ cho công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm hình sự mới phát sinh đều được bổ xung đầy đủ vào hồ sơ kiểm sát xét sự hình sự.

- Sau khi thực hiện các công việc trên, Kiểm sát viên phải đánh số bút lục vào hồ sơ và ghi đầy đủ vào bìa hồ sơ vụ án như: VKSND nào? Họ tên bị cáo, tội danh, điều luật, hình phạt áp dụng. Ghi ngày, tháng, năm xử phúc thẩm, tội danh, điều luật áp dụng, hình phạt mà Tòa phúc thẩm tuyên; tóm tắt kết luận của Kiểm sát viên. Đồng thời, ghi đầy đủ số thụ lý của Tòa phúc thẩm; số thụ lý của Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm, ghi số tờ trang hồ sơ, tên Kiểm sát viên Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm.

- Sau khi đã ghi đầy đủ trên bìa hồ sơ kiểm sát xét xử phúc thẩm, Kiểm sát viên chuyển toàn bộ hồ sơ cho bộ phận văn phòng để chuyển lưu trữ.

Sao gửi bản án, quyết định phúc thẩm và theo dõi kết quả xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm (nếu có).

- Sau phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên phải sao chụp bản án hoặc quyết định phúc thẩm gửi Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự;

- Đối với những bản án hoặc quyết định phúc thẩm của Toà án cùng cấp bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, Kiểm sát viên đã giải quyết vụ án phải theo dõi kết quả xét xử để báo cáo lãnh đạo Viện và lãnh đạo đơn vị.

- Đối với những bản án hoặc quyết định phúc thẩm bị Toà án cấp giám đốc thẩm xét xử huỷ án để xét xử lại ở cấp phúc thẩm, Kiểm sát viên phải kiểm tra hồ sơ vụ án, chứng cứ để chuẩn bị tham gia phiên toà phúc thẩm xét xử lại vụ án.

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,753,352
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:13.59.36.203

    Thư viện ảnh