.

Thứ sáu, 19/04/2024 -23:25 PM

2. PHƯƠNG PHÁP KIỂM SÁT VIỆC TẠM GIỮ, TẠM GIAM: 2.1. Thường kỳ kiểm sát trực tiếp nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam.

 | 

2.1. Thường kỳ kiểm sát trực tiếp nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam.

- Khi tiến hành kiểm sát thường kỳ có thể đi sâu kiểm sát toàn bộ việc chấp hành pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam hoặc cũng có thể kiểm sát những vấn đề nào thấy cần thiết hoặc phúc tra lại những vi phạm đã được phát hiện của lần kiểm sát trước mà Viện kiểm sát đã kháng nghị yêu cầu sửa chữa, xem kết quả sửa chữa vi phạm của Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam.

- Đối với nhà tạm giữ: Hàng ngày Kiểm sát viên phải kiểm sát việc bắt tạm giữ, tạm giam. 3 tháng 1 lần kiểm sát từng mặt, 6 tháng 1 lần kiểm sát trực tiếp toàn diện về việc bắt, tạm giữ, tạm giam, có kết luận bằng văn bản.

- Đối với trại tạm giam: Hàng tuần kiểm sát về thủ tục trong việc tạm giữ, tạm giam theo quy định của BLTTHS; 3 tháng 1 lần kiểm sát trực tiếp từng mặt có kết luận bằng văn bản; 6 tháng 1 lần kiểm sát toàn diện về tạm giữ, tạm giam có kết luận bằng văn bản.

- Để thực hiện được yêu cầu của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam theo đúng quy định của pháp luật, khi tiến hành công tác kiểm sát thường kỳ và trực tiếp đối nhà tạm giữ, trại tạm giam cần chú ý kiểm sát các nội dung sau:

Thứ nhất, kiểm sát đối tượng, thủ tục, thẩm quyền và thời hạn tạm giữ, tạm giam phải đảm bảo các yêu cầu:

+ Khi tiếp nhận một người bị tạm giữ, tạm giam vào nơi giam, giữ, hoặc ra khỏi nơi giam, giữ phải kiểm tra các lệnh, quyết định (phải có các lệnh, quyết định đang còn hiệu lực pháp luật của các cơ quan và người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật); có biên bản giao, nhận hồ sơ, giao nhận người; xác nhận tình trạng sức khỏe của họ; biên bản tạm giữ tư trang, tài sản (nếu có).

+ Biên bản bắt, tạm giữ, tạm giam phải ghi rõ lý do tạm giữ, tạm giam, thời hạn tạm giữ, tạm giam từ ngày, tháng năm đến ngày, tháng năm (đối với lệnh tạm giữ phải ghi rõ tạm giữ từ giờ … đến giờ, ngày… Ví dụ: Tạm giữ từ 10h ngày 01/01/2005 đến 10h ngày 04/01/2005).

+ Đối tượng chuyển từ nhà tạm giữ, trại tạm giam khác đến phải có quyết định điều chuyển; lệnh tạm giữ, tạm giam đang còn hiệu lực pháp luật; có danh chỉ bản; có các quyết định xử lý: Quyết định khởi tố bị can, chuyển tạm giam, các quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, quyết định hủy bỏ biện pháp tạm giữ, quyết định trả tự do vì không đủ căn cứ; có các tài liệu khác như: Biên bản vi phạm và quyết định xử lý kỷ luật người bị tạm giữ, tạm giam.

+ Nếu người bị giam, giữ chết phải có biên bản xác định nguyên nhân chết có sự chứng kiến của đại diện Viện kiểm sát; biên bản trả tư trang, tài sản khi người bị giam, giữ được trả tự do, chuyển nơi giam, giữ khác (phải có xác nhận của người nộp, người nhận). Các biên bản này phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, dấu, chữ ký của những người có trách nhiệm.

+ Các lệnh, quyết định của cơ quan và người có thẩm quyền phải ghi rõ: Cơ quan, họ tên, chức vụ, cấp bậc người ra lệnh; Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi đăng ký thường trú, ngày bị bắt, tội danh, ngày bị tạm giữ, tạm giam. Các loại lệnh, quyết định, biên bản trong hồ sơ giam, giữ đều phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, ký tên và đóng dấu. Thời hạn tạm giữ, tạm giam căn cứ vào những quy định của pháp luật.

+ Khi kiểm sát nhà tạm giữ, trại tạm giam nếu phát hiện các trường hợp hết thời hạn tạm giữ, tạm giam mà người đó vẫn đang bị giam, giữ thì Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo viện, yêu cầu cơ quan và người có thẩm quyền trả tự do cho họ. Việc tính thời gian tạm giữ vào thời hạn tạm giam và cách ghi thời hạn trong lệnh tạm giam của Cơ quan điều tra có đúng mục 6 Thông tư liên tịch số 05/2005/BCA-BQP-VKSTC ngày 7/9/2005; Qua kiểm sát giam, giữ, phát hiện thấy việc tạm giữ, tạm giam không có căn cứ, không đảm bảo các thủ tục, không đúng thẩm quyền, quá thời hạn thì phối hợp với kiểm sát điều tra xem xét và báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát để giải quyết.

Thứ hai, kiểm sát việc phân loại, quản lý người bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.

+ Khi tiến hành kiểm sát phải xem xét việc tuần tra canh gác 24/24 giờ nhà tạm giữ, trại tạm giam để giải quyết kịp thời các việc đột xuất có thể xảy ra.

+ Phải kiểm tra, xem xét các buồng giam, giữ. Chú ý các buồng chấp hành án phạt tù tại nhà tạm giữ, buồng tạm giữ, tạm giam, buồng giam, giữ người phạm tội thuộc các trường hợp phải giam, giữ riêng theo quy định của pháp luật. Nhà tạm giữ có buồng tạm giam, buồng chấp hành án phạt tù phải có biển ghi buồng tạm giam, buồng chấp hành án phạt tù.

+ Kiểm sát việc xử lý kỷ luật đối với người bị giam, giữ (Qua nghiên cứu hồ sơ, quan sát, hỏi người bị kỷ luật, thăm buồng kỷ luật), bảo đảm việc xử lý kỷ luật đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 32 NĐ số 89-CP ngày 7/1/1998 và khoản 6 Điều 1 Nghị định 98-CP của Chính Phủ ngày 27/11/2002.

Thứ ba, kiểm sát việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân.

+ Kiểm tra chế độ ăn uống, ở, sinh hoạt, quần áo, chăn màn theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam. Người bị tạm giữ, tạm giam được gặp người thân (nếu có thể); được nhận quà tiếp tế của gia đình (theo quy định của pháp luật), được khám chữa bệnh khi đau ốm, được học tập.

+ Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người bị tạm giữ, tạm giam về việc tạm giữ, tạm giam trái pháp luật hoặc các hành vi trái với Quy chế tạm giữ, tạm giam.

Thứ tư, kiểm sát việc đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản, nhân phẩm, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam và các quyền khác của họ không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng.

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,698,570
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.119.105.239

    Thư viện ảnh